Nam Định - Những hậu quả nặng nề sau nhiều năm bị thực dân Pháp chiếm đóng

09:01, 03/01/2013

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược Đông- Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chính phủ Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương vào ngày 20/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh tổ của Việt Nam, Lào, Căm pu chia.

Cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc Việt Nam chống đế quốc Pháp đã giành thắng lợi vẻ vang, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sau nhiều năm bị địch chiếm đóng, đến ngày 1-7-1954, địa bàn Nam Định hoàn toàn sạch bóng quân thù. Chiến tranh kết thúc, nhưng để lại cho nhân dân Nam Định những hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội.

Ủy ban quân chính và hành chính thành phố Nam Định ra mắt nhân dân ngày 2-9-1954.
Ủy ban quân chính và hành chính thành phố Nam Định ra mắt nhân dân ngày 2-9-1954.

Ở tỉnh Nam Định, 90% số làng, xã bị địch tạm chiếm lâu ngày (1949-1954), trong đó có 24% số làng, xã có đồn bốt giặc. Chỉ riêng 6 huyện phía Nam tỉnh đã có 212 thôn có đồn bốt của địch. Vùng nông thôn trong những năm chiến tranh bị tàn phá nặng nề. Ruộng đất bị bỏ hoang do địch lập vành đai trắng quanh đồn bốt, ven tuyến đê sông Đáy, các trục đường giao thông số 10, 21, 55. Khi hoà bình lập lại cả tỉnh có tới 9000 mẫu ruộng hoang đầy cỏ lác, dây thép gai và mìn của địch cài lại. Hệ thống nông giang, đê, kè, cống, đường giao thông bị phá hư hại nặng. Nhiều gia đình bị giặc cướp bóc, đốt phá, hoặc không có ruộng, giống, vốn, trâu bò để sản xuất, đời sống rất khó khăn, đưa đến tình trạng đói rách nghiêm trọng.

Thành phố Nam Định bị địch chiếm đóng từ đầu năm 1947, đến trước ngày 1-7-1954 chỉ có 31 cơ sở công thương nghiệp loại nhỏ, thuê mướn 180 công nhân. Ngoài nhà máy sợi, nhà máy tơ, các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp khác đều rất nhỏ bé cùng các trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Nhà máy tơ có gần 200 máy móc các loại thì chỉ còn khoảng 40 máy móc chạy tạm được. Nguyên vật liệu thiếu thốn nghiêm trọng. Nhiều cơ sở bị địch phá hư hỏng nặng, hoặc tháo gỡ mang đi nhiều bộ phận máy móc quan trọng. Trên một vạn công nhân thành phố không có việc làm lâm vào tình cảnh túng quẫn. Có gia đình phải bán quần áo, đồ đạc, thậm chí phải bán con để có bữa cháo cầm hơi. Khi tiếp quản thành phố Nam Định, có tới 400 căn hộ vắng chủ. Thành phố xơ xác, tiêu điều, không điện, nước, đường phố đầy rác rưởi, hoạt động thương mại, dịch vụ cầm chừng. Hàng hoá trở nên khan hiếm, giá cả tăng vọt ...

Do hậu quả tàn khốc của chiến tranh, hơn 80% dân số mù chữ. Đa số trẻ em thất học, nhất là con em nông dân và các tầng lớp lao động thành thị. Hệ thống bệnh viện không được mở mang; thuốc chữa bệnh khan hiếm. Số người mắc bệnh sốt rét, dịch tả, đậu mùa, da liễu ngày càng tăng và còn gần 400 người mắc bệnh phong không được cứu chữa. Các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, mại dâm, nghiện hút, mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang vốn đã được khắc phục một phần trong những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám, nay hoành hành trở lại cả ở nông thôn và thành thị.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com