Mùa hè năm 1936, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ nhất, dựa vào Nghị quyết của Đại hội quốc tế Cộng sản lần thứ VII, căn cứ vào tình hình thực tế trong nước hội nghị đi đến những quyết định quan trọng: tạm gác khẩu hiệu "Đánh đổ đế quốc Pháp" và "tịch thu ruộng đất của địa chủ, phong kiến chia cho dân cày", lập mặt trận nhân dân phản đế (sau đổi là Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương) nhằm tập hợp mọi lực lượng dân tộc đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo, hoà bình. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng đã góp phần đưa phong trào cách mạng toàn quốc đang phục hồi lên một bước mới. Năm 1936 trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ Pháp và nhân dân ta, chính phủ Pháp phải trả tự do cho một số tù chính trị và ban hành một số quyền tự do dân chủ cho các thuộc địa.
Vì cơ quan lãnh đạo của Tỉnh uỷ Nam Định chưa được lập lại nên cho đến khoảng nửa đầu 1937, hầu hết các cán bộ, đảng viên ở các địa phương tự bàn bạc tổ chức hoạt động.
Thành phố Nam Định, nơi tập trung đông đảo công nhân là nơi châm ngòi cho cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ trong thời kỳ này. Từ ngày 31-10-1935 đến ngày 6-10-1937 tại Nam Định đã nổ ra 33 cuộc đấu tranh - một kỷ lục về các cuộc đấu tranh từ trước tới giờ. Nổi bật nhất là cuộc đấu tranh có quy mô chưa từng thấy của 8.000 công nhân nhà máy sợi kéo dài hơn một tháng từ 2-2-1937 đến 3-3-1937 đòi tăng lương, đòi thi hành luật lao động và chống đánh đập. Trong quá trình đấu tranh, uỷ ban đấu tranh được thành lập, lãnh đạo công nhân tổ chức những cuộc mít tinh và biểu tình tuần hành nhằm biểu dương lực lượng và động viên tinh thần của 8.000 công nhân bãi công. Uỷ ban đấu tranh còn cử địa biểu đi gặp viện trưởng Viện dân biểu Bắc Kỳ, gặp Gô Đa (Justin Godart) đòi can thiệp với chủ máy sợi. Trước sức mạnh đấu tranh của công nhân bọn tư bản phải giải quyết những yêu sách cơ bản của công nhân, thi hành chế độ làm việc 8 giờ một ngày, tăng 25% lương cho thợ. Do khí thế đấu tranh của quần chúng, do tận dụng được mọi điều kiện thuận lợi, hầu hết các cuộc đấu tranh thu được thắng lợi.
Sau thời gian tích cực chắp mối, tháng 5-1937 Ban vận động thành lập Tỉnh uỷ hình thành và sau một thời gian ngắn, Tỉnh uỷ lâm thời được lập lại do Đặng Hữu Rạng làm bí thư. Sau đó Đặng Hữu Rạng chuyển công tác, Trần Hoạt được cử làm bí thư. Từ đấy cho tới cuối năm 1938, phong trào cách mạng Nam Định được sự chỉ đạo thống nhất đã tiến lên bước mới phát triển thành cao trào. Bám sát đường lối của Trung ương trong tình hình mới, Ban Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo công tác tuyên truyền rrộng rãi chủ nghĩa Mác - Lê nin và đường lối chính sách của Đảng. Cơ quan đại lý sách báo tăng cường phát hành sách báo công khai của Đảng và các sách báo tiến bộ khác. Cơ quan đại lý sách báo của Đảng thực tế đã trở thành trụ sở công khai của Đảng để liên hệ với quần chúng.
