Củng cố hậu phương, chống địch lấn chiếm (1947 - 10/1949)

08:12, 13/12/2012

Thực hiện âm mưu mở rộng chiếm đóng theo chiến thuật vết dầu loang, địch đã mở nhiều cuộc càn quét xung quanh thành phố để khủng bố nhân dân, phá cơ sở, gây tâm lý cầu an, dụ dỗ, thúc ép dân hồi cư và đẩy lực lượng ta ra ngoài. Bọn phản động địa phương, nhất là số giáo dân phản động cùng một số địa chủ cường hào ngóc đầu dậy, đứng ra lập tề, dõng, bắt dân nộp tô cho địch xây dựng đồn bốt. Từ tháng 4 đến tháng 6-1947, chúng đã đóng thêm một số vị trí ngoài thành phố như Đò Quan, Vạn Diệp (Nam Phong - Nam Trực), Đệ Nhất (Mỹ Trung), Bảo Long (Mỹ Hà), Lê Xá (Mỹ Thịnh) thuộc huyện Mỹ Lộc và Xuân Mai (Bình Lục - Hà Nam). Cũng trong thời gian này, địch còn tổ chức một số trận đánh ra vùng tự do (giới hạn trong phạm vi 15km) để khủng bố tinh thần nhân dân, cướp bóc lương thực, thực phẩm và để vây quét lực lượng của ta, nhưng đều bị ta đánh trả đích đáng như các trận Chợ Dần (Vụ Bản) ngày 31-3-1947, trận Lê Xá (Mỹ Thịnh, Mỹ Lộc), Núi Găm (Vụ Bản) ngày 2-5-1947.

Để ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của giặc, quân và dân Nam Định tích cực chặn đánh, gây cho chúng nhiều thiệt hại, trong đó có nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn như trận Đại Đê (Vụ Bản) ngày 1-6-1947, trận đánh Quang Sán (Mỹ Lộc) tháng 7-1947.

Để tích cực ngăn chặn các cuộc càn quét của địch các đơn vị bộ đội đã đưa lực lượng về các địa phương hỗ trợ, phát triển chiến tranh du kích. Đại đội 11 (thuộc trung đoàn 34), hoạt động vũ trang tuyên truyền gây cơ sở ở vùng tạm chiếm Mỹ Lộc, ngoại thành Nam Định. Tiếp đó, đại đội 77 và 36 được điều về hoạt động ở vùng tạm chiếm huyện Nam Trực và Vụ Bản... Các đơn vị, đại đội độc lập đã dìu dắt lực lượng dân quân du kích từ chỗ chỉ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ xóm làng tiến tới tự động tổ chức đánh địch. Do đó, năm 1947, bộ đội chủ lực đánh 75 trận thì bộ đội địa phương đánh 24 trận, dân quân du kích đánh 40 trận. Tiêu biểu cho thành tích chiến đấu là đội du kích Mai Mỹ (Thành Mỹ) đã được đại hội Đảng bộ tỉnh biểu dương.

Chiến tranh du kích phát triển đã ngăn chặn được một phần hoạt động của địch, tạo điều kiện cho cán bộ của ta đi vào tuyên truyền, giáo dục quần chúng, phục hồi cơ sở. Nhân dân vùng tạm chiếm, mặc dầu trước sự khủng bố của giặc có một bộ phận nhỏ dao động, hoang mang, nhưng đại bộ phận quần chúng rất tin tưởng vào cuộc kháng chiến do chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nhiều người đã tích cực giúp đỡ, bảo vệ cán bộ, bộ đội hoạt động. Vì vậy, phong trào quần chúng ở những vùng địch chiếm đóng dần dần phục hồi. Nhân dân các vùng bị địch uy hiếp tổ chức triệt phá cầu, đường, đắp ụ ngăn cơ giới của địch, thực hiện khẩu hiệu vườn không, nhà trống khi địch tới. Các xã Liên Minh, Liên Phương, Lê Lợi, Bảo Xuyên, Cốc Thành, Thanh Côi (Vụ Bản), phá sập 6 cầu, đánh đổ 70 cột điện, bóc 3.500m đường sắt. Trên đường 12, đường 10 cứ 50m lại đắp một ụ đất để ngăn xe cơ giới của địch... Toàn tỉnh đã làm được 9.954 ụ đất, 35.768 hố hoả mai và hố tránh máy bay, 55 km giao thông hào. Việc rào làng kháng chiến chống địch càn quét cũng được tiến hành ở nhiều địa phương như Đại An, Phú Hào (Nam Trực), Dịch Diệp, Cát Trung (Trực Ninh), Thượng Đồng, An Lạc (Ý Yên), Lạc Châu, Hành Thiện (Xuân Trường), Quả Linh, Hào Kiệt (Vụ Bản), Nghĩa Lễ, Quang Sán, Nhân Nhuế, Tiểu Liêm (Mỹ Lộc). Nhân dân trong tỉnh còn đào được 3.481 hầm bí mật.

Để mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tập hợp mọi lực lượng nhân dân tham gia kháng chiến, Mặt trận Liên Việt được củng cố và phát triển, thu hút những người còn ở ngoài các tổ chức cứu quốc. Đồng thời tỉnh uỷ quyết định rút một số cán bộ ngành, giới được trưng tập phục vụ nhiệm vụ quân sự trở về chăm lo củng cố và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức quần chúng. Từ đó, các đoàn thể cứu quốc vừa phát triển mạnh mẽ, vừa được kiện toàn hệ thống các ban chấp hành chính thức các cấp.

Mặc dù địch tăng cường lấn chiếm, đàn áp, khủng bố dã man, phong trào cách mạng địa phương, chính quyền dân chủ nhân dân ở từng cơ sở trong tỉnh vẫn được giữ vững, làm cơ sở cho việc xây dựng, phát triển các tổ chức quần chúng, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Từ đầu năm 1947 đến cuối năm 1949, trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến đầy khó khăn thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và của các cấp uỷ Đảng, phong trào cách mạng địa phương đã có bước phát triển mới.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

         

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com