Trong những ngày Tháng Tư lịch sử này, chúng tôi gặp CCB Đặng Đình Đắc, ở xóm Tây Bình, xã Nam Hồng (Nam Trực) và được nghe ông kể về những năm tháng cùng đồng đội đồng cam cộng khổ, anh dũng, kiên cường chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi càng hiểu hơn những cống hiến, hy sinh to lớn của những người lính một thời “vào sinh, ra tử” vì cuộc sống hòa bình hôm nay.
Cũng như bao thanh niên khác, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 7-1965, người thanh niên trẻ Đặng Đình Đắc, công nhân của Cty Muối Bạch Long (Giao Thủy) đã hăng hái lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 66 (trực thuộc Tỉnh Đội Nam Hà), đóng quân ở khu vực các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng). Những năm 1965, 1966 đế quốc Mỹ mở rộng ném bom đánh phá miền Bắc, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đánh máy bay địch, bảo vệ khu vực bờ biển của tỉnh. Trong một trận không kích ác liệt của địch, ông đã bắn rơi 1 máy bay tầm thấp của địch và được tặng Huy hiệu mùng 5-8 (Huy hiệu của Bác Hồ tặng quân và dân đã bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ ngày 5-8-1964 tại Hàm Rồng - Thanh Hoá). Cuối năm 1966, ông được cử đi học Trường Sỹ quan Quân khu 3. Hoàn thành khóa học trở về, ông được biên chế vào đơn vị C26 (trực thuộc Tỉnh Đội Nam Định) và nhận lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Chặng đường hành quân bộ 6 tháng ròng rã vượt Trường Sơn biết bao khó khăn, thử thách với những gian nan không kể xiết, nhưng cả đơn vị vẫn “kiên gan, bền chí” hành quân ngày, đêm vượt dãy Trường Sơn, thẳng tiến vào chiến trường Đông Nam Bộ. Đơn vị của ông được sáp nhập vào Sư đoàn 9 đóng quân ở khu vực Tây Ninh, Phước Long, Long An. Ông được biên chế vào đơn vị cối 120 ly trực thuộc Sư đoàn 9, có nhiệm vụ yểm trợ lực lượng bộ binh đánh các mục tiêu trên không. Vừa vào đến chiến trường, đơn vị của ông đã lập chiến công xuất sắc trong một trận tập kích lớn vào sân bay Trảng Lớn (căn cứ dã chiến của Mỹ ở Tây Ninh), tiêu diệt 800 tên địch. Sau chiến công này, đơn vị được tặng Huân chương Quân công. Cuộc chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ những năm tháng ấy vô cùng cam go, khốc liệt, bom đạn của địch cày xới suốt ngày đêm trên bầu trời, dưới mặt đất. Đơn vị của ông kiên trì bám trận địa, tổ chức những trận đánh vào căn cứ của địch ở vòng tuyến bên ngoài bảo vệ Sài Gòn. Năm 1970, đơn vị ông hành quân sang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Căm-pu-chia. Đầu năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, đơn vị của ông được lệnh hành quân về nước tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng Thị trấn Lộc Ninh. Trong thời gian này, với cương vị là tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 22 (trực thuộc Sư đoàn 9), ông đã cùng đồng đội bao vây tiêu diệt đồn, bốt của địch ở khu vực Thị xã Bình Long, Phước Long, hỗ trợ cho lực lượng của ta ở vòng tuyến bên trong, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, vật chất cho trận đánh lớn. Mùa xuân năm 1975, sau những thắng lợi to lớn, dồn dập ở các chiến trường, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm dồn sức đánh trận quyết chiến chiến lược giải phóng miền Nam. Đơn vị ông được cấp trên giao nhiệm vụ “bóc” vòng ngoài của địch, đánh vào Chi khu Lộc Ninh, Dầu Tiếng. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở Chi khu Dầu Tiếng diễn ra ở thế giằng co. Sau một ngày đêm chiến đấu mưu trí, dũng cảm, mặc dù quân địch điên cuồng chống trả, liên tục tổ chức các đợt phản kích, đơn vị ông đã chiếm được Chi khu Lộc Ninh.
CCB Đặng Đình Đắc (bên trái) kể về khoảnh khắc lịch sử trong ngày giải phóng miền Nam. |
Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh được lệnh “khai màn”, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) chia thành 2 cánh quân: một mũi tiến đánh theo hướng Xuân Lộc, ông theo mũi chốt giữ cửa ngõ phía tây Sài Gòn tiếp tục đánh “bóc”, bức rút các vị trí đồn, bốt của địch ở khu vực phía Tây và vượt sông Vàm Cỏ Đông sang đóng quân ở xã Tân Phú (Long An). Đêm ngày 29, rạng ngày 30-4-1975, Sư đoàn 9 tiến đến cách Sài Gòn khoảng 60km và được lệnh hợp lực cùng mũi tiến công của Quân đoàn 3 tiến vào tiêu diệt quân địch ở “thủ phủ” Sài Gòn. Lúc này, đội hình quân ngụy đã rệu rã, tinh thần hoang mang cực độ. Bộ đội ta đi đến đâu, địch bỏ súng ống, tháo chạy đến đó. Khi đơn vị ông đánh qua Hóc Môn, khu vực phi trường Quang Trung (trại huấn luyện lớn nhất của ngụy), bọn địch bỏ chạy hết. Thừa thắng xốc tới, đơn vị của ông tiếp tục tiến đánh theo hướng từ Hóc Môn lên ngã ba Bà Quẹo đến ngã tư Bảy Hiền. Vừa lúc đó, nhận được tin tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đơn vị ông được lệnh “hội quân” cùng Quân đoàn 2 và các cánh quân từ các hướng rầm rập tiến vào nội thành, đập tan sào huyệt cuối cùng của quân địch, giải phóng Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 lá cờ đỏ sao vàng của quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 21 năm trường kỳ gian khổ, ác liệt nhưng anh dũng, kiên cường của cả dân tộc. Cả Sài Gòn như vỡ òa trong ngày vui đại thắng. Người người, nhà nhà đổ ra đường hòa cùng đoàn quân giải phóng hân hoan reo mừng chiến thắng, non sông nối liền một dải, đất nước trọn vẹn niềm vui thống nhất.
Mặc dù đã gần 40 năm với bao thăng, trầm của cuộc sống nhưng khoảnh khắc lịch sử của ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không hề phai mờ trong tâm trí ông. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục ở lại đơn vị tham gia công tác huấn luyện, củng cố đơn vị và làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Căm-pu-chia đến năm 1978, sau đó ông về công tác ở Cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Công binh đến năm 1987 nghỉ hưu. Trở về quê hương sau những năm tháng quân ngũ, CCB Đặng Đình Đắc luôn gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục con cháu trở thành những người có ích cho xã hội. Bản thân ông có nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào ở địa phương; tham gia công tác Hội CCB xã Nam Hồng ngay từ những ngày đầu thành lập, rồi làm Bí thư chi bộ, chủ nhiệm CLB người cao tuổi của xóm… 70 tuổi đời, vừa tròn 50 năm tuổi Đảng, người chiến sỹ giải phóng quân năm xưa vẫn tiếp tục đóng góp công sức của mình làm những việc có ích cho xã hội./.
Bài và ảnh: Thu Thủy