Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, cùng với những chiến công to lớn của đồng bào và chiến sỹ ta trên chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, đồng thời đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vào cuối tháng 12-1972, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thất bại trong chiến lược "chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ phải đưa quân vào miền Nam thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ", đồng thời leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng ngăn cản sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến lớn. Ngày 4-6-1965 BCH Đảng bộ hai tỉnh Nam Định và Hà Nam họp bàn thống nhất hai BCH Đảng bộ tỉnh và xác định nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng bộ lúc này là đoàn kết toàn quân, toàn dân phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, quyết tâm cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ra sức xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tích cực chi viện cho miền Nam. Tại các trọng điểm giao thông, lực lượng phòng không phối hợp với nhân dân các địa phương xây dựng các trạm báo động phòng không, trạm điều phối giao thông và nhiều vọng gác máy bay địch, giữ gìn an ninh trật tự. Nhân dân thành phố và các vùng trọng điểm được sơ tán về các vùng quê, kho tàng, tài sản quan trọng được phân tán để tránh tổn thất khi bị ném bom. Kể từ trận ném bom đầu tiên xuống vùng biển Hải Thịnh (Hải Hậu) ngày 22-5-1965 đến cuối tháng 11-1965, không quân Mỹ đã liên tục đánh phá 145 địa điểm, bao gồm Thành phố Nam Định và các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông, thuỷ lợi ở các địa phương. Cao điểm như trong tháng 9-1965, bầu trời Nam Định không ngày nào ngớt tiếng máy bay Mỹ. Cường độ quy mô đánh phá của chúng không ngừng tăng cao, gây cho ta thiệt hại không ít về người và của. Trong toàn bộ các đợt đánh phá Nam Hà nửa cuối năm 1965, địch đã ném xuống gần 500 quả bom phá, 2.300 quả bom bi, bắn 68 quả tên lửa, rốc-két... Bom đạn Mỹ đã làm chết 146 người, 213 người bị thương, gần 1.000 ngôi nhà bị phá hỏng, 2 cầu lớn bị sập, hơn một chục tàu, thuyền bị đắm. Nhà máy Liên hợp Dệt bị thiệt hại lớn về nhà xưởng, máy móc.
Máy bay MiG 17 tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Nam Định trong những năm chống Mỹ cứu nước (thời kỳ 1968-1972), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. |
Dù vậy, ngay từ trận đầu ra quân đối mặt với kẻ thù, quân dân Nam Hà đã vừa anh dũng chiến đấu để bảo vệ người, tài sản, bảo vệ huyết mạch giao thông chi viện cho tiền tuyến, vừa duy trì, giữ vững sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, bắn rơi 42 máy bay giặc Mỹ. Với chiến công này, đơn vị tự vệ thành phố và Trung đoàn 250 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Tự vệ khu phố 4, khu phố 6, Nhà máy Liên hợp Dệt và Chi cục Xăng dầu được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 10-7-1965, quân dân Nam Hà long trọng mít tinh đón nhận Cờ thưởng luân lưu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1966 đến cuối năm 1968, địch càng tăng cường đánh phá. Trong 6 tháng đầu năm 1967, số lần tốp máy bay hoạt động là 1.622, gấp 3,7 lần so với năm 1965; số lần máy bay địch đánh phá là 1.450, gấp 4,38 lần so với năm 1965; số trận đánh trả máy bay địch của quân dân ta là 442 lần, gấp 4,25 lần so với năm 1965. Địch đã đánh phá các mục tiêu trong tỉnh 3.881 tấn bom, tăng gấp 5,2 lần so với năm 1965. Ngoài ra, chúng còn dội xuống đồng ruộng, làng mạc, phố phường trên địa bàn tỉnh 50.750 quả bom bi, 107 quả tên lửa, 4.207 quả rốc-két và 194 quả đạn pháo.
