Tiếp tục thực hiện đường lối mới, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000)

08:02, 26/02/2013

Sau khi tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, từ năm 1999 tỉnh chỉ đạo thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch. Thời kỳ này cùng với tiến trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được khó khăn trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, do đó giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng. Năm 1997 đạt 1.150.437 triệu đồng, năm 1998 đạt 1.462.149 riệu đồng; năm1999 đạt 1.519.603 triệu đồng. Thời kỳ 1997-2000, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân mỗi năm tăng 11,1%; trong đó công nghiệp trung ương tăng 6,85%, công nghiệp địa phương tăng 14,1%. Thời kỳ này xuất hiện nhiều điển hình tiến tiến như công ty đóng tàu Sông Đào, Công ty Dược, xí nghiệp Mạ điện, Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu, Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Thành...

Công nghiệp dệt may với sự hỗ trợ của Trung ương và cố gắng của địa phương đã từng bước ổn định và có bước phát triển. Công ty dệt may Nam Định bước đầu đã chặn được tình trạng sa sút và đã từng bước giải quyết được việc làm cho công nhân và nộp được ngân sách Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương sản xuất kinh doanh ổn định. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng bình quân cao như chế biến thực phẩm xuất khẩu năm 1999 đạt 1.166.956 triệu đồng, năm 2000 đạt 1.272.141 triệu đồng, may mặc năm 1999 đạt 59.612 triệu đồng, năm 2000 đạt 62.938 triệu đồng ...

Lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân phát triển năng động và tăng nhanh giá trị tổng sản lượng. Năm 2000 tỉnh ta có thêm 26 doanh nghiệp tư nhân với khoảng 88 ngàn lao động tạo giá trị gấp 2,4 lần so với năm 1995, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất từ 31,7% năm 1995 lên 48,8% năm 2000 trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công nghiệp dệt may với sự hỗ trợ của Trung ương và cố gắng của địa phương đã từng bước ổn định và có bước phát triển.
Công nghiệp dệt may với sự hỗ trợ của Trung ương và cố gắng của địa phương đã từng bước ổn định và có bước phát triển.

Từ năm 1997, tỉnh đã tập trung chỉ đạo xúc tiến xây dựng đề án quy hoạch, sắp xếp lại khu vực sản xuất tiểu thu công nghiệp, đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho làng nghề phát triển sản xuất kinh doanh. Các làng nghề phát triển năng động trong cơ chế kinh tế thị trường.  Toàn tỉnh có 86 làng nghề, trong đó 77 làng sản xuất hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 29 làng nghề truyền thống. Nhiều mặt hàng truyền thống đã được khôi phục, có uy tín trên thị trường như: mỹ nghệ sơn mài, thêu ren, đan cói, đồ gỗ, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, rèn, đúc ... Việc tập trung phát triển doanh nghiệp tư nhân và các làng nghề là khâu đột phá trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Với chủ trương phát triển kinh tế làng nghề của tỉnh, đời sống nhân dân khu vực làng nghề, phố nghề được cải thiện rõ nét ở các huyện Ý Yên, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh và thành phố Nam Định.

Thực hiện chủ trương phát huy nội lực, khai thác tối đa những nguồn lực sẵn có của địa phương cho đầu tư phát triển, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội đạt khá, chiếm khoảng 35% tổng nguồn vốn đầu tư. Vốn đầu tư từ năm 1997 đến năm 2000 trên địa bàn tỉnh đạt gần 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm 29,7%, còn lại là vốn vay và nhân dân đóng góp.

Cơ cấu đầu tư ưu tiên theo hướng tập trung vào những nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh, trước hết là mục tiêu phát triển công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (tỷ trọng đầu tư tăng từ 6,3% năm 1995 lên 18,7% năm 1998 và năm 2000 ước khoảng 19,2%). Các công trình đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường cây xanh, công viên, nhà ở, các công trình văn hoá lịch sử của thành phố được xây dựng và hoàn thành như tượng đài Trần Hưng Đạo, Nhà văn hoá 3 - 2, tu sửa đền Trần, công viên Tức Mặc, Cột Cờ... Hệ thống giao thông đường bộ bao gồm cả quốc lộ trên địa bàn tỉnh và tỉnh lộ, các trục đường giao thông nông thôn đều được nâng cấp cải tạo xây dựng với tổng chiều dài gần 6.000 km, trong đó có 1120 km đường nhựa, 2031 km đường bê tông, 100% số xã có trục đường giao thông trải nhựa đến trung tâm xã kể từ năm1997. Năm 2000 tỉnh hoàn thành xây dựng cầu Lạc Quần và thông cầu phục vụ tốt cho giao thông phát triển kinh tế - xã hội, cầu Tân Đệ đang được xây dựng. Với những thành tích nổi bật về giao thông, Nam Định được Chính phủ tặng cờ luân lưu toàn quốc về giao thông nông thôn. Hai huyện Nghĩa Hưng, Xuân Thuỷ (trước đây) là những huyện dẫn đầu về mô hình giao thông nông thôn của tỉnh. Thành phố Nam Định được quy hoạch xây dựng và được Chính phủ quyết định nâng cấp là thành phố loaị II. Trung tâm các huyện, thị trấn, thị tứ đều được quy hoạch, đầu tư xây dựng. Thời kỳ này, tỉnh tập trung cao độ các nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, như hệ thống thuỷ lợi, dự án PAM đê biển, tường kè đê sông Đào tại Nam Định, cải tạo nâng cấp nhiều trạm bơm thuỷ sản, tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần, công nghiệp chế biến...; các trạm điện, hệ thống điện nông thôn, hệ thống trường học, bệnh viện, sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu ... được nâng cấp, đầu tư mới đưa vào sử dụng.

Theo: Địa chí Nam Định

         

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com