Cuối tháng 9 năm 1940 quân Nhật tiến vào chiếm đóng Đông Dương, toàn dân tộc ta lâm vào cảnh "một cổ hai tròng". Trong bối cảnh đó, tiếng súng khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Lạng Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương đã thôi thúc mạnh mẽ tinh thần cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Ở Thành phố Nam Định, truyền đơn và áp phích chống chiến tranh lại xuất hiện. Quần chúng lại tụ họp với nhau trong các nhóm học nghề, học văn hoá, bí mật nghiên cứu sách báo cách mạng... cờ Đảng lại tung bay trên cây gạo ở Trình Xuyên (Vụ Bản). Nhân dân Hà Cát đấu tranh đòi bọn cường hào chia lại công điền, đòi lại 50 mẫu ruộng bị địa chủ Hành Thiện bao chiếm. Đội tự vệ ở Hà Cát được thành lập.
Đầu tháng Năm năm 1941 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đã họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Pắc Bó, Cao Bằng. Hội nghị tiếp tục hoàn thiện việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong tình hình mới, quyết định tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Hội nghị chủ trương thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), xây dựng lực lượng cách mạng cả về chính trị và quân sự, cả ở miền núi, nông thôn và thành thị, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Nghị quyết Trung ương 8 đã tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào cách mạng toàn quốc. Tuy nhiên ở Nam Định, do tổ chức Đảng chưa kịp hồi phục, cho nên phong trào cứu quốc chỉ có một số điểm sáng lẻ tẻ ở vài địa phương. Ở vùng Nhuộng, Tiêu Bảng, Văn Xá (Ý Yên) một số cơ sở Đảng đã được khôi phục. Ở Nghĩa Hưng một số đảng viên đã tự động hoạt động, căn cứ vào đường lối mới của Đảng mà vận động quần chúng. Một số nơi đã lập được Hội Cứu quốc của thanh niên và phụ nữ. Bước đầu các tài liệu của Việt Minh được tuyên truyền ở nông thôn Nam Định.
Đầu năm 1943, thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng, Ban Công vận của Xứ uỷ Bắc Kỳ nhiều lần cử cán bộ về thành phố xây dựng lại phong trào công nhân. Mặc dù tình hình rất khó khăn, nhưng đến giữa năm 1943 đã hình thành được Ban cán sự công vận tỉnh. Ban cán sự làm nhiệm vụ công tác Công vận đồng thời làm nhiệm vụ của Ban cán sự tỉnh. Dựa vào đường lối mới của Trung ương Đảng, căn cứ tình hình thực hiện ở địa phương, Ban cán sự tập trung vào chỉ đạo một số nhiệm vụ cần kíp nhằm mau chóng tập hợp các cán bộ, đảng viên vừa ở tù về làm hạt nhân lãnh đạo phong trào, xúc tiến tuyên truyền chương trình đánh Pháp đuổi Nhật của Mặt trận Việt Minh, lãnh đạo quần chúng giành giật những quyền lợi sống còn trước mắt, phát triển phong trào về nông thôn. Khoảng cuối năm 1943 hai chi bộ ở thành phố đã được phục hồi với 8 đảng viên. Ban cán sự cũng thiết lập được liên lạc với xứ uỷ. Một số tờ báo cách mạng như báo Cứu Quốc, Cờ giải phóng... được chuyển về thành phố, phân phát trong quần chúng cách mạng. Nhiều đợt phát tán truyền đơn nhân dịp những ngày kỷ niệm lớn tố cáo tội ác của Nhật - Pháp, giới thiệu chương trình cứu nước của Việt Minh. Đoàn thanh niên cứu quốc còn tổ chức những cuộc tranh luận trong thanh niên học sinh, vạch trần luận điệu lừa bịp, xảo trá của giặc Nhật. Các tổ chức thanh niên cứu quốc, học sinh cứu quốc, công nhân cứu quốc... được thành lập ở thành phố. Thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang một đội tự vệ của thành phố được thành lập, bao gồm 10 đội viên, có trang bị súng lục và vũ khí thô sơ. Đội đã tổ chức huấn luyện quân sự và chính trị cho đội viên sẵn sàng chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến.
Mặc dù Nam Định là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất, nhưng trên thực tế trong thời kỳ này có rất ít cuộc đấu tranh lớn của công nhân. Mặc dù các cán bộ công vận của Đảng đã lăn lộn hết sức mình để khôi phục phong trào, nhưng cho đến giữa năm 1943, ngoài cuộc bãi công của 300 công nhân nhà máy tơ (ngày 1 tháng 5 năm 1943) không nổ ra một cuộc đấu tranh đáng kể nào của công nhân Nam Định. Nguyên nhân của tình hình này chủ yếu nằm ở chỗ: trong thời kỳ này, do tác động của chiến tranh, hoạt động sản xuất của các ngành công nhiệp nói chung đều bị ngưng trệ. Hàng nghìn công nhân, trong đó có nhiều cốt cán của phong trào, đã bị sa thải, phải phân tán về nông thôn.
Để phát triển phong trào cách mạng ở nông thôn, Ban cán sự đã thông qua những công nhân, học sinh ở nông thôn để xây dựng cơ sở. Từng bước, Đảng bộ đã chắp nối lại được một số cơ sở ở Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường. Đặc biệt ở Ý Yên phong trào phát triển khá sôi nổi. Đội tự vệ ở Nhuộng được huấn luyện quân sự có trang bị cả vũ khí thô sơ. Thôn Nhuộng có phong trào mạnh, là nơi được chọn đặt cơ quan ấn loát của Liên tỉnh uỷ C và của xứ uỷ Bắc Kỳ. Chi bộ Đảng ở đây đã phát huy khá nhiều sáng kiến, tổ chức được những cuộc mít tinh có cuộc tới hàng trăm người dự để giới thiệu chương trình cứu nước của mặt trận Việt Minh. Trên cơ sở phong trào phát triển mạnh, nhân dân đã đấu tranh chống nộp thóc hợp đồng (thóc phải nộp theo đầu mẫu). Năm 1944 nông dân ở đây không ai chịu nộp thóc, tri huyện Ý Yên phải đưa lính về đốc thúc. Ở Hoành Nha (Giao Thuỷ) nhân dân đấu tranh đòi chia lại công điền đã giành được thắng lợi.
Từ những năm 1944, nhờ được Xứ uỷ tăng cường cán bộ phụ trách nông hội, phong trào nông thôn được quan tâm đúng mức có điều kiện để phát triển khá đồng đều. Ở Vụ Bản nhân dân đã chống Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, thu thóc tạ.
Phong trào cách mạng đang có hướng phát triển thuận lợi thì thực dân Pháp mở đợt khủng bố mới. Suốt 6 tháng cuối năm 1944 chúng tổ chức 5 lần vây ráp bắt được hai uỷ viên Ban cán sự và trên 20 đảng viên, quần chúng cách mạng đem đi cầm tù. Cơ sở Đảng ở thành phố và Ý Yên đều bị phá vỡ, liên lạc giữa tỉnh và xứ uỷ cũng bị gián đoạn.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]