Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định xây dựng khối đoàn kết toàn dân (1945-1946)

02:12, 04/12/2012

Giữa lúc toàn Đảng bộ và quân dân địa phương đang hăng hái thực hiện Chỉ thị kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng và tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp thì một tin vui lớn đã đến với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định. Chiều ngày 10-1-1946 tại trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện thân mật với đại diểu các tầng lớp nhân dân, đại biểu các tôn giáo và cán bộ các ngành, các giới trong tỉnh. Bảy giờ sáng ngày 11-1-1946 trước hơn một vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân mít tinh trước trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh, Bác ân cần nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau, chăm lo mọi mặt công tác, ủng hộ Chính phủ. Sau đó, Bác đã thăm và thân mật chia quà cho các cháu đại diện thiếu nhi thành phố Nam Định. Trong thời gian ở Nam Định, Bác còn đến thăm và cho quà các cháu mồ côi đang được nuôi dưỡng ở nhà Tế bần và nhà Dục Anh. Đây là lần đầu tiên chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định. Những lời chỉ bảo ân cần của Người đã để lại ấn tượng sâu sắc và cổ vũ Đảng bộ, nhân dân Nam Định đoàn kết, phấn đấu, khắc phục những khó khăn trở ngại, tiếp tục đi lên trong giai đoạn cách mạng mới.

Thực hiện chủ trương của Đảng và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Nam Định rất coi trọng công tác xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Mặt trận Việt Minh có uy tín lớn trong nhân dân. Các hội cứu quốc của nông dân, thanh niên, phụ nữ và công nhân không ngừng được củng cố và phát triển. Tiếp đó Hội Phật giáo cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Công thương cứu quốc, nhi đồng cứu quốc cũng được thành lập. Cán bộ của Đảng, Mặt trận Việt Minh và của các ngành, giới được huấn luyện, đào tạo cấp tốc để đưa về các địa phương làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng. Chỉ tính đến cuối tháng 8-1945, toàn tỉnh đã thu hút hàng vạn quần chúng tham gia các tổ chức Hội, đoàn thể cứu quốc (công nhân cứu quốc có 15.000 hội viên; thanh niên cứu quốc có 7.000 đoàn viên; phụ nữ cứu quốc chiến tỷ lệ 0,8% dân số). 

Để mở rộng và củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, ngày 1- 10 - 1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) tỉnh Nam Định đã được thành lập, bao gồm mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh và các tổ chức ngoài Mặt trận Việt Minh (Đoàn Thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam). Hội Liên Việt còn thu hút cả những cá nhân yêu nước, tiến bộ đứng ngoài Mặt trận Việt Minh. Đây là một bước phát triển mới của mặt trận dân tộc thống nhất ở địa phương.

Để chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định đã xoá bỏ các loại thuế bất công do chính quyền thực dân, phong kiến đặt ra, nhất là thuế thân, bãi bỏ độc quyền thuế muối, thuế rượu. Chính quyền các địa phương đã lãnh đạo nhân dân hăng hái đóng góp hàng chục vạn cây tre, hàng ngàn gánh rơm rạ vận chuyển lên mặt các đê sông Hồng, sông Đáy, sông Đào để đắp đê chống lụt. Qua nhiều ngày đêm lao động khẩn trương của hàng vạn con người, việc đắp đê chống lụt đã giành thắng lợi. Đây là việc làm thể hiện tính ưu việt của chế độ mới, vì lợi ích của nhân dân, được toàn dân ủng hộ, tạo niềm tin tưởng vững chắc của quần chúng đối với chính quyền cách mạng.

Nhân dân trong tỉnh còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn thiếu đói. Các tổ chức đoàn thể vận động hội viên lập hũ gạo chống đói, quyên góp lương thực giúp đỡ những gia đình đang bị đứt bữa. Làng xã nào cũng hô hào lập quỹ nghĩa sương, tiết kiệm lương thực, tiết kiệm tiêu dùng để tương trợ, giúp đỡ người nghèo đói. Chính quyền cách mạng ra lệnh nghiêm cấm triệt để nạn đầu cơ, tích trữ lương thực, nạn nấu rượu bằng gạo. Nhân dân trong tỉnh quyên góp được hàng trăm tấn gạo, cứu tế cho hàng ngàn gia đình bị đói. Tính riêng huyện Nghĩa Hưng từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1946 đã quyên góp được 12 tấn gạo. Mặt trận Việt Minh kịp thời phân số gạo cứu đói cho 1.000 hộ dân ở địa phương.

Song song với phong trào "Nhường cơm sẻ áo", "Lá lành đùm lá rách", Đảng bộ còn tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tận dụng mọi nguồn đất để trồng rau màu, cây lương thực ngắn ngày kịp thời chống đói và phòng đói. Chính quyền cách mạng thực hiện chính sách giảm thuế điền thổ 20%, tiến hành kê khai ruộng đất vắng chủ, giao cho những người thiếu ruộng đất trồng trọt; thực hiện chính sách hoãn nợ, xoá nợ cho nông dân. Khẩu hiệu "tấc đất, tấc vàng", không để một tấc đất hoang đã trở thành hành động thực tế, mạmh mẽ của mọi người dân. Năm 1946, toàn tỉnh đắp trên 77.000m3 đất và 6.000m3 đá cho đê sông; 20.000m3 đá cho đê biển. Diện tích trồng cấy và năng suất các loại cây lương thực của năm 1946 đều tăng hơn năm trước. Nạn đói được đẩy lùi, đời sống nhân dân lao động được cải thiện một phần.

Theo: Địa chí Nam Định  

[links()]     

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com