Chiến đấu giam chân địch trong thành phố, chuẩn bị kháng chiến lâu dài

08:12, 11/12/2012

 Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, ngày 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào toàn quốc đứng lên kháng chiến cứu quốc. Trong lời kêu gọi, Người đã khẳng định:

"Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ ...

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta".

Ngày 22-12-1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị toàn dân kháng chiến, vạch ra những nét lớn về đường lối kháng chiến của nhân dân ta. Phương châm là kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh.

Cùng với cả nước, quân và dân Thành Nam vững vàng bước vào cuộc thử lửa với ý chí sắt đá và niềm tin quyết thắng. Trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, Ban chỉ huy mặt trận gồm Đỗ Mười - Bí thư Tỉnh uỷ, Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Nam Định, Hà Kế Tấn - Chính trị viên trung đoàn 34, Cao Xuân Hổ, Trung đoàn trưởng trung đoàn 34 đã họp tại thôn Mỹ Trọng (ngoại thành Nam Định) nghe đồng Hoàng Sâm - khu trưởng khu II về truyền đạt mật lệnh và chủ trương của Trung ương Đảng, phổ biến kinh nghiệm tác chiến ở Hải Phòng, Lạng Sơn và Nam Bộ; bàn thống nhất kế hoạch tác chiến, chỉ rõ nhiệm vụ của quân dân Nam Định trong việc chuẩn bị khẩn trương mọi mặt để tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ.

 Hai mươi bốn giờ ngày 19-12-1946, cả thành phố Nam Định rền vang tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Tự vệ thành phố nổ mìn ngả cây to dọc đường Trần Hưng Đạo và ngã tư Cửa Đông đến toà thị sảnh. Nhiều người dân thành phố đã không ngần ngại mang đồ đạc của mình (tủ, sập) ra đường làm vật chướng ngại chặn bước tiến của quân địch. Nhân dân các khu nhà lá (Văn Miếu), trại con gái (vợ lính khố đỏ) nổi lửa tự đốt nhà ở của mình. Những đám cháy bốc lên ở khắp nơi, cả thành phố rực lên như một biển lửa. Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục và quyết liệt.

Dựa vào trang bị vũ khí hiện đại, vào quân số, kinh nghiệm tác chiến..., địch cố sức tiến lên. Cuộc chiến đấu của ta nhằm kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch trong thành phố diễn ra dài ngày và mỗi lúc một ác liệt hơn. Ta và địch đánh lấn, giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng nhà máy, xí nghiệp. Thực dân Pháp tăng cường chi viện cả thuỷ, lục, không quân đánh giải vây cho thành phố. Cùng với quân dân thành phố, quân dân các huyện lân cận cũng tích cực phối hợp đánh địch và lập công lớn trong các trận tập kích phục kích tiêu diệt chúng ở khu Năng Tĩnh, khu Sợi C (Nhà máy Dệt Nam Định), bến Đò Quan, Nhà máy Tơ... bắn chìm một ca nô, bắn cháy hàng chục xe cơ giới và tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều quân trang, quân dụng.

 Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, quyết tâm giết giặc lập công. Điển hình là Đoàn Bạch Hạc - chính trị viên trung đội (tiểu đoàn 69), Triệu Hàn - tiểu đoàn trưởng (tiểu đoàn 69) dũng mãnh chỉ huy đơn vị chiến đấu dưới làn mưa đạn của kẻ thù, trong trận tấn công vị trí địch ở khu Ga và trại Carô (Carreau), lập công suất sắc. Phạm Sơn - công nhân vận chuyển, tự vệ nhà máy Sợi mới tình nguyện vào bộ đội thuộc tiểu đoàn 75 - hai lần xung phong nhận nhiệm vụ đâm bom ba càng vào vị trí đóng quân của địch ở Nhà Băng. Nữ chiến sĩ cứu thương Nguyễn Thị Ca, gặp địch nhảy dù, khi dù vừa chạm đất đã dùng chai thuốc bất ngờ đập vào đầu tên giặc, sau đó dùng vỏ chai vỡ đâm chết hắn, thu một súng tiểu liên. Trong trận cuối cùng đánh địch giải vây thành phố (10-3-1947), có tiểu đội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh, trong đó có 4 anh em ruột cùng chung chiến hào chiến đấu là Tạ Quang Khả, Tạ Quang Hồng, Tạ Quang Thuấn, Tạ Quang Đức.

Ngày 6-1-1947 quân dân Nam Định đã bánh bại cuộc hành quân chi viện quy mô lớn của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại về người và của. Chiến thắng to lớn này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Quốc hội và Chính phủ điện khen ngợi và quyết định tặng trung đoàn 34 danh hiệu "Trung đoàn tất thắng". Hội nghị quân sự toàn quốc (họp từ ngày 12 đến 16- 1-1947) đã khen ngợi chiến công của quân dân Nam Định và nêu gương anh dũng chống thuỷ, lục, không quân địch.

 Sau 86 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân dân Nam Định đã kìm chế, giam chân một lực lượng lớn quân viễn chinh Pháp, giết và làm bị thương 400 tên, trong đó có nhiều sĩ quan và lính Âu - Phi, bắt sống 6 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Cùng với thủ đô Hà Nội và một số thành phố, thị xã khác ở Bắc Bộ, cuộc chiến đấu của quân dân Nam Định đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, góp phần cùng cả nước có thêm thời gian củng cố và xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Qua chiến đấu ác liệt lực lượng vũ trang vẫn được bảo toàn và ngày càng trưởng thành. Bộ đội địa phương, nhất là trung đoàn 34 có thêm nhiều kinh nghiệm chiến đấu độc lập, hỗ trợ cho bộ đội địa phương và dân quân du kích đứng lên chủ động chiến đấu sau này.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com