Trên cơ sở tổ chức Đảng được củng cố, các tổ chức quần chúng cũng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Dựa vào lời hứa của thống sứ Bắc Kỳ Saten (Châtel), là đồng ý cho công nhân lập hội ái hữu, công nhân một số nhà máy, một số ngành đã xúc tiến thành lập nhiều ái hữu. Ở thành phố có các hội ái hữu của công nhân máy sợi, Sở Lục lộ, thợ mộc, thợ chạm, thợ thuỷ tinh ... Trong học sinh có hội ái hữu cựu học sinh các trường tiểu học, trường tư thục. Ở nông thôn có hội ái hữu thợ dệt ở Hạc Châu, thợ rèn ở Thọ Vực (Xuân Trường). Hoạt động của các hội ái hữu vừa quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, vừa góp phần tìm việc làm cho hội viên. Thực chất hoạt động của hội ái hữu đã mang tính nghiệp đoàn, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
Các tổ chức quần chúng hợp pháp ở nông thôn vùng Xuân Trường, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nam Trực cũng phát triển mạnh như Hội nông dân, Hội tương tế, Hội tư văn, học sinh đoàn, Hội âm nhạc. Đoàn thanh niên dân chủ, Thanh niên xã hội cũng tích cực hoạt động thu hút đoàn viên. Các hội công khai được nhà cầm quyền cho phép lập như Hội ánh sáng, Hội Hướng đạo, nhất là Hội truyền bá quốc ngữ được Đảng đưa người vào, hướng các hoạt động của Hội, nhằm vừa nâng cao giúp nhân dân học văn hoá, vừa kết hợp tuyên truyền lòng yêu nước, yêu tự do, tiến bộ.
Lúc này, ngoài đại lý sách báo cánh tả của Đảng tuyên truyền các sách báo cách mạng và tiến bộ rất có hiệu quả, nhiều sách báo từ Hà Nội được chuyển về cũng được chuyển tải đến nhiều vùng trong tỉnh như các cuốn “Vấn đề dân cày" của Qua Ninh (Trường Chinh) và Vân Đình (Võ Nguyên Giáp), "Nhật ký tuyệt thực chín ngày rưỡi" của Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ). Tỉnh cũng thành lập một cơ sở in ở Lạc Nghiệp (Xuân Trường) để in các truyền đơn, báo chí của cấp trên gửi về, vừa in các tài liệu của Đảng bộ. Nhờ công tác tuyên truyền phát triển rộng rãi, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu rõ được vai trò của Đảng và hăng hái bước vào cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ do Đảng phát động.
Từ giữa năm 1937 trở đi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ rất sôi nổi khắp thành thị tới nông thôn với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân và đã giành được một số quyền lợi thiết yếu như việc công sứ Nam Định phải họp hội đồng hoá giá quy định giá gạo. Chủ các nhà máy, chủ xưởng phải giải quyết một phần sinh hoạt đắt đỏ cho thợ máy tơ, máy sợi, máy rượu.
Nông dân một số vùng cũng đấu tranh đòi quyền dân sinh thắng lợi như ở Xuân Trường nhân dân đòi cường hào phải trả 50 mẫu bãi sông ở Đông An, kiện lý trưởng lậu thuế ở Hạc Châu, chống phù thu lạm bổ ở Xuân Bảng. Ở Nam Trực, nông dân Dịch Lễ đấu tranh buộc cường hào, hương lý phải trả lại ruộng công. Ở Quỹ Đê, Quỹ Thượng huyện Trực Ninh nhân dân đã vạch mặt bọn cường bào địa phương khai man 30 suất đinh chiếm đoạt 18 mẫu ruộng buộc tổng đốc phải can thiệp...
