Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh, góp phần tạo khí thế vui tươi trong lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu của các tầng lớp nhân dân và động viên thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Ở xã Giao Hà (Giao Thủy), xã có hai đội văn nghệ với trên 50 diễn viên, nhạc công luôn xung kích phục vụ bộ đội, nhân dân với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”. Các vở diễn “Đường về mặt trận”, “Trên bến sông quê”, “Tình dân quân” do đội văn nghệ xã Giao Hà biểu diễn được các chiến sỹ và nhân dân trong vùng yêu thích.
Trên lĩnh vực sân khấu chuyên nghiệp, các nghệ sỹ thuộc các đoàn nghệ thuật của tỉnh đã xây dựng nhiều vở diễn có nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao, có tác động cổ vũ toàn dân cùng chung sức, chung lòng đánh giặc, bảo vệ quê hương, đất nước. Vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” được Đoàn Chèo Nam Định dàn dựng năm 1965 khi ra mắt công chúng đã gây tiếng vang lớn, được đi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Thái Bình, Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh… Ngày 22-12-1968, bốn nữ diễn viên của Đoàn Chèo Nam Định là Kim Liên (vai Thế Tử), Thuý Ngân (vai Trần Quốc Toản), Hồng Lê (vai cô gái làng Vân), Thuý Nga (vai Hề đồng) với trích đoạn trong vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” đã vinh dự được diễn phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Năm 1971, NSND Bạch Diệp đã chọn Đoàn Chèo Nam Định để dựng thành bộ phim sân khấu. Để có những thước phim đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, ngoài vai trò của đạo diễn, NSND Bạch Diệp, hoạ sỹ Đào Đức, nhạc sỹ Bùi Đình Hạnh, phải kể đến sự đóng góp to lớn của tập thể diễn viên, nhạc công Đoàn Chèo Nam Định. Trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, ê-kíp dựng phim đã làm việc không kể ngày đêm trong điều kiện khó khăn bộn bề. Diễn viên Thuý Ngân phải mang theo con gái 4 tuổi lên đoàn làm phim tại Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội); diễn viên Kim Liên có hai con nhỏ, chồng đi bộ đội, việc quay phim lại thường vào ban đêm. Bộ phim sân khấu “Trần Quốc Toản ra quân” hoàn thành, được công chiếu phục vụ nhân dân, nhất là những nơi “túi bom, vựa đạn”, chiếu dưới hầm, trong địa đạo phục vụ bộ đội. Những bức thư từ chiến trường gửi ra cho Đoàn Chèo Nam Định và cho diễn viên Kim Liên, Thuý Ngân ngày càng nhiều...
TNXP biểu diễn phục vụ đồng đội trong phong trào "Tiếng hát át tiếng bom". Ảnh: Internet. |
Trên lĩnh vực sáng tác âm nhạc, góp phần vào phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, những tác giả quê hương Nam Định đã xung kích lên đường tòng quân đánh giặc, là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Từ hiện thực cuộc kháng chiến gian khổ, nhưng anh dũng, hào hùng của dân tộc, bằng ngôn ngữ âm nhạc, các nhạc sỹ Nam Định đã viết nên những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước có nội dung sâu sắc, góp phần tuyên truyền, động viên nhân dân, đồng tâm, hợp lực đánh đuổi kẻ thù, thống nhất đất nước. Trong đó, nhiều tác phẩm âm nhạc giàu giá trị nghệ thuật, sâu sắc về nội dung, trở thành những ca khúc kinh điển của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam như: “Tiến quân ca”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Đàn chim Việt”, “Sông Lô” (Văn Cao); “Đường lên Tây Bắc”, “Ta ra trận hôm nay”, “Nhịp cầu nối những bờ vui” (Văn An); “Bài ca hy vọng”, "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Trời Hà Nội xanh”; “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Tiếng hát quê hương” (Đỗ Minh); “Đường tôi đi dài theo đất nước”, “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối); “Những thành phố bên bờ biển cả”, “Biết mấy tự hào Việt Nam Tổ quốc ta” (Phạm Đình Sáu)… Nhắc đến các tác phẩm âm nhạc về đề tài chiến tranh cách mạng, ca ngợi hình tượng người chiến sỹ - anh bộ đội Cụ Hồ, thì các nhạc sỹ Văn Ký, Văn An, Trần Viết Được là những tác giả quê hương Nam Định có nhiều sáng tác hay, được thính giả và đồng nghiệp mến mộ. Nhạc sỹ Trần Viết Được, quê ở Thành phố Nam Định nhập ngũ năm 1946, trở thành anh Vệ quốc quân khi tròn 17 tuổi. Năm 1957, ông xuất ngũ, về Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định trực tiếp sản xuất và phụ trách công tác văn nghệ quần chúng, góp công xây dựng lực lượng văn nghệ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định trở thành đơn vị mạnh của thành phố, phục vụ sản xuất và chiến đấu trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Sau hơn mười năm gắn bó với Nhà máy Dệt, nhạc sỹ Trần Viết Được về công tác tại Đài phát thanh Hà Nam Ninh, phụ trách phòng Văn nghệ, trực tiếp biên tập âm nhạc, xây dựng các chương trình ca nhạc, chăm lo bồi dưỡng các năng khiếu, tài năng trẻ. Ca khúc “Trái tim chiến sỹ” là tác phẩm âm nhạc tiêu biểu khắc họa hình ảnh cao đẹp về tinh thần bất khuất kiên cường, nhưng rất đỗi tài hoa của bộ đội Cụ Hồ. Những ca khúc cách mạng của các nhạc sỹ quê hương Nam Định, nhất là những sáng tác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước luôn có chỗ đứng vững chắc trong nền âm nhạc dân tộc với những tên tuổi nhạc sỹ: Văn Cao, Văn Ký, Đỗ Minh, Văn An, Bùi Công Kỳ, Vũ Trọng Hối, Phạm Đình Sáu, Trần Viết Được, Văn Thành Nho… có nhiều đóng góp lớn cho nền âm nhạc Việt Nam./.
Việt Thắng