Hằng năm, cứ vào dịp sinh nhật Bác Hồ kính yêu (19-5), bà Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa III (1964-1971), ở thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) lại xúc động nhớ về những kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ.
Bà Dung sinh năm 1937 tại xã Hải Tây (Hải Hậu) trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1954, khi cải cách ruộng đất, bà được cử làm trưởng trạm Y tế xã Hải Quang, quê chồng, rồi làm đội phó đội sản xuất, tích cực tham gia phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Năm 1959, đội sản xuất của bà đã giành thắng lợi trong phong trào làm bèo hoa dâu, bà được nhận danh hiệu “Trai gái Đại phong” xuất sắc của xã. Bà được chi bộ Thanh Trà, xã Hải Quang kết nạp Đảng năm 1962. Tháng 5-1963, gia đình bà chuyển lên định cư tại thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong, huyện Nam Trực (nay thuộc Thành phố Nam Định). Trên vùng quê mới, bà được Ban quản trị HTX giao nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật nông nghiệp. Để triển khai công việc, bà về lại quê Hải Quang để mua bèo dâu về nhân giống và cung cấp cho các xã lân cận. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, bèo dâu phát triển tốt, đã tạo nên nguồn phân bón giúp cho vụ mùa năm đó thắng lợi.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung (bên phải) trao bức ảnh bà được chụp chung với Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Do gia đình cung cấp |
Năm 1964, bà được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa III. Sau ngày họp Quốc hội đầu tiên, đồng chí Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh thông báo: “Sáng mai, cô Dung mặc quần áo đẹp để đi nhận nhiệm vụ đặc biệt”. Sáng sớm hôm sau khi ăn sáng xong, xe đến đón bà từ khách sạn Kim Liên đến cổng sau Phủ Chủ tịch và dừng lại ở vườn cây nhà Bác. Lúc này, biết mình sẽ được gặp Bác Hồ, trong bà dâng lên một niềm vui khó tả. Mọi người trong đoàn ai cũng hồi hộp chờ đợi. Lúc Bác đi ra, mọi người đều đứng dậy vỗ tay chào mừng, ai cũng rưng rưng xúc động. Bác mặc bộ quần áo màu nâu, nhìn mọi người và cười rất tươi. Sau khi Bác trò chuyện với các đại biểu xong, Bác gọi tên bà. Bà như lặng đi vì nghĩ mình nhỏ bé như thế, làm sao Bác biết được. Khi bà đứng dậy, Bác ân cần hỏi: Cháu là Nguyễn Thị Kim Dung?. Bà xúc động đáp: "Dạ, vâng ạ!". Bác cười đôn hậu: “Cháu là nông dân, cháu mặc áo dài đi cày, áo quấn vào cày thì cháu cày làm sao được?”. Nói rồi Bác và mọi người cùng cười. Trong khi bà đang lúng túng không biết trả lời thế nào, Bác lại ân cần: “Không! Bác đùa đấy!”. Rồi Bác hỏi tiếp: “Chi bộ Vạn Phong, Đảng bộ Nam Phong của cháu vẫn “Bốn tốt” chứ?”. Lúc này, bà lại dâng lên niềm xúc động, bởi trong thâm tâm bà nghĩ Bác bận trăm công nghìn việc, một chi bộ Vạn Phong xa xôi thế mà Bác cũng biết đến. Khi ấy, bà chỉ biết: “Dạ, vâng”. Sau khi Bác lần lượt hỏi chuyện từng người, tất cả mọi người được chụp ảnh chung với Bác. Bác lại ân cần bảo: “Tất cả những thành tích cháu làm được, Bác rất hoan nghênh. Bác góp ý, cháu phải tích cực học tập để có đủ trình độ là một người đảng viên tốt, là một đại biểu Quốc hội tốt. Bác phê bình cháu ít tuổi mà có nhiều con. Nhiều con thì không tiến bộ được đâu cháu ạ! Phải sinh đẻ có kế hoạch thì mới tiến bộ được”. Nghe Bác nói thế, bà như người có lỗi, chỉ biết nói: “Vâng ạ!”.
Năm 1965, miền Bắc đang trong giai đoạn ác liệt chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Bà Dung được bầu vào thường vụ Đảng ủy xã, được phân công làm Bí thư chi bộ Xuân Phong và là chính trị viên đại đội tự vệ của xã. Giai đoạn 1965 đến 1967, mặc dù máy bay giặc Mỹ ngày đêm oanh tạc nhưng Đảng bộ, quân và dân Nam Phong vẫn kiên cường bám trụ, đồng cam cộng khổ cùng chiến đấu, lao động sản xuất… Năm 1968, Trung ương Đảng tổng kết công tác “Bốn tốt” toàn miền Bắc tại Hà Nội, bà được cử đi dự. Bác đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Lần thứ hai, bà được gặp Bác Hồ khi hội nghị giải lao, Bác ân cần bắt tay và hỏi: Cháu có khỏe không? Chồng cháu vẫn công tác tốt chứ? Các con của cháu vẫn ngoan chứ?. Bà xúc động và ứa nước mắt khi thấy sức khỏe của Bác có giảm sút. Lần này, bà được vinh dự ngồi chụp ảnh riêng với Bác...
Đối với bà Nguyễn Thị Kim Dung, những kỷ niệm về hai lần được gặp Bác Hồ thật thiêng liêng, cao quý. Mặc dù Bác đã đi xa nhưng những lời nói của Người vẫn in đậm trong tâm trí bà đến suốt cuộc đời. Năm 1973, bà được điều động về làm chuyên viên Ban Tổ chức Thành ủy Nam Định. Đến năm 1993, bà được nghỉ chế độ tại xã Nam Phong. Trong quá trình công tác, bà đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng…
Văn Thứ