Ngành bưu điện với chiến lược tăng tốc hiện đại hoá mạng bưu chính viễn thông nên mạng BC-VT cơ bản được trang bị bằng các thiết bị công nghệ hiện đại ở cả thành thị và nông thôn. Đến năm 2000, cứ 100 người dân đã có 1,5 máy điện thoại. Sự phát triển của mạng lưới bưu chính viễn thông đã tạo sự năng động trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trong nước, quốc tế, đồng thời cũng là tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thế kỷ XXI.
Ngân hàng thương mại, Kho bạc huy động tạo được nguồn vốn đảm bảo phục vụ sản xuất, kinh doanh và cho nhân dân vay để phát triển sản xuất. Vốn đầu tư tín dụng đã bước đầu phát huy được hiệu quả trong các dự án đầu tư. Quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng phục vụ người nghèo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ khó khăn vay để phát triển sản xuất. Thị trường phát triển sôi động với nhiều thành phần tham gia dịch vụ thương mại nên tổng giá trị mức lưu chuyển hàng hoá trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.400 tỷ đồng năm 2000.
Lĩnh vực xuất khẩu đang mở rộng được thị trường và kinh doanh. Giá trị xuất khẩu tính bình quân trên đầu người tăng từ 18,0 USD năm 1997 lên 27,2 USD năm 2000. Khối lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng như thịt đông lạnh, gạo, sợi các loại, hàng dệt kim, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ.
Hoạt động du lịch đã xây dựng đề án phát triển và mở tuyến lữ hành du lịch đền Trần, Phủ Dầy, Hải Thịnh, Quất Lâm, thu hút được khách tham quan từ nhiều miền trong nước. Các khách sạn đang được đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và nhu cầu của khách du lịch.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, phát triển cả quy mô và chất lượng. Số học sinh ở tất cả các ngành học, bậc học tăng: năm 2000 bình quân cứ 3 người dân có 1 người đi học. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ dạy và học được cải tạo, nâng cấp không còn tình trạng học ca ba. Toàn tỉnh đã được công nhận phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và giữ vững chất lượng giáo dục tiểu học; đến tháng 6 năm 2000 hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Sáu năm liên tục tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Hệ thống các trường dạy nghề từng bước được củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo. Trình độ đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cũng được nâng lên.
Một góc KCN Hòa Xá. |
Sự nghiệp y tế của tỉnh có nhiều tiến bộ. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện được cải tạo, xây dựng mới, trang thiết bị y tế khá đẩy đủ, có nhiều thiết bị hiện đại. Đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao trình độ văn hoá, nghiệp vụ chuyên môn. Đến năm 2000 đã có 81% số trạm y tế có bác sỹ. Sự nghiệp y tế được xã hội hoá mở rộng. Công tác phòng, chống dịch bệnh đảm bảo tốt, hạn chế không có dịch bệnh lớn xảy ra. Do đó chỉ số sức khoẻ của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 43% năm 1995 xuống còn 33% năm 2000. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,3% năm 1997 xuống còn 1,11% năm 2000.
Các hoạt động văn hoá, thông tin, nghệ thuật mang truyền thống dân tộc, quê hương được duy trì phát triển. Toàn tỉnh có trên 100 làng và 70 cơ quan, đơn vị được công nhận là làng văn hoá và đơn vị có nếp sống văn hoá. Huyện Hải Hậu được công nhận 20 năm liên tục là điển hình văn hoá cả nước. Báo Nam Định phát hành đều 2 kỳ mỗi tuần ở tất cả các cơ sở Đảng. Hệ thống truyền thanh phủ kín 100% số xã, có 85% số hộ trong tỉnh được xem truyền hình. Phong trào thể dục thể thao phát triển sâu rộng. Một số môn thể thao thành tích cao đã đạt giải quốc gia ở thứ bậc cao.
Quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tỉnh đã thường xuyên ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên được củng cố về chất lượng, số lượng. Năm 2000 số lượng dân quân đạt 2,2% dân số, tự vệ chiếm 15% tổng số cán bộ viên chức, dự bị động viên là 92.412 người. Hàng năm, tỉnh đều hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu gọi thanh niên nhập ngũ.
Trong điều kiện tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động phức tạp, sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá có nhiều vấn đề mới nảy sinh, thì công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh đòi hỏi cấp thiết. Tỉnh uỷ đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thông qua việc triển khai quán triệt các nghị quyết của Đảng, đặc biệt thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6. Quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, duy trì sinh hoạt chi bộ đều đặn hàng tháng. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được củng cố và kiện toàn bộ máy tinh gọn. Công tác phát triển đảng viên mới đạt kết quả tốt, từ năm 1997-2000 toàn tỉnh kết nạp 8.919 đảng viên, so với 5 năm 1991-1995 tăng 61%; tăng cường công tác kiểm tra ở các cấp bộ Đảng thực hiện điều lệ Đảng và ý thức chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Chất lượng tổ chức cơ sở Đảng được nâng cao, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Qua phân loại hàng năm, 74% số tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, 19,8% khá và yếu kém là 5,2%.
Chính quyền từng bước nâng cao hiệu lực điều hành, quản lý Nhà nước. Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật và các nghị quyết. Qua các kỳ họp đã ra được các quyết sách tương đối sát với tình hình thực tế ở địa phương. Uỷ ban nhân dân từng bước cải cách lề lối làm việc có hiệu quả, tiến hành sắp xếp lại bộ máy, bước đầu thực hiện chuẩn hoá đội ngũ cán bộ viên chức.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động hướng về cơ sở; coi trọng việc tổng kết thực tiễn, bồi dưỡng huấn luyện cán bộ, phát triển đoàn viên, hội viên ... Một số hoạt động đã đi vào chiều sâu, thiết thực hơn từ cơ sở, tập hợp được đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia các phong trào cách mạng của địa phương.
Bước sang thế kỷ XXI, cùng với cả nước, Nam Định đang ra sức đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá góp phần thực hiện mục tiêu "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Trong hành trang đi tới tương lai, lịch sử gìn giữ và xây dựng quê hương là một trong những di sản vô giá mà người dân Nam Định luôn trân trọng và phát huy.
Theo: Địa chí Nam Định