Thiên Trường 750 năm

09:11, 23/11/2012

LTS: Tỉnh ta vừa tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (1262-2012). Báo Nam Định trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan để qua đó mỗi chúng ta thêm yêu mến, tự hào về mảnh đất có bề dầy lịch sử, là di sản văn hoá truyền thống vô giá không chỉ của Nam Định mà của cả nước.

1. Có hai nghĩa của địa danh Thiên Trường. Với chữ “Trường” - như ở trong các từ kép “Môi trường”, “Từ trường”, “Tình trường”…, có nghĩa là nơi chỗ, thì “Thiên Trường” là “cõi trời”, là nơi chỗ (nơi ở) của Trời. Còn với chữ “Trường” - như ở trong các từ kép khác: “Trường tồn”, “Trường độ”, “Trường kỳ”…, có nghĩa là lâu dài, thì “Thiên Trường” là sự bền lâu của đất trời.

Lại cũng có hai vùng không gian, địa bàn rộng hẹp khác nhau, cùng được gọi bằng tên Thiên Trường. Đó là “Lộ Thiên Trường” và “Phủ Thiên Trường”, tuy rằng trong lịch sử, sự phân biệt “lộ” và “phủ” để gọi tên, không phải lúc nào cũng rành rẽ.

Theo sử cũ, thì vào năm 1242, nhà Trần “chia cả nước làm 12 lộ”. Đứng hàng đầu trong danh sách 12 lộ đó luôn là hai lộ Thiên Trường và Long Hưng (sự hưng thịnh của Rồng, tức Vua). Đến năm 1246, kén người ở các lộ trong thiên hạ để sung quân ngũ, thì “đinh tráng” các lộ Thiên Trường và Long Hưng bao giờ cũng được đưa vào các đơn vị thân quân mang các phiên hiệu cao quý: Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần. Trong những trường hợp như thế, miền đất được gọi bằng tên Thiên Trường với cấp bậc hành chính là “lộ” - có địa vực rộng, tương đương với miền tỉnh Nam Định ngày nay. Còn “lộ Long Hưng” thì tương đương với miền tỉnh Thái Bình bây giờ.

Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).
Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).

“Phủ” Thiên Trường có địa bàn hẹp hơn. Nhưng đây thực chất là “thủ phủ” của Lộ Thiên Trường. Và còn hơn thế nữa, đây là tòa Kinh đô thứ hai sau Thăng Long của triều đại nhà Trần. Cụ thể và uyên nguyên, chỗ này chỉ có quy mô và diện mạo như một “hương” - tương tự (tương đương) một “làng”. Đó là “Hương Tức Mặc” (thuộc xã Lộc Vượng ở ven đô Thành phố Nam Định, về sau). Đây là đất phát tích của nhà Trần. Trong phả hệ tổ tiên nhà Trần gồm 5 đời, tính từ đời Vua Thái Tông Trần Cảnh ngược trở lên, thì ông tổ đời thứ nhất là Trần Kinh (tục gọi là “Ông cá Kình”) chính là người đã chọn hương Tức Mặc làm nơi tìm đến sinh sống đầu tiên. Nhưng tới đời tổ thứ hai (là Trần Hấp - tục gọi là “Ông cá Trắm”) thì đã “lật cánh” sang bên kia sông, định cư, và khởi nghiệp qua các đời thứ ba (Trần Lý - tục gọi là “Ông cá Chép”), thứ tư (Trần Thừa - tục gọi là “Ông cá Dưa”), đến đời thứ năm (Trần Cảnh - tục gọi là “Chú bé cá Lành Canh”) thì thành công. Vì thế, gọi chữ đất dấy nghiệp đó - ở bên tỉnh Thái Bình - là: Long Hưng.

Trở thành Hoàng đế đầu triều nhà Trần, Thái Tông Trần Cảnh là người đầu tiên nghĩ đến và tiến hành việc tôn vinh - tôn tạo miền đất phát tích Tức Mặc của dòng họ mình. 5 năm sau khi ở ngôi, đến năm 1231, “Mùa thu, tháng Tám, nhà vua ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hương ở tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương, theo thứ bậc khác nhau” (Đại Việt sử ký toàn thư). Và, vào năm 1239, vẫn theo sách đã dẫn: “Mùa xuân, tháng Giêng, lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó, sai về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện”. Đến năm 1262, 5 năm sau đại thắng quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ nhất, cũng là 5 năm sau khi đã nhường ngôi vua cho con (là Trần Thánh Tông) để lên ngôi thượng hoàng: “Mùa xuân, tháng Hai, thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước 2 “tư” (phẩm trật), đàn bà được 2 tấm lụa làm quà. Đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một cung khác cho nhà vua nối ngôi ngự từ Thăng Long về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Quang, gọi là chùa Phổ Minh. Từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung Trùng Quang này. Do đó, đặt sắc dịch hai cung để hầu hạ, lại đặt quan lưu thủ để trông coi”.

