Các khu phố cổ Nam Định xưa

06:05, 14/05/2013

Căn cứ vào bản đồ thành phố Nam Định năm 1883 kèm theo báo cáo của Henri Rivìere về trận tấn công hạ thành Nam Định ngày 27/8/1883, Nam Định đã trở thành một thành phố với ba khu rõ rệt.

Khu thành quách: (xây dựng thời Gia Long), trong đó hệ thống kho tàng, dinh thự của các quan đầu tỉnh; dấu ấn hiện còn là móng Cột cờ (khu vực vườn hoa Điện Biên hiện nay).

 Một khu vực gồm các phố xá buôn bán: nằm giữa dòng sông Vị Hoàng và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam.

Khu vực là đồn binh Đồn Thuỷ: án ngữ con đường thuỷ về hạ lưu sông Vị Hoàng để bảo vệ cho thành Nam Định.

Bản đồ thành Nam xưa (nguồn: Internet).
Bản đồ thành Nam xưa (nguồn: Internet).

Thời Pháp thuộc 1883-1945 (có thể kéo dài đến hết năm 1954), thành phố Nam Định mở rộng không nhiều, chủ yếu theo hai trục chính:

- Trục Nam - Bắc: đường Trần Hưng Đạo kéo dài từ bờ sông Vị Hoàng (nay là sông Đào đến dốc Lò Trâu đầu phố Hưng Yên).

- Trục Đông - Tây: đường Lê Hồng Phong và đường Trần Phú, kéo dài từ nhà thờ Khoái Đồng đến ngã sáu Năng Tĩnh.

Cũng trong thời kỳ này, thành phố hầu như không được mở rộng nhiều, mà chỉ có một số thay đổi lớn như:

+ Phá bỏ toàn bộ các công trình kiến trúc của thành luỹ cũ (trừ khu Cột Cờ và chùa Vọng Cung) để xây dựng Nhà máy sợi ở phía Tây thành, còn nửa phía Đông thành xây dựng Nhà máy tơ, Kho bạc Ngân hàng và Vườn hoa Điện Biên hiện nay. Ngoại thành cũ ở phía Nam mở Nhà máy Chai, Nhà máy Rượu ở ven sông Vị Hoàng, nhưng nay không còn nữa, chỉ còn đường phố Máy chai.

Một nhánh sông Vị Hoàng được lấp, hiện là đường Nguyễn Du - phố Bến Ngự. Bên tả của dòng sông cũ đã lấp, xây dựng 3 công trình kiến trúc lớn:

+ Nhà thờ Gia tô giáo - nay gọi là nhà thờ Khoái Đồng.

+ Trường Saint Thomas - nay là trường THPT Nguyễn Khuyến.

+ Trường Lý Đoán - nay là trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ.

Có thể thấy, dấu vết thành cổ xưa đến nay chỉ còn móng Cột cờ và một góc tường thành Cửa Bắc.

 Các khu phố cổ được xác định là: phố Minh Khai (từ đường Hùng Vương đến Hàng Sắt trên, Hàng Sắt dưới, tiếp đến phố Bến Ngự).

Đây là dấu vết của khu phố đầu tiên bên dòng sông Vị Hoàng đã bị lấp để làm đường phố Nguyễn Du hiện nay.

Trên phố Minh Khai, Hàng Sắt, Bến Ngự còn lại một số kiến trúc cổ hầu hết được xây dựng vào khoảng những năm 1840-1849, như nhà của nhà thơ Tú Xương - 280 Minh Khai, nhà số 7 phố Bến Ngự - dựng năm 1849 - di tích được xếp hạng.

Song song với phố Minh Khai, phố Hàng Sắt, Bến Ngự là các đường phố theo trục Bắc - Nam đến sông Đào là những đường phố Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo (theo bản đồ năm 1883); đường Trần Hưng Đạo mới hình thành từ dốc Lò Trâu đến cổng thành phía Đông - nay là phố Cửa Đông.

Cùng với các trục dọc Bắc - Nam là các trục ngang Đông - Tây gồm Hàng Tiện được hình thành từ đường Mạc Thị Bưởi hiện nay đến đường Trần Hưng Đạo là gặp thành cổ.

Đường Hàng Đồng được nối từ bờ sông Vị Hoàng (đã lấp) đến Trần Hưng Đạo và gặp thành cổ. Trên đường phố này hiện nay còn một số kiến trúc cổ nhưng cũng đã cải tạo đi ít nhiều.

Đường Bắc Ninh (trước đây gọi là Hàng Giầy - là con đường cổ nhưng những công trình kiến trúc xưa hầu như không còn.

Đường Cửa Đông từ đầu đường Bến Ngự đến cổng thành phía Đông kiến trúc còn lại là ngôi Đền ngã tư Hàng Sắt - Cửa Đông đầu đường Bến Ngự.

Đường Phan Đình Phùng, Hàng Thao - trục đường dài hơn cả nối từ bờ sông Vị Hoàng (đã lấp) đến phía Tây thành phố. Khu này hầu như không còn kiến trúc cũ và cổ.

Qua khảo sát có thể đi đến kết luận sơ bộ khu phố cổ của thành phố Nam Định là khu phố hình thành ven dòng sông Vị Hoàng (đến nay đã lấp) là phố Minh Khai, Hàng Sắt trên, Hàng Sắt dưới, phố Hàng Đồng, phố Bắc Ninh, Cửa Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com