Đoàn kết toàn dân kháng Nhật cứu quốc (1945)

08:11, 20/11/2012

Với chính sách đoàn kết toàn dân của Đảng, các tổ chức Việt Minh đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Ngoài lực lượng chính là công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh ở thành phố còn lôi kéo được một số tư sản và con cái của họ. Nhiều tiểu thương, tiểu chủ cũng tham gia ủng hộ cách mạng. Một số địa chủ ở nông thôn và một số vị chức sắc của các tôn giáo cũng nhận rõ đường lối cứu nước đúng đắn của Mặt trận Việt Minh là đúng đắn và công khai hoặc bí mật ủng hộ Mặt trận.

Các cơ sở cứu quốc phát triển rất nhanh trong toàn tỉnh. Thanh niên Cứu quốc là tổ chức thu hút quần chúng đông đảo nhất. Lực lượng Tự vệ Cứu quốc được xây dựng hàng loạt, nhất là ở những nơi có phong trào khá. Tại các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Ý Yên mỗi huyện có tới hàng chục xã xây dựng được cơ sở Việt Minh, các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Nam Trực còn thành lập Ban vận động Việt Minh huyện. Ngay cả ở những nơi có đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa như ở Ninh Cường, Lác Môn (Trực Ninh), Quần Phương (Hải Hậu), Quỹ Nhất, Quần Liêu (Nghĩa Hưng), các tổ chức cứu quốc cũng được thành lập và phát triển nhanh chóng. Ở một số vùng như Mỹ Trọng (ngoại thành Nam Định), Lương Kiệt, Hào Kiệt (Vụ Bản), Thượng Đồng (Ý Yên) một số đảng viên, quần chúng cách mạng mặt dù chưa bắt liên lạc được với các tổ chức Đảng vẫn tiến hành phổ biến các chủ trương của Đảng và Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, tập hợp quần chúng, tổ chức lực lượng để đón thời cơ sẵn sàng khởi nghĩa.

Trước cao trào cách mạng ngày càng dâng cao, các tổ chức Thanh niên xã hội, Bảo an đoàn của bọn tay sai thân Nhật cũng ra sức đi tuyên truyền cho chính phủ bù nhìn và bọn phát xít, nhưng đi đến đâu chúng cũng bị quần chúng tẩy chay. Luận điệu tuyên truyền lừa bịp của Nhật đã bị thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là nạn đói dữ dội bóc trần. Một số nơi ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thuỷ ta đã đưa quần chúng tốt vào tổ chức Bảo an đoàn để phối hợp với Tự vệ Cứu quốc tổ chức canh gác, bảo vệ các cuộc họp của Đảng, giữ an ninh nơi xóm làng. Nhờ có chiến thuật sáng tạo đó nhiều tổ chức do địch lập ra đã được hướng vào làm những việc xã hội có ích cho nhân dân. Nhiều bảo an binh trở thành quần chúng cách mạng. Đội bóng đá Trực Ninh hoạt động hợp pháp đã trở thành nơi tập hợp quần chúng của cách mạng.

Để thúc đẩy cao trào kháng Nhật, củng cố tổ chức, Ban cán sự Nam Định đã mở một lớp huấn luyện cấp tốc cho cán bộ cơ sở hai huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng bồi dưỡng về tình hình và nhiệm vụ cách mạng, Chương trình và Điều lệ của mặt trận Việt Minh cũng như công tác chuẩn bị khởi nghĩa. Ở Tiêu Bảng (Ý Yên) còn mở được một lớp huấn luyện theo Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Trên cơ sở các lớp bồi dưỡng chính trị và đoàn thể cứu quốc được tổ chức, Đảng bộ phát động các tổ chức cơ sở cách mạng hưởng ứng phong trào sắm vũ khí, đuổi thù chung. Các cơ sở đều ra sức rèn sắm vũ khí. Các đội viên tự vệ, mỗi người tự trang bị cho mình một loại vũ khí thô sơ. Riêng lực lượng vũ trang ở Ngòi, Nhuộng đã mua được súng ngắn, tước được súng trường của chánh tổng làng Nghè để trang bị cho cán bộ và đội viên.

Gần sát thời kỳ khởi nghĩa, các hình thức đấu tranh càng thêm sôi động và quyết liệt, từ hình thức vận động cứu đói thông thường như kêu gọi tương trợ, lạc quyên trong nhân dân đến hình thức "khất thực" buộc các nhà giàu phải cho nhân dân vay. Quyết liệt hơn nữa là Việt Minh ở Lương Kiệt (Vụ Bản) đã tổ chức cho quần chúng phá kho đay của Nhật ở đình làng chia cho dân. Bọn thống trị biết mà đành bó tay.

Trước khí thế cách mạng lên cao, quần chúng khắp các địa phương đã vùng dậy trấn áp bọn tay sai. Tại Thượng Đồng (Ý Yên), một lý trưởng gian tham đã bị nhân dân đưa ra vạch tội. Lực lượng cách mạng đã trừng trị tên chánh bảo an ở Nhuộng ngoan cố, có hành động chống phá cách mạng. Thư cảnh cáo đã bỏ vào tận nhà, đầu giường của huyện trưởng Nghĩa Hưng và một số tay sai gian ác khác. Cờ, ảnh của Nhật và bù nhìn ở Phòng thông tin Hành Thiện (Xuân Trường) bị xé tan. Cờ đỏ Sao Vàng được cắm ngay trên nóc trụ sở Bảo an huyện Xuân Trường và đồn đoan Ngô Đồng (Giao Thuỷ), huyện đường ở Bo (Ý Yên).

Trong bối cảnh phong trào cách mạng toàn quốc đang dâng cao, những hoạt động ở địa phương đã bước đầu ngăn chặn được hành động chống phá cách mạng của chính quyền bù nhìn huyện, xã - nhất là ở sáu huyện phía nam của tỉnh. Có nơi, Việt Minh hoạt động công khai, luyện tập quân sự cả ban ngày. Để đối phó với tình hình trên, tháng 6-1945, địch mở một đợt khủng bố tràn lan trên địa bàn thành phố. Gần 100 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt, trong đó có cả Trung Duỵ - Uỷ viên Ban Cán sự được phân công phụ trách thành phố và ba huyện Mỹ Lộc, Ý Yên, Vụ Bản. Hầu hết các cơ sở cách mạng vừa được phục hồi và xây dựng thêm đều bị phá vỡ. Chỉ còn một số ít cơ sở Việt Minh trong công nhân, thanh niên, học sinh, phụ nữ, bảo an binh vẫn còn tiếp tục hoạt động. Vụ khủng bố này một mặt nằm trong mưu đồ trấn áp tràn lan của phát xít Nhật hòng chặn đứng, gây tổn thất nặng nề cho phong trào cách mạng thành phố. Nhưng mặt khác đây cũng là kết quả của tình trạng thiếu cảnh giác, chủ quan của một số cơ sở cách mạng và cán bộ địa phương.

Sau đợt khủng bố một thời gian ngắn, Ban Cán sự kịp thời bổ sung thêm Nguyễn Việt Hùng để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh với các huyện giữa lúc tình thế cách mạng chuyển biến hết sức mau lẹ. Thời cơ giành chính quyền đã đến gần.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com