Cụm di tích đền và chùa Kiên Lao nằm trên khu đất rộng khoảng hơn 5 mẫu thuộc xã Xuân Kiên (Xuân Trường) gồm nhiều công trình kiến trúc được xây dựng theo phong cách truyền thống. Hiện nay, khu di tích này còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc thể hiện tay nghề cao của các vị tiền nhân, nhiều cổ vật cổ thư từ thế kỷ 17-18 và nhiều di vật điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.
Đền Kiên Lao thờ các anh hùng dân tộc có công trong lịch sử chống giặc ngoại xâm như Triệu Việt Vương và hai vị tướng Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc đã có công đánh đuổi giặc Lương giành độc lập cho dân tộc vào thế kỷ thứ VI; thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trong cung cấm của đền thờ Trần Hưng Đạo có bài vị ghi dòng chữ: “Trần triều hiển thánh chánh Thái sư Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tặng phong chí trung đại nghĩa hùng huân vĩ liệt thượng đẳng thần” (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là một vị thượng đẳng thần, hết mực trung thành vì nghĩa lớn, có công lao to lớn, sáng ngời dưới triều Trần). Nơi đây còn thờ 13 vị tổ của các dòng họ đã đến đây khai hoang lập ấp để tạo dựng nên vùng quê Kiên Lao trù phú ngày nay.
Cụm di tích đền và chùa Kiên Lao xã Xuân Kiên (Xuân Trường) thường xuyên được nhân dân địa phương tu bổ, tôn tạo. |
Ngôi đền Kiên Lao có kiến trúc theo kiểu chữ nhị gồm hai tòa: Tiền đường năm gian và cung cấm ba gian. Tòa tiền đường chia thành năm gian, hai chái. Bộ khung công trình được gia công bằng gỗ lim theo kiểu bốn hàng chân cột, các chân cột đều đặt trên chân tảng đá chạm khắc. Bộ vì tiền đường thiết kế theo kiểu "chồng rường giá chiêng". Các cấu kiện từ xà lòng, xà lách, bẩy tiền, bẩy hậu đến hệ thống bẩy cổ ngỗng được đẽo gọt công phu và được chạm khắc hình long, ly, quy, phượng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Nối tiếp với tiền đường là ba tòa cung cấm nằm song song với nhau kết cấu theo kiểu "tiền đao hậu đốc" mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII. Cung thờ chính giữa bài trí ba pho tượng, ngồi giữa là pho tượng đức thánh Triệu Việt Vương được đúc bằng đồng. Tượng được tạc ngồi, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo chạm rồng, vân án. Hai bên là tượng hai vị tướng Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc. Cung bên phải thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Cung bên trái đặt khám và bài vị của 13 vị tổ các dòng họ đến đây khai hoang lập ấp. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, để gìn giữ di tích của quê hương, chùa Kiên Lao đã được nhà chùa, nhân dân địa phương và con em xa quê hương đóng góp công sức, tiền của để trùng tu tôn tạo di tích ngày càng hoàn chỉnh. Ngày nay, chùa Kiên Lao có kiến trúc theo kiểu "nội chữ công, ngoại chữ quốc", gồm bái đường 7 gian, thiêu hương 4 gian và thượng điện 7 gian mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII. Bao quanh công trình chính là hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà khách. Trong chùa, tượng Phật được bài trí tôn nghiêm, hài hòa với cảnh chùa. Với giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cổ kính được bài trí tôn nghiêm, cụm di tích đền và chùa Kiên Lao đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1995.
Để phát huy giá trị của di tích, hằng năm, tại cụm di tích đền và chùa Kiên Lao, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống và tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của đức Vua Triệu Việt Vương và đại lễ Phật Đản để bày tỏ lòng tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân được thờ phụng tại di tích. Trong lễ hội, ngoài nghi thức tế, lễ, rước kiệu, địa phương còn tổ chức hát ca trù, hát chèo, đi kheo, tổ tôm điếm./.
Bài và ảnh: Minh Thuận