Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ vào Nam Định mở đầu bằng sự kiện đánh phá nông trường Rạng Đông, và liên tục từ đó suốt trong 188 ngày đêm, không quân Mỹ đã đánh phá 633 trận vào 893 mục tiêu khác nhau. Bình quân mỗi ngày Nam Định phải chịu 3 trận ném bom. Số máy bay tham gia đánh phá thành phố lên tới 1.345 lượt chiêc, trong đó riêng tháng 7-1972 là 544 lượt chiếc. Thủ đoạn được chú trọng nhất là tập trung cấp tập đánh phá các khu công nghiệp trong thành phố Nam Định, thường xuyên đánh phá giao thông, phong toả đường sông và đường biển. Địch còn cho 50 lượt chiếc máy bay đánh vào đê điều, 350 trận đánh vào khu dân cư, dùng chiến tranh tâm lý lung lạc tinh thần nhân dân.
Sớm có kế hoạch chuẩn bị công tác phòng không, sơ tán nhân dân và cơ sở, trang thiết bị các cơ sở quốc phòng, kinh tế ở các vùng trọng điểm, bố trí lực lượng tác chiến, đánh địch nên mặc dù trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt cả về quy mô, cường độ (như trong tháng 7-1972) kết hợp các thủ đoạn tâm lý chiến thâm độc, quân và dân Nam Hà vẫn cùng quân dân miền Bắc kiên trì chịu đựng gian khổ, anh dũng đánh trả mọi hành động chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Trong lần thứ hai này, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã bắn rơi 28 máy bay, bắn cháy 2 tàu chiến của địch. Riêng lực lượng vũ trang địa phương lập công lớn, hiệu suất chiến đấu cao gấp hai lần cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ.
Để đảm bảo thắng lợi cho cuộc chiến đấu lâu dài đầy gian khổ hy sinh, Nam Định không chỉ quan tâm xây dựng lực lượng, phát triển khả năng sẵn sàng chiến đấu, mà còn quan tâm phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội để góp phần cùng miền Bắc vừa chiến đấu giỏi, vừa là hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam.
Ngay từ năm đầu tiên vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại (1965), với khí thế thi đua "Tay búa, tay súng ", "Tay cày, tay súng " sản xuất nông nghiệp đã giành thắng lợi lớn: năng suất lúa tăng 3,18%, tổng sản lượng lương thực tăng 3,26% so với năm 1964. Số thóc thu hoạch trội hơn 10.031 tấn, đàn lợn tăng 27,2% đàn bò tăng 3,6%. Tỉnh đã đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước 26.977 tấn thóc. Vụ mùa "thâm canh thắng Mỹ" của Nam Hà bội thu lớn, với sản lượng cao nhất so với 5 năm 1961-1965. Trồng trọt vượt 8% kế hoạch, năng suất lúa đạt 23,6 tạ trên một héc-ta. Các huyện thuộc vùng chuyên canh lúa là Hải Hậu đạt 28 tạ trên một héc-ta, Xuân Trường, Trực Ninh đạt 26 tạ trên một héc-ta. 44 xã, 154 hợp tác xã, 1.157 đội sản xuất đạt và vượt năng suất "nghìn cân" một mẫu Bắc Bộ. Bước sang năm 1967, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lên tới thời điểm quyết liệt nhất thì sản xuất nông nghiệp trong tỉnh vẫn tiếp tục phát triển. Vụ mùa 1967, có huyện trong tỉnh đạt bình quana 27 tạ thóc trên một héc-ta, vượt qua cửa ải "5 tấn". Vùng đồng ruộng đạt "5 tấn" chiếm 46% diện tích toàn tỉnh. 18 đội sản xuất của các địa phương trong tỉnh được Hội đồng Chính phủ công nhận là tổ, đội lao động Xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm chiến tranh, Nam Hà đều thực hiện đầy đủ chỉ tiêu, đúng thời gian về đóng góp lương thực, thực phẩm với Nhà nước. Tháng 7 - 1967, toàn tỉnh hoàn thành nghĩa vụ lương thực vụ chiêm xuân sớm nhất miền Bắc, được Thủ tướng Chính phủ gửi điện khen. Năm 1968 Nam Hà nộp nghĩa vụ lương thực vượt 9,4% kế hoạch. Đây là vụ thứ 7 trong vùng 3 năm liền Nam Hà giao vượt chỉ tiêu lương thực.
Tự vệ Nhà máy Đồ hộp XK Nam Định tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố Nam Định năm 1972. |
Trong chiến tranh, công nghiệp là một trong những mục tiêu tập trung đánh phá của địch. Nhưng do có kế hoạch kịp thời sơ tán, phân tán các cơ sở sản xuất và có hướng đi đúng đắn nên công nghiệp địa phương vẫn được duy trì, phát triển, kịp thời phục vụ nông nghiệp, quốc phòng và đời sống nhân dân. Trong năm 1965 mặc dù vừa sản xuất, vừa sơ tán, phân tán lực lượng, công nghiệp và thủ công nghiệp trong tỉnh vẫn đạt 91,9% kế hoạch. Năm 1966 tình hình chiến sự trở nên ác liệt hơn nhưng sản xuất vẫn giữ vững và phát triển, nhiều cơ sở sản xuất mới được xây dựng. Năm 1967 đã có 20/40 xí nghiệp quốc doanh địa phương hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Một số xí nghiệp phải gián đoạn hoạt động do bị địch đánh phá vẫn hoàn thành kế hoạch như cơ sở dệt, tơ, cơ khí, hợp tác xã Tháng Mười, Ánh Thép, xí nghiệp điện. Năm 1968 tiềm lực công nghiệp địa phương tăng lên đáng kể. Một số cơ sở công nghiệp mới được xây dựng và bắt đầu đi vào sản xuất. Trên địa bàn Nam Định lúc này kể cả quốc doanh, công tư hợp doanh có 40 cơ sở sản xuất duy trì hoạt động. Thi đua với tiền tuyến, 6 tháng đầu năm 1968, nhà máy Liên hợp dệt Nam Định đã hoàn thành 3 triệu mét vải gửi tặng đồng bào niềm Nam ruột thịt.
