Vật liệu bao che của nhà truyền thống

06:04, 23/04/2013

Tường: chủ yếu là gạch nung. Cá biệt trường hợp tường bao phía sau 3 gian chính bằng ván gỗ. Có 2 loại: tường bao kiên cố - phần lớn bằng gạch nung chiều dày 25-27 cm chống nóng và cách nhiệt tốt; tường nhẹ - bằng ván gỗ, ván tre ghép vào nhau dễ bức xạ mặt trời xâm nhập nên buổi trưa nóng những cũng dễ thoát nhiệt làm mát nhà vào buổi chiều, loại này ít có ở Nam Định.

Nhà niên đại lâu năm, vật liệu tường dùng gạch cổ (kích thước tựa như loại gạch chỉ bây giờ, chiều cao thấp hơn, dài hơn gạch thường (5x7x17 cm).

Nhà xây dựng khoảng 100 năm trở lại đây, tường bao che sử dụng loại gạch chỉ (6,5 x 8 x11cm).

Tường bao che thường xây gạch dày 25cm, trát vữa bảo vệ hoặc để trần. Là tỉnh gần biển nên một số gia đình tận dụng luôn vật liệu thải ra từ biển như con hà, vỏ sò, ốc... Nhiều nơi sử dụng nguyên liệu thải này làm tường bao che thay cho tường rào bằng ô rô, cúc tần, tre, trúc tạo nét độc đáo.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Vấn đề giữ ấm cho ngôi nhà trong mùa đông lại không được chú trọng. Đối với những nhà kiên cố hay nhà tranh, tre, nứa, lá vào mùa rét nhiệt độ trong và ngoài nhà cũng xấp xỉ nhau. Vì thế việc giữ ấm chủ yếu sử dụng bếp đặt trong nhà.

 Nền: gồm 2 phần

Phần tôn nền bằng đất nện, đây là phương pháp truyền thống tạo sự mát mẻ cho công trình được sử dụng rỗng rãi ở các miền. Nền bao là gạch nung gồm các loại như gạch xây tường, được để trần. Mặt nền đi lại lát gạch gốm Bát Tràng (30 x 30cm) màu đỏ.

Cũng như vấn đề chống lạnh, việc giải quyết chống ẩm ngoài việc tận dụng tối ưu các vật liệu xây dung còn làm nền cao, trước sân để thoáng, cây cối không trồng sát nhà.

Mái: vật liệu chính là ngói ta hình vảy cá hay hình mũi hài màu đỏ. Ngói được xếp trên một lớp ngói lót vuông khá phổ biến, số ít lợp bằng tranh, rạ, lá... có tác dụng chống lại nắng mưa gió bão, tạo cho công trình mát mẻ vào mùa hè, ấm áp mùa đông. Tạo ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà, người ta để một lỗ hở nhỏ trên mái (sau được chèn thêm lớp kính mỏng) như vậy ngôi nhà luôn đảm bảo có được độ sáng tự nhiên.

Tránh sự nặng nề của bộ mái người ta tạo ra một số bộ phận như bờ nóc, bờ chảy, đầu hồi, bít đốc xây gạch, ngoài đắp vữa tạo các gờ chỉ, diềm mái tạo vẻ duyên dáng, mềm mại.... Con kim, con xô, déo tạo cho mái sự mềm mại. Mái có độ vươn xa chân tường (0,7-1,1m) tránh nắng vào nhà, tránh mưa hắt vẫn đảm bảo thoát nước nhanh. Hàng ngói dưới cùng với mép mái có độ dốc nhỏ để nước chảy xuống giọt gianh xa chân tường hơn.

Mái lá có chiều dày từ 30 đến 40cm. Cấu trúc nhiều lớp tạo ra các lớp không khí xen kẽ nhau nên có cách nhiệt chống nóng và chống lạnh tốt.

Cửa: cửa đi chính (cửa bức bàn, cửa phố) bằng gỗ (lim hay gỗ tạp), tuỳ thuộc vào kinh tế gia chủ.

Vật liệu gỗ cách nhiệt tốt nhất. Loại cửa thường thấy là "thượng song hạ bản" hay "chuyến song tiền" tác dụng như kiểu cửa cao, có ô thoáng lấy gió ở phía trên của kiểu cửa hiện đại ngay nay. Người ta cũng chú ý đến việc tạo ô cửa nhỏ để luôn đảm bảo ánh sáng cũng như khí hậu cần thiết cho ngôi nhà.

Cửa bức bàn là một điểm nhấn khá quan trọng trong tổng thể ngôi nhà. Nó phân biệt ranh giới trong - ngoài công trình song lại có tác dụng thẩm mỹ cao. Các cánh cửa có thể tháo dỡ dễ dàng. Cửa bức bàn gồm phần cửa và phần đố (đế hay đố bức bàn). Đố bức bàn chia thành 3 phần nhỏ: Gạch - địa thu - lá ngạch. Ngưỡng cửa phía dưới có chèn gạch hoặc đá để tránh cho gỗ sát xuống đất, bán âm bán dương gỗ dễ bị mục.

Cửa sổ làm theo kiểu mở chống lên có thể linh hoạt trong mọi hoàn cảnh nắng, gió mà cửa được dung lên cao hay thấp. Cánh cửa chống lên có tác dụng như mái hiên che nắng, tránh sự ảnh hưởng trực tiếp vào nhà.

Tấm chắn nắng: Tường chắn nắng bằng gạch, chỉ xuất hiện ở những nhà có niên đại thời Pháp thuộc và chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây. Tường chắn nắng chạy suốt chiều dài mặt trước nhà với những vòm trống lớn, có tác dụng như một dại chắn nắng làm giảm bức xạ mặt trời.

Dại che nắng làm bằng tre nứa, đặt ngoài hiên để cản bức xạ nhiệt từ sân vào nhà. Dại đan kiểu nong mốt, đan ô chéo và có những ô trống nên việc thông gió cho nhà luôn được đảm bảo.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com