Ngay sau khi chính quyền cách mạng về tay nhân dân, UBND cách mạng lâm thời các cấp đã tuyên bố xoá bỏ toàn bộ hệ thống chính quyền và tổ chức chính trị của chế độ thực dân, phong kiến từ tỉnh tới xã. Đồng thời Đảng bộ đã tổ chức một số cuộc tuần hành, thị uy của lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ toàn tỉnh ở thành phố để biểu dương lực lượng, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng. Lực lượng liêm phóng phối hợp với lực lượng trật tự phát hiện và triệt phá trụ sở bí mật của bọn Việt Nam Quốc dân đảng ở phố Trần Hưng Đạo - Thành phố Nam Định, thu nhiều tài liệu phản động. Chính quyền cách mạng thực hiện quốc hữu hoá một số cơ sở kinh tế nhằm phục vụ lợi ích công cộng của nhân dân như Nhà máy Đèn, Nhà máy Nước, Bưu điện, Kho bạc, Sở Thuỷ nông - Công chính. Trong khi kiên quyết đập tan bộ máy thống trị của thực dân phong kiến, chính quyền cách mạng vẫn sử dụng những nhân viên thuộc chính quyền cũ. Hai lần Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Nam Định quyết định mở rộng thành phần, mời thêm một số trí thức, nhân sĩ tiến bộ tham gia nhằm mở rộng và củng cố khối đoàn kết toàn dân.
Cử tri bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I (năm 1946). Ảnh: Internet. |
Chấp hành sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, Đảng bộ và Việt Minh Nam Định tiến hành đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp rất sôi nổi, sâu rộng tới từng thôn xóm, ngõ phố. Từ cuối năm 1945, phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày hội lớn của dân tộc được phát động rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Khí thế cách mạng bừng lên trong các nhà máy, trên đồng ruộng. Càng gần đến ngày bầu cử, các hoạt động cổ động, tuyên truyền càng nhộn nhịp. Khắp các ngả đường, nơi công cộng, đình chùa lớn, các địa điểm, dự định đặt hòm phiếu... đều treo cờ, căng khẩu hiệu nổi bật các dòng chữ "Việt Nam độc lập muôn năm!", "Hồ Chủ tịch muôn năm!", "Tất cả cử tri hãy đến nơi bỏ phiếu!".
Trong khi đó các đảng phái phản động ở Nam Định vừa núp bóng quân Tưởng, vừa cấu kết với các phần tử lạc hậu, nhất là bọn cường hào lý dịch trước đây ở các làng xã, đồng thời ra sức lôi kéo giáo dân, hòng tạo ra cái gọi là "lực lượng đối lập" ở Nam Định. Chúng một mặt ráo riết tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương chính sách của chính phủ và Việt Minh, mặt khác tìm cách phá hoại cuộc bầu cử. Có nơi chúng cũng đưa ra danh sách gồm 15 ứng cử viên của chúng mà chúng gọi là "những người yêu nước chân chính".
Mặc dù vậy, nhờ sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vẫn diễn ra một cách tốt đẹp. Trong ngày bầu cử Quốc hội mùng 6 tháng 1 năm 1946 gần 100% số cử tri đã đi bỏ phiếu và trong số 36 vạn cử tri đi bầu thì 33 vạn cử tri đã bỏ phiếu tín nhiệm những ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu.
Ngày 20 -1 - 1946 các cử tri Nam Định lại nô nức đi bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã vào ngày 18-3-1946. Đây thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt ở nông thôn. Giai cấp nông dân, chủ yếu là bần cố nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã biểu thị ý chí cách mạng, cương quyết giữ vững và củng cố thành quả cách mạng vừa giành được, chống lại âm mưu và hành động phá hoại của bọn địa chủ cường hào và một số phần từ phản động, cơ hội hòng chui vào chính quyền để chiếm địa vị, giành giật quyền lợi giai cấp và cá nhân của chúng đã bị cách mạng tước bỏ.
Tuy ở một số xã ở các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực vì tình hình chính trị còn phức tạp nên chưa tiến hành bầu cử được, song nhìn chung cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh, xã đã kết thúc thắng lợi, chọn ra được những đại biểu xứng đáng của nhân dân lao động. Ba phần tư số này là lực lượng thanh niên giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng. Riêng Hội đồng nhân dân tỉnh có một số trí thức và nhân sĩ tiến bộ tham gia. Đây là một bước quan trọng để củng cố chính quyền cách mạng non trẻ.
Theo Địa chí Nam Định
[links()]