Trước yêu cầu phát triển mới, theo Nghị quyết kỳ họp thứ X Quốc hội khoá IX, Nam Hà tách thành hai tỉnh Nam Định và Hà Nam. Sau 32 năm phát triển với tư cách là một bộ phận trong cơ cấu tỉnh hợp nhất, ngày 1-1-1997 Nam Định được tái lập là một sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh.
Theo tinh thần Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, phương hướng phát triển tổng quát của Nam Định đến năm 2010 là: "Huy động sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế, tận dụng mọi lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực của một tỉnh đông dân có 2 vùng kinh tế và một trung tâm công nghiệp- dịch vụ đã được hình thành, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của Trung ương, mở rộng mối quan hệ với các địa phương trong nước và ngoài nước. Đón bắt mọi cơ hội để hoà nhập vào quá trình phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ... tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ để từ sau năm 2010 có cơ cấu kinh tế theo hướng công- nông nghiệp - dịch vụ. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với việc giải quyết tốt vấn đề văn hoá - xã hội".
Thực hiện những phương hướng, mục tiêu trên, toàn tỉnh đã tập trung mọi cố gắng, nỗ lực đến mức cao nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đổi mới quản lý HTX nông nghiệp trở thành một nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo yêu cầu HTX là chủ thể kinh tế ở nông thôn và hộ xã viên tự chủ trong sản xuất, nhưng đồng thời tách chức năng sản xuất - kinh doanh với quản lý Nhà nước ở nông thôn, giữa HTX nông nghiệp và UBND xã. Năm 2000, số HTX khá trong tỉnh đã chiếm 37,9%; trên 60% số HTX trung bình khá, số HTX yếu kém đã giảm dần.
Bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, tỉnh xác định mục tiêu cụ thể có trọng điểm để đầu tư đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng cường đầu tư cho thuỷ lợi, thực hiện kiên cố hoá kênh mương và cấp I hoá giống lúa, chuyển đổi mạnh cơ cấu mùa vụ ... nhằm thúc đẩy sản xuất một cách cơ bản, vững chắc hơn. Nam Định là tỉnh đi đầu trong "cuộc cách mạng về giống" lần thứ hai. Các vùng chuyên canh thâm canh lúa đã hình thành từ trước ở các huyện phía Nam tỉnh là Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng thành vùng chuyên canh lúa cao sản, đặc sản, lúa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao và có năng suất đứng hàng đầu của cả nước. Với những nỗ lực, chỉ đạo của các cấp tỉnh, huyện và sự cố gắng vượt bậc của nông dân lao động, từ năm 1997 đến năm 2000 sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã vươn lên giành kết quả toàn diện. Sản xuất lương thực luôn đạt những đỉnh cao mới về năng suất và tổng sản lượng, năm sau lại phá "kỷ lục" của năm trước. Nam Định trở thành một trong những tỉnh có năng suất lúa vụ chiêm xuân đứng đầu cả nước (65 tạ/ha). Kết quả đã nâng bình quân lương thực đầu người tăng từ 496kg năm 1995 lên 529 năm 1998 và 535 kg năm 2000. Cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng giá trị sản phẩm. Cùng với sản xuất lương thực, chăn nuôi tiếp tục phát triển vươn ra sản phẩm hàng hoá như tập trung nuôi lợn nái, lợn siêu nạc và chăn nuôi gia cầm có quy mô lớn theo mô hình VAC. Bình quân trong 4 năm 1997-2000 tốc độ tăng của đàn lợn là 2,6% đàn bò 9,1% đàn gia cầm là 7,1%. Thịt lợn hơi xuất chuồng bình quân đầu người tăng từ 19 kg năm 1995 lên 23 kg vào năm 2000. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha canh tác đạt khoảng 28 triệu đồng (tính theo giá trị thực tế). Đời sống nông dân có bước cải thiện rõ rệt. Đây là một trong những thành tựu kinh tế nổi bật của Nam Định trong thời kỳ Đổi mới, nhất là từ sau khi tái lập tỉnh.
Phát triển kinh tế vùng biển là một trong ba mục tiêu phát triển kinh tế theo vùng của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án phát triển kinh tế vùng biển toàn diện trên các lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt xa bờ, chế biến hải sản, phát triển du lịch dịch vụ biển ... Trong những năm (1995-2000) đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thuỷ hải sản tăng khá. Tỉnh đã bước đầu quy hoạch vùng nuôi tôm, cá nước ngọt và nước lợ ở vùng bãi bồi Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng. Tỉnh cũng đã đầu tư 25 đôi tàu đánh cá, một tàu dịch vụ tổng công suất 16.600CV trong chương trình đánh bắt xa bờ, do đó giá trị sản xuất của ngành thuỷ sản mỗi năm tăng 19,1%. Sản lượng nuôi trồng, đánh bắt năm 2000 ước đạt 42 ngàn tấn. Tuy mới là những kết quả ban đầu nhưng trên thực tế kinh tế biển đã được khẳng định và đang mở ra một hướng mới về phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới.
Theo: Địa chí Nam Định