Cuộc đấu tranh khôi phục sản xuất và cải thiện đời sống cho nhân dân vùng nông thôn ở Nam Định không chỉ gặp những khó khăn do thiên tai, bệnh dịch gây ra mà còn vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của tầng lớp địa chủ phản động ở địa phương. Do sự phá hoại của chúng mà sắc lệnh giảm tô của chính phủ không được thực hiện triệt để ở nhiều nơi. Ở ấp Xuân Thuỷ (Hải Hậu), một trong những địa chủ lớn nhất Nam Định là Vũ Ngọc Hoánh, đã cả gan dùng súng bắn vào đoàn nông dân biểu tình đòi giảm tô, làm một người chết và hai người bị thương. Qua sự cố này Đảng bộ và chính quyền địa phương đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm về mối liên hệ giữa việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và việc kiên quyết trấn áp bọn phản động.
Ở các nhà máy, xí nghiệp, chính quyền cách mạng thực hiện luật ngày làm 8 giờ; quy định chế độ lao động đảm bảo cho công nhân được quyền làm việc, học tập, nghỉ ngơi, tự do hoạt động, hội họp trong các đoàn thể quần chúng và tổ chức của nhà nước mà không bị chủ cấm đoán, ngăn trở. Uỷ ban nhân dân cách mạng còn lập hội đồng giữa chủ và thợ, có đại biểu chính quyền tham gia để quy định mức tiền lương tối thiểu, việc tăng lương cho công nhân, quy định các quyền lợi khác mà công nhân được hưởng. Do đó, chủ nhà máy Sợi đã phải tăng lương cho công nhân từ 50 đến 70% (so với trước) và cứ 4 tháng một lần, mỗi người thợ được mua một kilogram vải của nhà máy với giá rẻ. Chính quyền còn cung cấp gạo hàng tháng cho công nhân theo giá quy định và giải quyết việc làm cho công nhân thất nghiệp.
Cuộc đấu tranh chống "giặc dốt" ở Nam Định cũng là một cuộc vận động văn hoá có ý nghĩa chính trị quan trọng. Trong lịch sử, Nam Định vốn là một vùng đất học, đất khoa bảng của cả nước. Thế mà chính sách ngu dân của thực dân Pháp đã làm trên 90% dân số Nam Định bị mù chữ. Theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong trào học chữ quốc ngữ được dấy lên rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Các lớp học được mở ngay trong nhà dân, ở đình, chùa, đền. Nhiều cụ già 60 - 70 tuổi cũng say sưa ngồi học đánh vần, ghép chữ. Với sự nỗ lực thi đua người người đi học, nhà nhà đi học, chỉ trong thời gian ngắn hàng chục vạn người đã biết đọc, biết viết. Riêng huyện Vụ Bản, có 2,5 vạn người biết đọc, biết viết. Hơn 80% dân số trong huyện thoát mù chữ. Về giáo dục phổ thông, mỗi xã hoặc liên xã có một trường cấp I. Huyện nào cũng có từ một đến hai trường cấp II. Phong trào toàn dân đi học là một trong những nét tiêu biểu của quê hương Nam Định đang cùng dân tộc vươn lên làm chủ cuộc đời mình.
Phong trào đời sống mới cũng được phát động rầm rộ, sôi nổi. Tình trạng xa hoa lãng phí được hạn chế một phần. Tệ nạn do xã hội cũ để lại (lưu manh, nhà thổ, nghiện hút, cờ bạc) bị triệt để ngăn cấm và xử lý thích đáng. Ở nông thôn nạn xôi thịt trong ma chay, cưới xin gần như chấm dứt. Các hoạt động văn hoá từng bước được phát triển theo văn minh, tiến bộ. Phong trào giữ vệ sinh, phòng bệnh trong nhân dân được mọi người, mọi nhà tích cực thực hiện.
