Vụ Bản - Vùng đất của lễ hội

08:04, 16/04/2013

Huyện Vụ Bản hiện có hơn 200 di tích, trong đó có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Mỗi di tích đều là không gian văn hóa của một lễ hội. Hằng năm, cứ vào dịp mùa xuân và mùa thu, khắp làng trên xóm dưới, các hội làng diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang sắc thái riêng của vùng đất "Thiên Bản lục kỳ" xưa như: thi nấu cơm ở lễ hội làng Thượng Linh, Bối La, Thái La, xã Cộng Hòa; kết rơm thành kiệu, cổng chào, tứ linh ở lễ hội làng Xứng, xã Liên Bảo; thi làm cỗ, hát chèo, hát ca trù, đánh cờ người, chơi đu, múa rồng ở lễ hội đền Giáp Nhất, xã Quang Trung; múa gậy, thi sáo diều ở lễ hội đền, chùa Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào; thi chọi gà, múa cờ ở lễ hội đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng… Lễ hội làng An Nhân, xã Thành Lợi kỷ niệm tướng quân Tạ Sùng Hy giúp vua Đinh đánh giặc, dạy dân đánh cá nên có lệ thi mâm lễ vật cá. Hội làng Riềng thi nuôi lợn béo; hội làng Gôi, Kẻ Dầy thi nuôi gà to đẹp để chọn làm lễ vật tế thần. Lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi từ mùng 5 đến rằm tháng 3 âm lịch tổ chức vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi là điểm nhấn trong các lễ hội làng ở Vụ Bản. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của 18 ông tổ lập làng và kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên đời Trần. Điểm đặc biệt của lễ hội là có gần hai chục trò chơi dân gian như đua thuyền chở lương, đánh cờ đèn trên sông, chơi tam cúc điếm, thi dệt vải trên mặt hồ, múa rồng mây, thi thả thơ… đều diễn ra trên nền hát trống quân, tạo không khí vui tươi, sôi động cho các cuộc tranh tài.

Lễ hội Phủ Dầy.
Lễ hội Phủ Dầy.

Cùng với hội làng, huyện Vụ Bản còn có nhiều lễ hội vùng với quy mô lớn, tiêu biểu của tỉnh và cả nước. Chợ Viềng xuân "Năm có một phiên" gắn với di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy - trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì vậy, người dân đến hội trước khi vào chợ mua sắm lấy may, mong cho một năm làm ăn phát đạt, thường đến thắp hương tại các đền, phủ. Những năm gần đây, chợ Viềng xuân được tổ chức trong 2 ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng, trở thành một lễ - hội - chợ truyền thống đặc sắc, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, biểu thị nền kinh tế phồn thực của vùng châu thổ sông Hồng trên vùng đất Thiên Bản. Những năm gần đây đáp ứng yêu cầu phát triển mở rộng về quy mô với số lượng du khách lớn, với sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng khu vực lễ hội - chợ ngày càng hoàn thiện, khang trang, đường giao thông đi lại thuận tiện. Mỗi năm, chợ Viềng thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương về du xuân, mua sắm chơi hội. Từ năm 1998, Lễ hội Phủ Dầy được Bộ VH-TT cho phép mở trở lại từ ngày mùng 3 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch, nhưng từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch không lúc nào thưa vắng nhân dân địa phương và du khách thập phương về tham quan di tích và thắp hương thờ Mẫu. Quần thể Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy gồm 19 công trình kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, trải rộng trên địa bàn 2 thôn Vân Cát, Tiên Hương (xã Kim Thái), được bao bọc bởi các dãy núi Gôi, Lê, Tiên Hương, Ngăm... Sự kết hợp giữa phong cảnh sơn thủy, hữu tình của vùng quê giàu bản sắc văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu làm cho quần thể Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Đến với Lễ hội Phủ Dầy - một trong 5 lễ hội lớn nhất cả nước, khách hành hương còn được dự các nghi lễ trang trọng như: rước thỉnh kinh, hoa trượng hội, được hòa mình vào đêm hội hoa đăng lung linh, huyền ảo với hàng nghìn cây đuốc sáng rực trong đêm đen trải dài suốt cả quần thể di tích; được thưởng thức nghệ thuật hát chầu văn đặc sắc, xem múa lân, sư, rồng, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác.

15 năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Vụ Bản đã tập trung đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương; kết hợp hài hòa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với các hoạt động phát triển kinh tế du lịch. Việc tổ chức và quản lý lễ hội, nhất là các lễ hội lớn diễn ra vào mùa xuân của huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được UBND tỉnh và Bộ VH, TT và DL đánh giá cao. Huyện Vụ Bản bám sát quy chế mở hội; xây dựng chương trình lễ hội sát thực, cụ thể; gắn lễ hội với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của di tích cho người đến hội; đảm bảo an ninh trật tự và cảnh quan môi trường văn hóa trong lễ hội.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch lễ hội, những năm gần đây, được sự giúp đỡ của Sở VH, TT và DL, huyện Vụ Bản đã tiến hành kiểm kê toàn bộ di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn; khảo sát, lập quy hoạch công nhận di tích lịch sử, văn hóa và chống xuống cấp di tích trong toàn huyện; xây dựng trang thông tin về văn hóa lễ hội của huyện. Các xã, thị trấn quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; chú trọng phục hồi những nghi lễ truyền thống, khai thác các trò chơi dân gian, những nét văn hóa bản sắc của từng địa phương trong tổ chức lễ hội… Những nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương thông qua việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống đã đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và lòng thành tâm, ngưỡng vọng của du khách thập phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com