Nam Định - Những ngày đầu giành được chính quyền

08:11, 27/11/2012

Với cuộc Cách mạng tháng Tám chính quyền mới đã được thiết lập, nhân dân ta đã được giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Nhưng nằm trong tình hình chung của cả đất nước, sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, Đảng bộ và nhân dân Nam Định cũng phải đối phó với nhiều khó khăn phức tạp. Thù trong giặc ngoài đe doạ, tình hình đất nước ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc.

 Về kinh tế, mọi ngành sản xuất đều sút kém, đình đốn. Sản xuất nông nghiệp suy giảm, ruộng đất hoang hoá nhiều. Mùa lũ năm 1945, nước sông Hồng lên to, nhiều đoạn đê xung yếu của tỉnh thuộc hạ lưu hữu ngạn có nguy cơ bị vỡ. Tiếp đó lại đến nạn hạn hán, nhiều ruộng đất không cày cấy được. Nạn đói lại có khả năng tái diễn.

Riêng nạn đói tháng 3-1945 đã cướp đi khoảng 20 vạn đồng bào trong tỉnh. Những người sống sót, sức khoẻ giảm sút, bệnh tật nhiều, thiếu lương ăn, thiếu ruộng đất hoặc không có ruộng cày do bị địa chủ tước đoạt hoặc bị cầm cố. Ngành công nghiệp, thủ công nghiệp gần như đình trệ. Một số xí nghiệp của tư bản như Nhà máy chai, Nhà máy chiếu, Nhà máy rượu... không hoạt động. Nhà máy sợi - một liên hiệp sợi - vải lớn nhất Đông Dương (số công nhân có thời kỳ tập trung tới hơn 14.000 người), do thiếu nguyên liệu và bị tàn phá, lúc này chỉ còn 2.000 công nhân, sản xuất cầm chừng. Hàng nghìn khung cửi dệt tay do thiếu nguyên liệu cũng ngừng hoạt động. Hàng vạn công nhân, thợ thủ công và dân nghèo thành thị không có việc làm, đời sống cơ cực, bấp bênh. Hàng hoá khan hiếm, nạn đầu cơ tích trữ phát triển. Về tài chính, ngân quỹ, kho bạc nói chung không còn gì. Giữa lúc đó, các thế lực đế quốc núp dưới danh nghĩa quân Đồng minh để tước vũ khí quân đội Nhật cũng tràn vaò từ hai đầu đất nước. Thực chất là chúng muốn lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ.

Sau Cách mạng tháng Tám, vẫn còn một bộ phận quân Nhật đóng ở thành phố Nam Định chờ ngày giải giáp. Cuối tháng 9 - 1945, hai trung đoàn và một sư đoàn của quân Tưởng Giới Thạch kéo vào đóng ở thành phố Nam Định. Bám gót chúng là bọn Việt Quốc. Lợi dụng danh nghĩa quân Đồng minh chúng sách nhiễu ta đủ điều, vơ vét hàng hoá, lương thực, thực phẩm bằng loại tiền Quan Kim, Quốc Tệ đã mất giá trị; che chở giúp đỡ bọn Việt Quốc gây rối, khiêu khích, vu cáo chính quyền cách mạng. Trắng trợn hơn, chúng cho binh lính ra đường gây rối trật tự trị an, cướp đoạt tài sản của nhân dân. Những phần tử cơ hội, phản cách mạng, nhất là bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa, ra sức tuyên truyền gây khó khăn cho việc phát triển các đoàn thể cứu quốc cũng như xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.

Về phía chủ quan Đảng bộ Nam Định còn thiếu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo chính quyền. Các tổ chức quần chúng nói chung mới được xây dựng. Lực lượng vũ trang địa phương đang hình thành, trang bị còn nghèo nàn. Tổ chức Đảng ở cơ sở, nhất là ở xã còn ít và chưa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào cách mạng trong giai đoạn mới.

Thuận lợi cơ bản nhất đối với chính quyền cách mạng non trẻ là được sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng. Trong mọi hoàn cảnh các tầng lớp nhân dân thành Nam nói riêng và cả nước nói chung luôn luôn vững tin vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh, sẵn sàng "đem hết tính mạng và của cải" để bảo vệ độc lập lập dân tộc và bảo vệ chế độ mới.          

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 3 - 9 - 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải làm ngay nhằm phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói, mở phong trào chống nạn mù chữ, tổ chức tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân; cần kiệm, liêm chính, bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ thực dân phong kiến để lại; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.

Ngày 25 - 11 - 1945 Trung ương Đảng cũng ra chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, khẳng định "Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước ta chưa hoàn toàn độc lập". Khẩu hiệu của Đảng lúc này vẫn là "Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết!" Đảng ta còn chỉ rõ "Kẻ thù chính của chúng ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng".

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ Nam Định đã đề ra một số nhiệm vụ trước mắt lúc này là:

Xây dựng, củng cố và kiện toàn chính quyền các cấp; xây dựng và mở rộng Mặt trận Việt Minh, thu hút mọi tầng lớp nhân dân vào mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược.

 Khẩn trương giải quyết nạn đói, tích cực chống giặc dốt; ra sức cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; vận động quần chúng hăng hái và thực hiện đời sống mới.

Trấn áp kịp thời bọn phản động cách mạng và những phần tử làm tay sai cho đế quốc phá hoại cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh.

Đối với quân đội Tưởng Giới Thạch, đưa ra khẩu hiệu "Hoa- Việt thân thiện" để thực hiện sách lược hoà hoãn, giáo dục quần chúng đề cao cảnh giác, phá âm mưu đen tối của chúng; sử dụng áp lực của quần chúng, kết hợp với chức năng của chính quyền cách mạng, nhằm ngăn chặn kịp thời những hành động vi phạm chủ quyền dân tộc.

Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, mở rộng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực công tác.

Vì vậy nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hàng đầu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh là dồn toàn lực vào việc xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân trước sự tiến công đầy ác ý của những kẻ thù có tiềm lực quân sự lớn mạnh, tàn ác và nguy hiểm.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com