Thực hiện sắc lệnh về Quỹ độc lập và tổ chức Tuần lễ vàng, động viên sức hy sinh, đóng góp của đồng bào ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc, nhân dân thành phố Nam Định đã ủng hộ 30 lạng vàng, 165 lạng bạc, 107 vạn đồng. Riêng huyện Vụ Bản quyên góp được 14 lạng vàng, 43 lạng bạc, 4.536 đồng. Huyện Ý Yên 1 kg vàng. Huyện Trực Ninh 2 lạng vàng, 2 chiếc nhẫn, 1 đôi khuyên vàng, 5.500 kg thóc và 314.921 ngàn đồng. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (toà giám mục Bùi Chu) đã góp một dây đeo tượng thánh bằng vàng (nặng 1 lạng 4 đồng cân)... Trong cuộc vận động Quỹ độc lập và Tuần lễ vàng, Nam Định được xếp thứ ba so với các tỉnh trong cả nước.
Khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Các cuộc mít tinh, biểu tình phản đối thực dân Pháp xâm lược đã diễn ra ở khắp nơi, biểu thị quyết tâm ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh kháng chiến. Hàng trăm thanh niên xung phong ghi tên gia nhập đoàn quân Nam tiến. Tháng 10 - 1945 một chi đội Nam tiến của Nam Định (tương đương với 1 tiểu đoàn) lên đường vào Nam chiến đấu, được bổ sung vào mặt trận Tây Nguyên. Phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến đã thu được gần 5 vạn đồng; 250 kg gạo và một số thuốc men, vũ khí.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và Liên Việt tỉnh phong trào quần chúng tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự, sắm sửa vũ khí, bảo vệ tổ quốc đã thu hút nhiều thanh niên cả lương lẫn giáo trong công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động. Từ xã đến huyện đều có đơn vị tự vệ lưu động. Thành phố Nam Định có bốn đại đội tự vệ. Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc cũng tổ chức được một trung đội tự vệ gồm 24 các nhà sư trẻ, trong đó có hai ni cô, tham gia.
Việc xây dựng lực lượng vũ trang tập trung cũng được coi trọng. Từ một chi đội giải phóng quân (chi đội 19) trong Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ Nam Định đã tăng cường cán bộ lãnh đạo và phát triển lực lượng, biên chế thành nhiều đơn vị chiến đấu. Tháng 2 - 1946, tổ chức thêm một đại đội quyết tử quân; xây dựng trung đoàn 19 gồm 3 tiểu đoàn (75, 69, 101) và một đại đội trợ chiến. Các chiến sĩ trong trung đoàn đa số là những hội viên ưu tú trong các đoàn thể cứu quốc và một số binh sĩ cũ được giác ngộ. Riêng tiểu đoàn 75 hầu hết là lực lượng tự vệ Nhà máy sợi. Nhằm nâng cao sức chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng, Đảng bộ Nam Định không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội; số đảng viên trong lực lượng vũ trang đã lên tới 50 người, chiếm tỷ lệ gần 20% trong tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ. Một số cán bộ lãnh đạo của tỉnh được cử sang trực tiếp chỉ huy cấp trung đoàn, cấp tiểu đoàn, đại đội và làm chính trị viên từ cấp trung đội trở lên.
Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng, quân và dân trong tỉnh, những khó khăn bước đầu đã dần được khắc phục, đời sống nhân dân ổn định, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở được củng cố, giữ vững. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân từng bước làm thất bại âm mưu gây rối hòng lật đổ chính quyền cách mạng của bọn Tưởng Giới Thạch; đấu tranh chống lại sự lộng quyền và bất công của chủ tư bản, điển hình là cuộc đình công ngày 13-11-1946 của 3.000 công nhân nhà máy sợi. Cuộc đấu tranh kéo dài đến ngày toàn quốc kháng chiến, gây thiệt hại lớn cho bọn chủ.
Chính quyền cách mạng được giữ vững, lực lượng vũ trang và các tổ chức quần chúng ngày càng phát triển đã tạo ra sức mạnh to lớn để quân dân Nam Định có điều kiện bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]