Cuối tháng 4 năm 1951, tại căn cứ địa Việt Bắc, theo chủ trương của Đảng, Bộ Tổng tư lệnh mở hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến dịch Hoàng Hoa Thám và ra quyết định mở chiến dịch Quang Trung (tức chiến dịch Hà-Nam-Ninh) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, phá một mảng nguỵ quân nguỵ quyền, tạo điều kiện cho việc phục hồi cơ sở, phát triển du kích chiến tranh và bảo vệ tài sản, tính mạng, mùa màng của nhân dân.
Đảng uỷ Mặt trận và Bộ chỉ huy đã xác định hướng chính của chiến dịch là Ninh Bình sẽ do Đại đoàn 304 và 308 đảm nhiệm. Hướng quan trọng là Hà Nam do Đại đoàn 320 đảm nhiệm. Hướng hoạt động phối hợp là Nam Định. Đêm 28, rạng ngày 29-5-1951, được bộ đội địa phương và dân quân du kích dẫn đường, đại đoàn 308 đã nổ súng tiến công cứ điểm Đại Phong và Non Nước ở thị xã Ninh Bình mở màn chiến dịch.
Tại hướng Nam Định, những ngày đầu chiến dịch, tinh thần nguỵ quân, nguỵ quyền hoang mang, dao động. Một số tên đảo ngũ hoặc ra hàng ta. 200 vệ sĩ ở Bùi Chu đấu tranh với chỉ huy đòi về nhà. 20 lính nguỵ ở thành phố Nam Định đòi giải ngũ. Bọn chỉ huy hốt hoảng vội điều 5 tiểu đoàn ứng chiến về phía bắc Nam Định bảo vệ phòng tuyến sông Đáy. Thay cho những cuộc càn quét, sục sạo, chúng điên cuồng ném bom, bắn phá các thôn xóm nghi có bộ đội, đồng thời điều quân nghi binh đánh lạc hướng quân ta.
Vừa đánh địch, vừa rút kinh nghiệm, khắc phục những khó khăn, yếu kém, Thường vụ tỉnh uỷ Nam Định xác định quyết tâm xốc mạnh phong trào, bắt kịp thời cơ, đặt lên hàng đầu công tác khuyếch trương thắng lợi sâu rộng trong quần chúng cùng với việc phá rã nguỵ quyền của địch; tập trung 2/3 số cán bộ thành lập những đội tuyên truyền vũ trang; chỉ đạo cán bộ, đảng viên phải bám đất, bám dân. Địch mạnh ta luồn tránh, địch đi ta trở lại, kiên trì gian khổ tạo mọi điều kiện để hoạt động bí mật và chuẩn bị mọi mặt chống địch khủng bố. Mặc dù lúc này, quân ứng chiến của địch còn chưa rút, vụ chiêm đang thu hoạch, cơ sở của ta chưa ổn định, nhưng tỉnh uỷ vẫn chủ trương quyết tâm đẩy mạnh việc phá nguỵ quyền cơ sở của địch; quy định trách nhiệm tự lực cho xã bộ, bộ đội và công an. Cấp trên chỉ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Được xác định tư tưởng quyết tâm bám đất, bám dân, nhân lúc địch lúng túng, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và bán vũ trang đã luồn trở lại địa phương hoạt động. Ở các huyện phía Nam, nhiều cơ sở trải qua một thời gian khôi phục, củng cố đã dần dần vững vàng. Để làm đà cho quần chúng vùng dậy, công an và bộ đội địa phương dũng cảm, mưu trí luồn sâu đột kích vị trí Tứ Trùng (Hải Hậu), bắn bị thương nặng tên cha cố phản động Vũ Đức Khâm, sau đó chặn viện thắng lợi ở Chợ Mới. Đó là một đòn bất ngờ quật mạnh vào vùng sau lưng địch, làm cho hàng ngũ tay sai đã hoang mang, rung động mạnh. Nhân đà đó, các chi bộ cơ sở đã kịp thời phát động quần chúng vùng dậy đấu tranh làm áp lực cho việc phá nguỵ quyền cơ sở. Tính chung ba huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng ta đã thuyết phục được 68 ban tề, bởi vậy mới có điều kiện vào vùng địch "Tạm chiếm sâu", chắp nối lại một số chi bộ ở Nghĩa Hưng lâu nay vẫn bị mất liên lạc, khôi phục được nhiều cơ sở vùng Thiên Chúa giáo khó khăn nhất như Xuân Lạc, Lục Thuỷ, Trường Trung Linh (Xuân Trường) và Phú Ninh- Tân Khai (Giao Thuỷ).
Ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên tuy có khó khăn hơn, nhưng cũng đã giải tán hầu hết các ban tề địch vừa lập lại.
Bằng sự kiên trì, vượt mọi gian khổ, hy sinh, quân dân ta đã từng bước chiến đấu giành giật với địch từng vùng đất, làm thất bại âm mưu chia rẽ lương - giáo của kẻ thù, giành lại thế chủ động. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của khu uỷ III, và sự nỗ lực vượt bậc của quân dân địa phương, ta đã mở được khu du kích và khu căn cứ du kích rộng lớn, nối liên khu A, B Mỹ Lộc, Vụ Bản và Bắc Ý Yên xuống Nam Trực, Trực Ninh, qua miền Trung, miền Hạ Nghĩa Hưng, đến Hải Hậu, Nam Xuân Trường và Giao Thuỷ. Cả bộ đội chủ lực và quân dân địa phương đã diệt và bức rút 40 vị trí Âu - Phi và bảo chính đoàn, 87 bốt dõng vũ trang (trong số 103 bốt toàn tỉnh). Riêng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã diệt gần 800 tên, thu 236 súng trường, 15 tiểu liên, 6 trung liên, 1 đại liên, gần 4 tấn đạn dược và nhiều quân trang, quân dụng. Vùng tạm chiếm bị thu hẹp lại xung quanh thành phố Nam Định và thị xã Bùi Chu với bán kính từ 5 - 10km; một phần ven sông Đáy và một số đường giao thông huyết mạch số 10, 21. Kể từ đây đã chấm dứt thời kỳ đen tối "Hai năm, bốn tháng" (10-1949 đến 2-1952). Đó là một thắng lợi to lớn của quân dân Nam Định.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]