Theo số lượng điều tra 32 ngôi nhà ở huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu có thể nhận thấy: Nhà ở dân gian vùng biển Nam Định có niên đại xây dựng muộn (khoảng 50-100 năm trở lại), là khu vực định cư mới của người dân.
Quy mô và khuôn viên không khác nhiều so với các ngôi nhà vùng trũng. Phân bổ chủ yếu là dạng quy mô khuôn viên trung bình, phổ biến mặt bằng hình thước thợ.
Làng ven biển thường ở trên những đụn cát biển nên nhà trong làng không ở thành cụm mà thường ở rải rác.
Có một số điểm khác biệt nhỏ trong tổ chức không gian ở:
Nhà ở vùng biển hay có gió bão, nên nhà dân gian thường có mặt bằng gần hình vuông, có 1 gian kèo chính với 4 cột cái vươn lên đỡ nóc cùng với hệ thống cột con xung quanh liên kết với nhau bằng một hệ thống dầm ngang dọc. Để chống gió bão, nhà làm thấp, nhỏ hơn ở đồng bằng. Toàn nhà chỉ là một không gian thoáng, tường sau (quay ra biển), phần dưới hai tường đầu hồi thường đắp bằng đất sét non (tường trình) dầy 40 - 60cm. Phần trên của hai tường đầu hồi cùng với mặt trước nhà làm bằng tre ghép lá có thể tháo hoặc nâng lên hạ xuống dễ dàng để mùa hè đón gió mát thổi vào trong nhà. Ngoài nhà ở chính thì nhà bếp, nhà phụ đứng độc lập ở một phía sân trước nhà chính.
Kết cấu công trình đối với nhà vùng biển được đặc biệt lưu ý về tính bền vững trước gió bão và ngập lụt.
Nhà ở nông thôn truyền thống Nam Định (đối với địa bàn vùng trũng), đều có sự thống nhất trong bố cục mặt bằng, trong kết cấu, trang trí... Đối với loại nhà vùng ven biển thì hầu như không có những điểm khác biệt nhiều về kết cấu.
Ảnh minh họa/Internet. |
Phần lớn những ngôi nhà ở vùng này đều được chuyển đến nên người chủ vẫn giữ nguyên hệ kết cấu chính của công trình.
Nhà ở các vùng ven biển như các xã ở Hải Hậu mới hình thành cách đây vài trăm năm cũng là những ngôi nhà 3 -5 gian nhưng có đặc điểm vì kèo bốn cột tuy vẫn chồng rường nhưng thấp hơn, mái lợp cỏ hay cói, lợp dày tới 0,4 - 0,5m, bờ nóc được củng cố, tường mở ít cửa với mục đích chống bão từ biển Đông vào. Nhà quay hướng Nam - Tây Nam hoặc Nam - Đông Nam chính là để tránh hướng Đông gió bão.
Những ngôi nhà vùng biển thường có từ 3 đến 5 gian hoặc có khi chỉ có 1 gian. Bố trí trong nhà cũng giống như nếp nhà vùng xuôi: chỗ trang trọng nhất ngay gian giữa giành cho ban thờ tổ tiên. Phía trước ban thờ thường giành làm nơi tiếp khách, nơi gia đình ngồi bàn việc nhà hay xum họp hàng ngày. Chỗ ngủ của người chủ hộ và các gian buồng riêng ở 2 chái. Đặc biệt là vì có 4 cột tuy vẫn có chồng rường nhưng thấp hơn.
Tường dày đắp đất thấp chia làm hai lớp, lớp dưới dày hơn mở ít cửa, nền nhà thấp.
Hệ thống mái chủ yếu dùng rơm và rạ. Mái rạ dày 0,4-0,5m bờ nóc được củng cố với mục đích chống bão từ biển Đông thổi vào nhà quay hướng nam. Mái ngói cũng có chít cho vừa gắn chặt với nhau. Để có được bộ mái rạ vững chắc và đảm bảo chống đỡ được gió mưa, người ta dùng biện pháp phơi ải rơm rạ, "đánh" thành từng lớp dày, bện chặt liên kết rất khéo lại với nhau. Vì thế mà bộ mái chiếm tỷ lệ khá lớn.
Nhìn chung ngôi nhà có tỷ lệ lùn chắc chắn, như cố bám lấy đất để chống đỡ với gió bão.
Nhà ở vùng đồng bằng thường có kết cấu chồng rường, những ở vùng biển vật liệu gỗ có phần hạn chế hơn nên kết cấu đơn giản và tiết kiệm chủ yếu là kiểu trốn cột, con chồng kẻ chuyền hay chồng bò đấu rế.
Những nhà có niên đại xây dựng muộn đều chịu ảnh hưởng kiến trúc phong cách Pháp thuộc đã tạo nên diện mạo mới cho kiến trúc nhà ở truyền thống trong vùng. Sự phong phú này được thể hiện rõ ở lối kết hợp trang trí hoa văn truyền thống trên nền phong cách mới, kết hợp giữa kiến trúc gỗ và kiến trúc gạch vẫn tạo được vẻ duyên dáng và đảm bảo chức năng truyền thống của công trình.
Một số ít trường hợp, người ta mua lại nhà ở vùng đồng bằng mang ra đây dùng lại. Hệ thống tường gạch đã thay thế hầu hết cho những vật liệu cũ như (đất, trát đất...) để đảm bảo sự vững chắc cho ngôi nhà, chỉ khoảng 4-5 công trình trong tổng số công trình được điều tra còn giữa lại.
Theo: Địa chí Nam Định