Theo "Nam Định tỉnh địa dư chí" của Nguyễn Ôn Ngọc biên soạn vào năm 1893 đã viết về thành phố Nam Định ngày đó như sau:
"Tuy trước đây gặp nhiều lần binh hoả, nhưng phong hội ngày càng mở mang, buôn bán ngày càng tấp nập, nay đã dần trở nên nơi đô hội vui vẻ. Hơn nữa, dọc theo dải sông Vị Hoàng, sông Đào ôm ấp lấy thành phố, ở Năng Tĩnh thì có 3 đò ngang (đò Quan, đò Bái, đò Chè), ở Đông Mạc có ba đò dọc (đi Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình), thuyền buôn ở các nơi đổ đến, buôn bán hàng hoá ở trên xuống thì có các tỉnh Sơn Tây, Hà Nội, Hưng Yên. Ở trong ra thì có các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình. Xe, thuyền nhóm hợp, đồ đạc hàng hoá đã nhiều, gỗ tre cũng đủ. Thêm vào đó lại có hoả thuyền (tàu thuỷ) ngày đêm chuyên chở, khách buôn qua lại như mắc cửi, đường thuỷ lại càng thuận lợi, thuyền bè chật bến, buôn bán tấp nập, thành phố trở nên đô hội, thứ nhất Hà Nội, thứ nhì Nam Định. Từ Vị Xuyên đến Năng Tĩnh, từ Cửa Nam, trải qua cửa Đông đến cửa Tây có 12 phố; 3 chợ họp đông vui: Chợ Rồng, chợ Phượng, chợ Vị Hoàng".
Mười hai phố được nhắc tới là:
Phố Vị Xuyên: trong phố có chợ Vị Hoàng.
Phố Vĩnh Lại: sau đổi là Vĩnh Thuận (gồm Hàng Bát, Hàng Mâm, sang các phố Hàn Thuyên, Hàng Cấp hiện nay).
Phố Đô Xá: (phố Hàng Song dưới, Hàng Sắt trên hiện nay).
Phố Đồng Lạc: (Hàng Đồng, Hàng Giầy, Vải Màn, Hàng Rượu... hiện nay).
Phố Hai Cờ: (có hai cờ lính đóng), có chợ Rồng (khu vực Phố Lý Thường Kiệt hiện nay).
Phố Cửa Bắc: (phía đường Điện Biên ngày nay).
Phố Vĩnh Dinh: trong phố có Hội quán Triều Châu và Phúc Kiến của người Hoa. Sở Giám thành (phố Hàng Sắt dưới, phố Bến Ngự).
Phố Yên Lạc: trong phố có Hội quán Quảng Đông, nhà thờ cao nhất, trước cửa có 3 chữ "Đăng Đạo Ngạn" (Hàng Sũ, Hàng Đàn, phố Trần Hưng Đạo từ rạp Bình Minh trở xuống).
Phố Đông Thành: phố Lê Hồng Phong kéo dài ra phía phố Trần Hưng Đạo.
Phố Tả Trường: phố Cửa Trường, cửa Nam.
Phố Định Tĩnh: trong phố có chợ Phượng (phố Bến gỗ dưới Bến Ngự, chợ Đò Chè).
Chợ Đò Chè (1916). Ảnh: Internet. |
Phố Năng Tĩnh: có bến Đò Bái, Đò Quan. Bờ sông có miếu thờ Quan Công, sau sửa lại thành đền Võ Miếu của tỉnh.
Đến năm Thành Thái thứ 6, thứ 7 (1894-1895) lại bạt thành, lấp hào, mở rộng thêm đất các làng Vị Xuyên, Đông Mạc, Năng Tĩnh, đặt ra 10 phố mới là:
1- Định Tả (khu vực Hàng Giấy, Hàng Sắt...); 2- Định Hữu (Hàng Mâm, Hàng Song, Hàn Thuyên); 3- Định Tiền (cổng Hậu); 4- Định Hậu (Hàng Cót, Vườn Dâu...); 5- Định Tân (Năng Tĩnh); 6- Định Trung (Hàng Nồi, Hàng Dầu); 7- Nam Lọng (Hàng Đàn); 8- Nam An (Hai Cơ, Chợ Rồng, Lò Trâu...); 9- Nam Mỹ (Hàng Tiện); 10- Nam Xuyên (Khu hồ Vị Xuyên - phố Nguyễn Trãi).
Mặt đất các phố lại chia ra 40 đường là:
1- Đường Tự Đức; 2- Đường Đồng Khánh (Hàng Thao); 3- Đường Nguyễn Hữu Độ (chợ Diên Hồng); 4- Đường Hà Nội (phố Đền Giếng); 5- Đường Bắc Ninh (xưa là Hàng Thùng, Hàng Cân, Hàng Giầy); 6- Đường Ninh Bình; 7- Đường Tuyên Quang; 8- Đường Hưng Yên; 9- Đường Caro (Carreau) phố Cửa Đông (Lê Hồng Phong); 10- Đường Sat-xô-lu Lô-va (Chassloup Laubat) (đường Hạnh Tụ); 11- Đường Phrăng xi Gacniê (Francis Garnier) (đường Máy Tơ); 12- Đường Gia Định; 13- Đường Laokay (Ngõ Rỡ); 14- Đường Phủ Lý (đường Voi Phục); 15- Đường Hồng Gai (Bến Ngự); 16- Đường Vị Xuyên; 17- Đường Khoái Đồng; 18- Đường Phù Long; 19- Đường Năng Tĩnh; 20- Đường Phúc Châu; 21- Đường Ruy de Phrăngxơ (Rue de France); 22- Đường Bảo Hộ Ruy đuy Prô-tếch-ti-ta (Rue du Protectita) (Hàng Song, Hàng Mâm, Hàng Bát, Hàng Cát); 23- Đường La Mốt (La Mothe) (Đò Quan); 24- Đường Pari (Paris) (Hàng Nồi); 25- Đường Hác Măng (Harmand) (Bến Thóc); 26- Đường Săm pô (Chămpeau); 27- Đường Risô (Richaud) (Cửa Nam); 28- Đường Giuyn Pheri (Julle Ferry) (Hàng Cau); 29- Đường Hăng ri Rivie (Henri Rivìere) (Hàng Tiện); 30- Đường Pôn be (Paul Bert) (Bờ Hồ- Trần Hưng Đạo); 31- Đường Mirađô (Mirador) (đường Cột Cờ); 32- Đường Ruyen De Líttrê (Des Lettrés) (Văn Nhân); 33- Đường Phúc Đường; 34- Đường Ruyen đơ la Phut drê (Ruelle de la Foudrre) (Ngõ Yên Thế); 35- Đường Hàng Đồng; 36- Đường Hàng Sắt; 37- Đường Hàng Sũ; 38- Đường Bảo Khánh (Hàng Giấy - Hoàng Văn Thụ); 39- Đường Bến Gỗ; 40- Đường Công Thổ (khu Công An).
Đất trong thành phố dài 4.400 thước tây, rộng 1.400 thước tây, diện tích ước 5.600.000 thước vuông tây. Trên từ địa phận làng Phù Long, dưới đến địa đất Đồn Thuỷ, đắp đê bao dài 7.000m.
Theo: Địa chí Nam Định