Phủ Thiên Trường đã chính thức ra đời vào năm 1262. Đến nay được chẵn 750 năm.

2. Thiên Trường (phủ) trước hết là một tòa đô thị kinh thành (“thành thị quân vương”). Nó nổi lên như là một trong số vài mươi “hòn cù lao”, lác đác xuất hiện trên “biển cả 3 chữ N (nông thôn, nông nghiệp, nông dân)” của lịch sử xã hội và văn minh trung cổ nước Việt.

Vì là hiếm ít, nên giá trị nhiều: Tòa đô thị này, về mặt kiến trúc - xây dựng, ngoài và cùng với những kiến trúc cung đình và tôn giáo (như cung Trùng Quang, cung Trùng Hoa, chùa Phổ Minh…) còn có thêm các “kiến trúc công sở” (làm chỗ cho các “sắc dịch hầu hạ”, “quan lưu thủ trông coi”…) và những dinh thự của các quý tộc cùng quan chức trọng thần như các phủ đệ của Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, cả Trần Thủ Độ nữa) chầu tuần ở vòng ngoài, làm nên diện mạo của một vùng “tiểu triều đình” - nơi thường xuyên có mặt làm việc của các đời thượng hoàng, còn nhà vua và các quý tộc, quan lại thì cũng định kỳ lui tới, “chầu thượng hoàng”. Rõ ràng, đây là một “trung tâm quyền lực quốc gia” quan trọng, thậm chí có thể suýt nữa là nơi phế truất cả vua Trần Anh Tông như sử cũ đã chép vào năm 1299.

Một chức năng quan trọng khác của tòa đô thị này, khi được đem kết hợp với “một Thiên Trường rộng lớn” - tức Lộ Thiên Trường - rồi lại liên kết cả với “Lộ Trường Yên” (Ninh Bình ngày xưa) ở bên tây, “Lộ Long Hưng” (Thái Bình) ở mạn đông, vậy là thành nên một vùng căn cứ chiến lược lợi hại. Trong cả ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược, khi phải rút bỏ khỏi Thăng Long, thì vùng này là nơi các lực lượng kháng chiến và triều đình nhà Trần tìm về. Bảo vệ nơi đây một cách linh hoạt chủ yếu là để tập kết và củng cố binh lực, rồi tiến hành phản công: Đầu xuân năm 1258, vua Trần Thái Tông đã từ đây đi đánh trận tập kích chiến lược Đông Bộ Đầu, đuổi toàn bộ đạo quân của “nguyên soái” Ngột Lương Hợp Thai một mạch chạy dài về nước; mùa hè năm 1285, hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông cũng từ đây đưa đại quân đi đánh trận Tây Kết, chém đầu “nguyên soái” Toa Đô tại trận; và cuối xuân năm 1288, cũng hai vị vua Trần này đã dùng “cửa Thiên Trường” - như nguyên văn lời sử cũ chép về “cửa Giao Thủy” (cửa sông Hồng ngày nay) - đưa binh thuyền đến dự chiến đại võ công sông Bạch Đằng…

Cuối cùng, vùng đô thị kinh thành và căn cứ chiến lược này, còn giữ luôn cả vai trò nổi bật của một trung tâm văn hóa của đất nước. Những ngự uyển, bến ngự, đường ngự, sân rồng… với kỳ hoa dị thảo và gạch ngói gỗ đá chạm rồng trổ hoa, những lầu son gác tía xây cất mỹ thuật và hoành tráng, đương thời là những công trình “văn hóa vật thể”, những bài ca điệu múa mang tên “Bài bông” sáng tác của Trần Quang Khải, những thi phẩm vào loại đặc sắc nhất của “thơ văn Lý Trần” như bài “Hạnh Thiên Trường” (chơi thăm Thiên Trường) của Trần Thánh Tông, những tục lệ như xăm hình rồng vào đùi để biểu thị tinh thần “đời đời chuộng dũng cảm” và “không quên nguồn gốc”… Chiếc “vạc Phổ Minh” khổng lồ bằng đồng - một trong “Tứ Đại Khí” thời Lý Trần - từng đặt ở sân rồng Thiên Trường, để minh họa cho câu thơ Trần Nhân Tông: “Non sông muôn thủa vững âu vàng”, vì bị quân xâm lược nhà Minh phá hủy nên không còn nữa, nhưng vẫn sừng sững đứng đó cây tháp chùa Phổ Minh với linh thiêng giữ gìn xá lỵ của Phật Hoàng Đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm…

750 năm Thiên Trường là di sản truyền thống vô giá, niềm tự hào rực rỡ của tỉnh Nam Định và của cả Việt Nam ngày nay./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com