Chiến tranh ác liệt, nhưng sự nghiệp y tế, giáo dục và văn hoá phục vụ đời sống nhân dân vẫn được duy trì và củng cố. Ngoài việc đảm bảo các giường bệnh phục vụ khám, chữa bệnh, cấp cứu nạn nhân chiến tranh, các địa phương đẩy mạnh phong trào phòng bệnh đảm bảo vệ sinh nơi ăn ở, làm việc và tiêm phòng chống các bệnh hiểm nghèo cho nhân dân. Công tác văn hoá thông tin, báo chí, hệ thống phát thanh, truyền thanh đã cố gắng bám sát nhiệm vụ chính trị. Các hình thức sinh hoạt văn hoá như chiếu phim, văn công, thông tin cổ động vẫn duy trì phục vụ nhân dân ở cơ sở. Đặc biệt là phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" ngày càng sôi nổi kịp thời động viên quân dân địa phương vừa sản xuất vừa chiến đấu. Tính đến cuối năm 1967 toàn tỉnh có 655 tổ, đội văn nghệ gồm 13.162 diễn viên. Tại hội diễn mùa xuân 1967 có 450 tổ đội văn nghệ tham gia với 1040 tiết mục.
Sự nghiệp giáo dục cũng được duy trì và phát triển tốt trong thời chiến. Phong trào bổ túc văn hoá được duy trì, kể cả ở những nơi chiến sự xảy ra ác liệt nhất. Các cấp học phổ thông, nhất là cấp II và cấp III vẫn phát triển cả đội ngũ giáo viên, trường lớp và học sinh. Phong trào "Dạy tốt, học tốt" góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Tính đến giữa năm 1965 Nam Định là một trong bốn tỉnh được công nhận hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về bổ túc văn hoá, được đón nhận Huân chương lao động hạng Ba và Bằng khen của Bộ giáo dục. Trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc hai năm 1966 - 1968, năm nào tỉnh cũng đạt nhiều giải cao về cá nhân và đồng đội (năm 1966 có 24/73 giải; năm 1968 có 4 giải đồng đội và 27/51 giải cá nhân)... ngày 25-10-1968, ngành giáo dục của tỉnh đã vinh dự được đóng nhận thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bị thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam - Bắc nước ta, đầu năm 1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiếm tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam. Theo đó, quân đội Mỹ và chư hầu phải rút khỏi Việt Nam. Đế quốc Mỹ phải cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng ở miền Nam, chúng vẫn ngoan cố thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", tăng cường củng cố nguỵ quân, nguỵ quyền, tiếp tục chia cắt lâu dài đất nước ta.
Thực hiện nghĩa vụ của hậu phương lớn, Nam Hà đã đã huy động lực lượng san lấp hố bom trên đường quốc lộ 1A và đường 21, đưa lực lượng xe thông tuyến từ 300 xe lên 800 xe / ngày. Ngay đợt giao quân đầu năm 1973, toàn tỉnh đã có 7.741 tân binh bổ sung cho các chiến trường, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao. Hai đợt tuyển quân năm 1974 đạt 100,7% kế hoạch. Đợt tuyển quân đầu năm 1975, toàn tỉnh tuyển giao 13.718 tân binh. Ngoài việc tuyển quân, chi viện sức người cho tiền tuyến lớn, Đảng bộ, quân và dân Nam Định còn khẩn trương tổ chức đợt cung cấp lớn cho chiến trường được 8.600 tấn lương thực, hàng ngàn tấn thực phẩm.
Hưởng ứng phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai" nhằm góp phần lớn nhất vào sự nghiệp giải phóng miền Nam., nhiều cơ quan và đơn vị công tác đã có phong trào "Giờ làm việc giải phóng miền Nam", thanh niên có phong trào "Tình nguyện vượt mức kế hoạch". Nhà máy dệt Nam Định dệt thêm 15.000m lụa mừng chiến thắng vì miền Nam. Xí nghiệp dệt Dân Sinh dệt vượt mức 15.000m vải. Cũng trong phong trào thi đua này ngành cơ khí sản xuất 500 máy bơm thuốc trừ sâu, 100 máy đập lúa. Xí nghiệp cơ khí C50 phát động phong trào "Làm thêm 1 tấn sản phẩm" trong tháng 4 năm 1975 để mừng miền Nam thắng lợi. Các Hợp tác xã nông nghiệp đã bán cho Nhà nước 400 tấn thịt vịt, đưa hàng ngàn tấn thóc tiết kiệm chi viện cho vừng mới giải phóng.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, quân và dân Nam Hà đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, sản xuất và chiến đấu giỏi góp phần đánh thắng mọi hành động phá hoại của chúng, bảo vệ vững chắc quê hương và miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui chung của cả nước, quân dân Nam Hà rất phấn khởi tự hào vì đã tích cực góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]