Mái: Chủ yếu là loại hai mái, dốc hai bên theo chiều dốc vì. Vật liệu chính bằng ngói ta. Trang trí tập trung trên trụ hồi, bờ nóc, bờ chảy. Nhà bình thường không có trang trí này, bờ chảy chạy song song với mái nhà và có hình thức đơn giản theo kiểu như gờ chỉ. Nhà giàu có hơn thì mái có bờ nóc kết thúc bằng hai trụ hồi với nhiều kiểu dáng nhưng hình thức chung kiểu gờ chỉ, càng lên cao càng loe dần có tiết diện hình chữ nhật. Bờ nóc và bờ chảy trang trí cầu kỳ hơn với nhiều gờ chỉ, đặc biệt bờ chảy có giật cấp 2,3 tầng với hoa văn trang trí bằng vôi vữa.
Nhà lợp mái lá không có hình thức trang trí lợp trên mái. Hệ thống mái là mặt phẳng nghiêng theo vì bằng lá. Bờ nóc nhô cao hơn do có sự liên kết giữa thanh tre buộc lạt. Mái vươn ra rộng bảo vệ cho cả tường ngoài nhà, chân cột hiên, thềm hiên khỏi mưa, tránh ẩm ướt rêu mốc.
Ảnh minh họa/Internet. |
Thân nhà: gồm 3 gian chính, cửa đi chạy suốt 3 gian, cột hiên (có hoặc không có), đầu kẻ hiên hoặc đầu bẩy. Các gian chái giữa các nhà cũng có khác nhau: nhà gian chái tường đặc; nhà mở cửa sổ nhỏ, nhà mở cửa đi nhỏ...
Hình thức trang trí thân nhà thể hiện kinh tế của gia chủ. Nhà nghèo, cửa đi dùng loại cửa phố, đầu kẻ, đầu bẩy không có trang trí, cột hiên nhỏ.
Nhà giàu có địa vị, cửa đi 3 gian chính là cửa bức bàn, với 3 gian 2 chái. Đầu kẻ hiên hay bảy hiên trang trí chữ Thọ (theo phương tiết diện). Đầu hồi nhà có trụ biểu hay còn gọi là cột lồng đèn đề chữ Nho, trên trang trí tứ phượng chầu hoặc lân...
Một số nhà phía trước có dại che nắng. Cửa dại bằng những thanh tre mỏng đan với nhau tạo thành những khoảng rỗng khá thú vị.
Nhà niên đại khoảng 100 năm trở lại, mặt đứng có tường chắn hiên theo kiểu kiến trúc Pháp (hiên tây), đặc điểm của nó là cao quá mái. Tường có trụ đắp nổi, cuốn vòm liên tục và thường có một cấp.
Nhà có phần đế một cấp được đắp nổi tách với phần thân. Nhà có phần đế cao thì phía trước 3 gian chính thường bố trí 1-2 bậc thang. Phần đế có hình thức đơn giản, bề ngoài là gạch xây để trần hoặc có trát vữa.
Trang trí điêu khắc gỗ tập trung ở vì chính, vì thuận, phần vì vị trí của nó nằm ngay ở nơi quan trọng nhất của ngôi nhà. Mặt khác, người chủ muốn thể hiện sự hiểu biết, phô trương kinh tế, địa vị của gia đình, coi đó như niềm tự hào đáng trân trọng. Vì phụ ít được trang trí hơn hoặc là rất giản đơn, sử dụng nhiều đường nét của các rãnh chạy dọc theo cấu kiện.
Điêu khắc vì chính và vì thuận trong một nhà giống nhau. Chủ đề hoa lá, thiên nhiên, mây nước, hoa quả cách điệu hoặc biến thể của các loại chữ Nho theo lối viết triện như phúc, lộc, thọ. Niên đại hoa văn (thế kỷ XIX) các đề tài đa dạng như lá cúc cách điệu.
Phương thức thể hiện chủ yếu là chạm nổi. Chạm thủng được sử dụng ít (ở vì nóc hay vì nách của vì thuận)... các cấu kiện này không có tác dụng chịu lực chỉ có tác dụng ngăn che.
Mức độ chạm trổ, trang trí tùy thuộc vào kinh tế, địa vị, thẩm mỹ của gia chủ. Đôi khi còn phụ thuộc vào niên đại nhà phù hợp với phong cách đương thời ra sao. Với những ngôi nhà gia chủ có địa vị, niên đại lâu năm, mức độ chạm trổ tinh vi hơn, cầu kỳ, dày đặc, nổi khối và sắc nét, đề tài phong phú đa dạng. Những nhà nghèo mức độ gia công chạm trổ vì kèo có hạn chế sử dụng nhiều những đường nét, hình khối dẹt.
Vị trí chạm trổ trên vì chính và vì thuận phần lớn ở những cấu kiện đỡ hoành như ván mê, con chồng, kẻ chuyền... nhằm che dấu những khiếm khuyết và kết nối mộng với nhau. Kết cấu chịu lực như cột và xà hầu như không có chạm trổ, nếu có tập trung chủ yếu ở hệ thống xà, theo hình thức soi rãnh, trang trí hoạ tiết hoa văn lá cây cách điệu tại đầu các xà nách.
Thượng lương được chạm trổ hình thức hoa lá cách điệu, kết hợp với một số bộ phận của vì nóc tạo điểm nhấn trang trí chính của vì. Trên thượng lương, xà nóc có khắc chữ Nho vừa ghi lại niên đại xây hoặc năm sửa chữa lớn vừa dùng để trang trí.
Theo: Địa chí Nam Định