Từ những cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động đòi quyền lợi kinh tế, Đảng bộ đã tổ chức, tuyên truyền giáo dục ý thức chính trị và đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào các tổ chức quần chúng. Trong cuộc bầu cử nghị viện dân biểu Bắc Kỳ, tỉnh uỷ chủ trương đưa người của Đảng ra ứng cử đồng thời liên hiệp với phân chi Đảng xã hội Pháp ở Nam Định và một số người tiến bộ thuộc tầng lớp trên ủng hộ những ứng cử viên tiến bộ với danh nghĩa là người của Mặt trận nhân dân, đồng thời vạch mặt, tẩy chay những tên tay sai đắc lực của đế quốc. Cuộc vận động dân chủ lan rộng khắp toàn tỉnh, được nhân dân sôi nổi hưởng ứng, thực sự là một cuộc vận động chính trị sâu rộng ở Nam Định, đem đến cho nhân dân một hào khí mới. Sôi nổi nhất là cuộc mít tinh với hơn 4000 người tham gia vào tháng 3 - 1938 cuộc mít tinh lấy danh nghĩa công khai là đưa tiễn công sứ A-lơ-măng nhưng thực chất là cuộc biểu dương lực lượng đòi tự do lập nghiệp đoàn, tự do hội họp, đòi tăng lương,... Cuộc mít tinh diễn ra ngay tại sân ga Nam Định. Đây là cuộc mít tinh công khai lớn nhất, là đỉnh cao của phong trào, có ảnh hưởng lớn trong thời kỳ Mặt trận dân chủ.
Phát huy khí thế trên, ngày 29-7-1938, Đảng bộ lại tổ chức công nhân biểu tình lấy cớ "đón thống sứ Saten (Chatel)" để đưa yêu sách đòi tự do dân chủ. Bọn thống trị đưa cảnh sát đến giải tán nhưng đoàn biều tình vẫn tuần hành đến toà sứ. Sau khi xô sát, địch đã bắt 49 người. Quần chúng bị bắt đã tuyệt thực phản đối. Địch buộc phải xử chiếu lệ, phạt vi cảnh. Không dừng lại ở đó, đoàn đại biểu công nhân Nam Định kéo lên tận Hà Nội yêu cầu thanh tra lao động phải can thiệp đòi huỷ bỏ bản án vô lý trên. Việc đấu tranh đó không những được nhân dân trong tỉnh mà nhân dân các tỉnh khác cũng gửi tiền về đồng tình ủng hộ.
Cũng năm 1938, Đảng bộ Nam Định còn vận động được đông đảo quần chúng về dự cuộc mít tinh lớn ở khu Đấu Xảo (Hà Nội) để kỷ niệm ngày quốc tế lao động nhằm ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp, phản đối bọn phản động thuộc địa, đòi tự do dân chủ và yêu cầu phòng thủ Đông Dương.
Từ năm 1936 hoà nhịp cùng phong trào cả nước phong trào đấu tranh đòi dân sinh chủ ở Nam Định diễn ra rầm rộ và giành được những thắng lợi. Nhưng từ khi công sứ Lốt - de (Lodger) đổi về Nam Định, nhất là từ khi Mặt trận nhân dân Pháp đổ, thái độ của bọn thống trị thay đổi, ngày càng ra mặt khủng bố phong trào cách mạng. Bọn phản động thuộc địa lại trắng trợn tước bỏ những quyền tự do dân chủ tối thiểu mà nhân dân đã giành được trước đó. Chúng cấm hoạt động và xoá bỏ những trụ sở công khai của các hội ái hữu, truy lùng các cơ sở in và phát hành sách báo tiến bộ. Hầu hết cán bộ đảng ở đại lý sách báo cánh tả đã bị bắt. Trong đợt này địch đã lục xét, bắt 22 đảng viên, quần chúng cách mạng ở Nam Định. Sau đó ít lâu các hội quán tạm thời của ái hữu đều bị giải tán. Nhiều phố lao động bị canh gác, ai ra vào thường xuyên bị xét hỏi. Thợ thuyền tham gia đình công biểu tình, hay có chân trong ái hữu thợ thuyền phải ngừng hoạt động, các tổ chức quần chúng cách mạng phải chuyển vào hoạt động bí mật. Phong trào cách mạng Nam Định tạm lắng.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]