Năm 1954, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, lứa thiếu niên 13-14 tuổi chúng tôi mới được cắp sách đến trường. Lúc đó nhiều nơi lâm vào cảnh “thừa trò” nhưng “thiếu thầy”, một thầy giáo buổi sáng vừa dạy ở lớp này, buổi chiều đã phải tới dạy ở một lớp khác. Để khắc phục tình trạng này, cấp trên đã cử một số giáo viên về tăng cường, trong đó xã Nam Điền (Nam Trực) của tôi phấn khởi được đón một thầy giáo và một cô giáo vừa tốt nghiệp sư phạm ở Quảng Tây (Trung Quốc) về.
Trong niềm vui chung đó, chúng tôi có một niềm vui riêng cũng rất trẻ con, đó là cô giáo Ngô Thị Ngọc Tâm của lớp 3 chúng tôi vừa trẻ, vừa xinh, lại có đôi bím tóc tết đuôi sam nhún nhảy sau lưng… Những bỡ ngỡ ban đầu giữa cô và trò qua đi rất nhanh, cô nhận ra chúng tôi là con em nông dân nghèo nhưng ham học và cũng rất tinh nghịch… Cô chinh phục chúng tôi bằng phương pháp giảng dạy mới, bằng bài giảng, bài hát về lòng yêu nước của cha ông ta. Cô còn kể chuyện về nhiều anh hùng ở các nước bạn xa xôi, nơi có những cánh đồng tuyết trắng và thảo nguyên xanh mênh mông tít tắp tới tận chân trời… Chúng tôi hiểu thêm bao điều mới lạ từ cô giáo trẻ. Biết chúng tôi đi học còn gặp nhiều thiếu thốn, ăn mặc phong phanh, cô khuyên chúng tôi lấy tờ báo cũ lót vào trong người, rồi mặc áo ra bên ngoài để chống rét trong những ngày đông giá, cô còn trích đồng lương ít ỏi của mình mua sách vở cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Cứ thế, tình cảm cô, trò ngày càng gắn bó, gần gũi nhau hơn, giúp chúng tôi nhanh chóng kết thúc năm học với kết quả tốt nhất.
Các em học sinh đội mũ rơm đi học. Ảnh: Internet |
Năm sau học lên lớp 4, nhiều năm sau nữa học lên cấp 2, cấp 3, rồi đi công tác… tôi xa quê cũng là xa cô giáo Tâm từ ấy. Qua người thân, qua bạn bè tôi biết: sau khi dạy cấp 1 được dăm năm, cô đi học sư phạm cấp 2 rồi chuyển lên dạy ở trường huyện. Mấy năm sau cô được cử đi học đại học chính trị, ra trường được điều về công tác tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 5. Một số năm tiếp sau cô tu nghiệp tại Trường Đảng cao cấp… Sau giải phóng cô được cử vào dạy chính trị ở một số trường các tỉnh phía Nam. Bẵng đi một thời gian nghe nói cô đã được điều động lên công tác tại Ban Cán sự Đảng ngoài nước. Bốn, năm năm ở nước ngoài là một khoảng thời gian dài, gia đình cô thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ. Mãi tới năm 1994, khi đã gần 60 tuổi, cô mới được nghỉ chế độ, về sum họp cùng gia đình ở Hà Nội.
Mỗi lần nghĩ về cô tôi luôn tự hỏi: Không biết bằng nghị lực nào mà trong vòng hơn 30 năm, cô giáo của tôi vừa nuôi dạy con cái nên người giữa những năm chiến tranh ác liệt của thời chống Mỹ cứu nước ấy, lại vừa tự học tập, phấn đấu vươn lên giành những vị trí cao khác trong cuộc sống? Hỏi rồi, tôi tự trả lời: Đó chính là cái chí của con người, đúng như lời cha ông ta đã nói: “Có chí thì nên” mà. Trên chặng đường công tác của mình có lúc mỏi mệt, tôi lại lấy tấm gương của cô giáo ra mà nhắc nhủ mình không được nản chí. Mãi sau này khi gặp lại, cô tâm sự: Khi Cách mạng Tháng Tám thành công cô đã lên 10 tuổi mà vẫn thất học, cha cô đi hoạt động cách mạng bị địch bắt đày ra Côn Đảo, mẹ cô sau đó cũng qua đời. Cô được đoàn thể cho lên Chiến khu Việt Bắc học chữ rồi học sư phạm, để thành giáo viên và từng bước trưởng thành như ngày nay. Công ơn ấy là do cách mạng đem lại, cô luôn phấn đấu suốt đời để đền đáp công ơn to lớn ấy.
Gần 20 năm qua về hưu, đã hàng mấy chục lần cô trở đi trở về vùng đất nghèo quê tôi - nơi cô bắt đầu trở thành cô giáo, nơi cô xây dựng tổ ấm hạnh phúc lâu bền để giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học. Được Hội Khuyến học tỉnh Nam Định và huyện Nam Trực động viên, cô trích lương hưu của mình lập quỹ để tặng học bổng cho hàng chục cháu, tặng hàng trăm bộ quần áo cùng nhiều sách bút cho các cháu con nhà nghèo chịu khó học tập. Cô còn trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc một số cháu, trong đó có cháu Vũ Thị Lượt ở xã Điền Xá. Khi cháu tốt nghiệp đại học cô đã tìm được việc làm cho cháu, đến nay cháu đã có cuộc sống ổn định… Còn nhiều cháu khác đã nhận được tấm lòng thơm thảo, tấm lòng nhân ái của cô giáo Tâm. Mỗi lần cô về quê, ai gặp cô cũng tay bắt mặt mừng, coi cô như người mẹ, người bà của mình, họ gọi cô là “Bà giáo Tâm” một cách trìu mến, tin cậy.
Lứa học trò đầu tiên của cô giáo Ngô Thị Ngọc Tâm ngày ấy, nay đã lên ông, lên bà khắp lượt, nhưng mỗi khi gặp lại cô chúng tôi thấy mình trẻ lại như thuở ban đầu. Chúng tôi đang “bí mật” chuẩn bị để đến cuối năm 2012 này sẽ tổ chức mừng thọ cô giáo khi cô tròn 78 tuổi.
Chắc cô giáo rất vui và cũng không nỡ trách “lũ học trò già” của cô đâu./.
Đỗ Phú Nhuận