Từ năm 1953, phong trào thanh niên xung phong tòng quân phát triển sôi nổi, đều khắp ở các thôn xã. Nhiều thanh niên ở thành thị ra vùng căn cứ nộp đơn tòng quân. Nhiều địa phương đã vượt chỉ tiêu giao quân và tổ chức chu đáo cho con em ra chiến trường đánh giặc. Việc đóng góp sức của, chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ cũng bừng lên, sôi nổi, trên nhiều mặt. Vụ chiêm xuân 1954, toàn tỉnh đã cấy thêm được 3.529 mẫu ruộng; đóng được 9.348 tấn thóc thuế nông nghiệp, đạt 80% mức huy động cả năm và vượt mức chỉ tiêu Liên khu giao, kịp thời chi viện lương thực cho tiền tuyến. Cùng với quân dân các tỉnh phía Bắc, hàng vạn dân công Nam Định tấp nập thồ lương, tải đạn ra phía trước. Với khẩu hiệu "Tất cả cho Điện Biên Phủ chiến thắng!", nhân dân Nam Định đã huy động hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm kilogram đậu, lạc, vừng, hàng ngàn bánh thuốc lào. hàng ngàn kilogram muối, cá, tôm khô gửi tới các chiến sĩ. Đó là những biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước, của tinh thần tất cả vì kháng chiến, tất cả vì chiến thắng Điện Biên Phủ, của quân dân Nam Định.
Ngày 7-5-1954, lá cờ đỏ sao vàng của ta phần phật bay trên nóc hầm tướng Đờ Cáttơri (De Catries) đánh dấu thất bại hoàn toàn của quân đội Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ .
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào ý đồ xâm lược của đế quốc Pháp và có tác dụng quyết định thúc đẩy sự tiến triển của Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Trên đà thắng lợi, đêm ngày 25-5-1954, bộ đội chủ lực đã phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt hoàn toàn vị trí Thức Hoá (Giao Thuỷ) bắt 650 tên, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Ngày 4-6-1954, quân ta tiếp tục tiến công tiêu diệt vị trí Đông Biên (Hải Hậu). Sau 12 giờ chiến đấu ta đã giành thắng lợi, tiêu diệt một số tên, bắt sống 500 tên.
Phố cổ Đông Biên - thị trấn Yên Định (huyện Hải Hậu). |
Chiến thắng này đã đập tan mắt xích cuối cùng của vành đai cứ điểm phòng vệ vùng Duyên Hải - Nam Định, buộc chúng phải rút bỏ một loạt vị trí khác. Với quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch Đông - Xuân, trong vòng nửa đầu năm 1954, bộ đội địa phương và dân quân du kích Nam Định đã đánh trên 1.600 trận (trong đó du kích đánh 800 trận) diệt và làm bị thương trên 3000 tên, thu hàng trăm súng các loại, phá huỷ gần 100 xe cơ giới. Thắng lợi đó góp phần tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, kiềm chế, giam chân địch ở đồng bằng, tạo điều kiện tác chiến thuận lợi cho quân và dân ta ở chiến trường chính. Với đỉnh cao là chiến thắng Đông Biên, Thức Hoá, chúng ta đã góp phần đập tan ý đồ chiếm đóng đồng bằng Bắc Bộ của địch. Do đó, trong khi hội nghị Giơ-ne-vơ chưa kết thúc, thì trung tuần tháng 6 địch đã rục rịch rút khỏi Nam Định. Và đến 9 giờ ngày 1-7-1954 thực dân Pháp đã rút toàn bộ các vị trí còn lại (theo lối cuốn chiếu) ở Ngô Đồng, Hành Thiện, Bùi Chu, Lạc Quần, Cổ Lễ và cuối cùng là thành phố Nam Định.
Cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền còn non trẻ và kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng đã giành thắng lợi vẻ vang.
Trong quá trình chỉ đạo kháng chiến, tuy có một số hạn chế, vấp váp, thậm chí có sai lầm, song thành quả mà quân dân Nam Định đạt được là cơ bản và rất to lớn. Thắng lợi đó chính là kết quả của sự phấn đấu không mệt mỏi, của tinh thần và khả năng cách mạng của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Định nằm trong thắng lợi chung của toàn dân tộc trong cuộc trường chinh vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài những nguyên nhân chung, nhìn từ góc độ địa phương thì đây trước hết là thắng lợi của khối đoàn kết toàn dân, giáo cũng như lương, công nhân, nông dân và mọi tầng lớp nhân dân giàu lòng yêu nước, quyết tâm phát huy cao độ hào khí Đông A giết giặc, bảo vệ quê hương, nòi giống.
Với những thành công đã đạt được, những kinh nghiệm và cả thử thách tôi luyện trong chiến tranh cách mạng, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh càng thêm vững tin cùng cả nước bước vào một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]