Ngay từ khi có lệnh động viên thời chiến của Chủ tịch nước và quyết định của Chính phủ, đoàn viên thanh niên Nam Định đã dấy lên phong trào tòng quân đánh Mỹ rất sôi nổi. Ở các thôn xã, khối phố, các đoàn viên thanh niên hăm hở lên đường nhập ngũ. Chỉ tính riêng huyện Nghĩa Hưng đã có 6.000 lá đơn tình nguyện. Tháng 4-1965 đã có hơn 3.000 nam, nữ thanh niên gia nhập quân đội. Một số cán bộ, chiến sỹ được cử tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1968, toàn tỉnh có trên 20 nghìn nam, nữ thanh niên nhập ngũ, đạt 102% chỉ tiêu tuyển quân. Đông đảo thanh niên theo đạo Thiên chúa hăng hái tòng quân, tham gia chiến đấu trên các chiến trường. Trong phong trào thi đua năm 1968, toàn tỉnh có 8 đơn vị và cá nhân được Nhà nước tuyên dương, tặng thưởng Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công. Qua gần 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, tính đến ngày 8-11-1968, các lực lượng vũ trang Nam Hà đã bắn rơi 86 máy bay phản lực Mỹ (trong đó dân quân tự vệ bắn rơi 10 chiếc), góp phần bắn chìm một tàu biệt kích, bắn cháy một tàu chiến và một tàu biệt kích khác, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển quê hương.
Mặc dù bị thua ở chiến trường miền Nam và thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nhưng đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược. Hòng cứu nguy cho quân nguỵ, cắt đứt chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ra lệnh cho không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 16-4-1972, Mỹ cho một lực lượng lớn máy bay, gồm cả máy bay B52 ồ ạt đánh phá Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội. Cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12-1972 là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 100 nghìn tấn bom, đạn. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng nghìn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã phá nát nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người. Ních-xơn đã ra lệnh cho B52 rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên, khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200m, gần 2.000 ngôi nhà, đền, chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B52 còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác trong thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...) làm hơn 1.000 người chết, bị thương. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ vào Nam Định mở đầu bằng sự kiện đánh phá Nông trường Rạng Đông và liên tục từ đó suốt trong 188 ngày đêm, không quân Mỹ đã đánh phá 633 trận vào 893 mục tiêu khác nhau. Bình quân mỗi ngày Nam Định phải chịu 3 trận ném bom. Số máy bay tham gia đánh phá thành phố lên tới 1.345 lượt chiếc, trong đó riêng tháng 7-1972 là 544 lượt chiếc. Thủ đoạn được chú trọng nhất là tập trung cấp tập đánh phá các điểm công nghiệp của Thành phố Nam Định, thường xuyên đánh phá giao thông, phong toả đường sông và đường biển. Địch còn cho 50 lượt chiếc máy bay đánh vào đê điều, 350 trận đánh vào khu dân cư, dùng chiến tranh tâm lý lung lạc tinh thần nhân dân.
Do có kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và sớm có kế hoạch chuẩn bị công tác phòng không, sơ tán nhân dân và cơ sở, trang thiết bị các cơ sở quốc phòng, kinh tế ở các vùng trọng điểm, bố trí lực lượng tác chiến, đánh địch nên mặc dù trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt cả về quy mô, cường độ kết hợp các thủ đoạn tâm lý chiến thâm độc, nhưng quân và dân Nam Hà vẫn cùng quân, dân miền Bắc, anh dũng đánh trả mọi hành động chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Trong lần thứ hai này, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã bắn rơi 28 máy bay, bắn cháy 2 tàu chiến của địch. Riêng lực lượng vũ trang địa phương lập công lớn, hiệu suất chiến đấu cao gấp hai lần cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7h sáng ngày 30-12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Pari về Việt Nam. Như vậy, cuộc tập kích không quân chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ở miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày 27-1-1973 Hiệp định Pari về "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" được ký kết.
Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến công vĩ đại, hiển hách trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng, ghi đậm dấu ấn lịch sử của thời kỳ đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Chiến thắng đó là một kỳ tích vô song, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc với trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược./.
Bài và ảnh: Việt Thắng