Trong thời kỳ thai nghén, người đàn bà phải kiêng kỵ nhiều thứ: kiêng không ăn cua (sợ đẻ ngang), không ăn thỏ (sợ sinh ra con sứt môi), không ngồi lệch (con không đứng đắn). Nhiều gia đình không cho đàn bà có thai nhìn hay nghe những điều mà họ cho là "bậy bạ" sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Mỗi xóm hay làng thường có một (hay hai) người phụ nữ đỡ đẻ gọi là "mụ vườn". Trường hợp sản phụ đẻ khó, người chồng phải đi cởi rợ trâu (con trâu bất kỳ của hàng xóm) hoặc trèo lên cây cau rồi tụt xuống, hoặc lay nhổ cọc chuồng lợn đuổi lợn chạy ra khỏi chuồng.
Người ta thường dùng mảnh chai, mảnh tre, nứa hoặc dùng liềm để cắt rốn cho trẻ, rắc "tinh" cối đá (bột đá nạo từ cối đá giã gạo) cho rốn mau lành. Nhau thường được gói trong tã rách (để cho trẻ khỏi trớ ?) đem chôn ở lối đi đầu ngõ (cho trẻ mau lớn, mạnh dạn). Nhiều trường hợp, sản phụ được mẹ chồng cho uống nước giải trẻ con. Bố mẹ hoặc ông bà đặt tên cho đứa trẻ. Tên đứa trẻ nhất thiết phải kiêng tên cụ kỵ, ông bà, không trùng với tên người lớn trong xóm làng. Nhà hiếm con thường chọn đặt tên xấu (để dễ nuôi, tránh ma bắt).
Khi đứa trẻ được sinh ra, một nghi lễ không thể thiếu được là gia đình phải làm lễ báo với tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho đứa trẻ khoẻ mạnh, chóng lớn.
Trong tháng đầu hay là giai đoạn "ở cữ", để "tránh cho đứa trẻ ốm đau, người ta kiêng người lạ, người "nặng vía" tới thăm. Thăm, mừng đầu tiên là ông bà, cô bác trong nhà vì cho rằng người có cùng dòng máu và mồ hôi giống cha mẹ đứa trẻ thì đứa trẻ dễ quen hơn.
Nếu chẳng may đứa trẻ bị nóng sốt, khó ở, gia đình thường "đuổi vía" hay "đốt vía" bằng lửa, hoặc bằng túm cây lá có gai như lá dứa dại, cành gai "tầm soọng".
Khi đứa trẻ tròn một tháng, cha mẹ thường làm lễ "đầy tháng" để báo cáo với tổ tiên; gia đình nào có điều kiện thì mời những người thân thiết tới chia vui.
Những đứa trẻ cứng vía hoặc sinh phải giờ dữ (hay khóc, hờn...) hoặc nhà hiếm, muộn con thường được "bán khoán" lên chùa.
Ngày nay, nhiều cách thức, tập tục trên đã mất đi (nhất là những tập tục gắn liền vói tri thức, trình độ văn minh) như : không còn những "mụ vườn", những tập tục xung quanh việc đẻ khó của sản phụ hay việc cắt rốn, chôn rau cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều thói quen cũ vẫn được duy trì, biến đổi trong hoàn cảnh mới, chẳng hạn: việc đặt tên cho trẻ, bên cạnh tên "hay" (kể các tên đệm) được ghi trong giấy khai sinh, còn trong cách gọi đứa trẻ khi ở nhà vẫn thường gọi giản dị, gần gũi như "cái, cu, cún, bống". Những tục kiêng vía trên thực tế vẫn còn, nhưng không quá khắt khe, xít xao như trước đây.
Theo: Địa chí Nam Định