Khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8-1945)

08:11, 22/11/2012

Trong khoảng thời gian rất ngắn (từ ngày 09-3-1945 đến tháng 8-1945), Đảng bộ Nam Định đã gấp rút xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa. Tuy lúc này phong trào ở thành phố bị khủng bố dữ dội, nhưng quảng đại quần chúng được không khí cách mạng toàn quốc cổ vũ vẫn tin tưởng vào ngọn cờ Việt Minh, sẵn sàng vùng lên khi thời cơ đến.

Trong khi ấy, cuộc chiến tranh thế thới thứ hai đã bước vào giai đoạn cuối. Ngày 09-5-1945, Đức phải  ký Hiệp ước đầu hàng Liên Xô và phe Đồng minh không điều kiện. Cuộc chiến ở Thái Bình Dương cũng nhanh chóng đi vào hồi quyết liệt nhất. Sau cuộc tấn công của Hồng quân Liên Xô vào Mãn Châu Lý, nhất là sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, nước Nhật hoàn toàn bị đánh quỵ. Ngày 15-8-1945, Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc tạo điều kiện khách quan hết sức thuận lợi cho nhân dân Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay mình.

Ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang) và đêm hôm đó, Uỷ ban khởi nghĩa phát bản quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân vùng lên giành chính quyền.

Lúc này, Ban Cán sự tỉnh đang tập trung chỉ đạo phong trào ở các huyện phía nam. Mặc dầu chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng do nắm chắc chủ trương của Đảng nên ngay chiều 15-8, khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, tin nhân dân Hà Nội đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa đã triệu tập cuộc họp Ban Cán sự và một số cán bộ chủ chốt ở Trực Ninh, quyết định phát lệnh khởi nghĩa. Hội nghị thống nhất quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện phía nam trước, nhanh chóng phát triển lực lượng cách mạng ra tất cả các huyện, sau đó tiến lên giành chính quyền tỉnh ở thành phố Nam Định. Huyện Trực Ninh được chọn làm đột phá khẩu cho khởi nghĩa toàn tỉnh.

Từ ngày 17-8 đến 22-8, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, nhân dân ở các địa phương đã nhất tề nổi dậy đập tan bộ máy thống trị của đế quốc, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

Ngày 17-8 khởi nghĩa thành công ở huyện Trực Ninh

Ngày 18-8 khởi nghĩa thành công ở huyện Nam Trực.

Từ ngày 18-8, Đội Danh dự của Xứ uỷ nhận lệnh về các tỉnh phía Nam để tuyên truyền chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Chiều tối ngày 18-8 tại Chợ Rồng, đội Danh dự đã phát báo, dùng loa phóng thanh tuyên truyền khởi nghĩa. Hàng ngàn người kéo tới dự tạo thành cuộc mít tinh lớn. Tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu "Đả đảo chính phủ bù nhìn!", "Việt Nam hoàn toàn độc lập!", hừng hực khí thế, thôi thúc nhân dân hành động. Nhưng tới giờ phút này, phần lớn đảng viên và quần chúng cách mạng còn bị giam giữ trong nhà tù phát xít. Nhiều đảng viên còn lại rải rác ở khắp nơi đã liên lạc với nhau, bàn bạc thống nhất để đi đến quyết định phải giải phóng tù chính trị cà coi đó là nhiệm vụ bức thiết và khẩu hiệu hành động lức này. Các đồng chí đảng viên, trong đó có một số đảng viên Đảng Dân chủ cùng với quần chúng cơ sở cách mạng toả đi vận động thân nhân chính trị phạm đấu tranh đòi thả chồng, con, em mình. Sáng 19-8, hàng trăm thân nhân chính trị phạm được huy động tập trung thành đoàn biểu tình, tiến về dinh tỉnh trưởng đòi thả người thân của mình. Trong nhà tù, các chính trị phạm cũng trực tiếp yêu sách đòi tỉnh trưởng phải trả tự do

Trước cuộc đấu tranh có sự kết hợp chặt chẽ đó, chính quyền bù nhìn buộc phải xin với Nhật trả tự do cho những người bị Pháp bắt trước ngày Nhật đảo chính. Số còn lại bị Nhật đưa sang giam giữ ở Sở Hiến binh.

Thắng lợi bước đầu cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng. Cuộc đấu tranh được mở rộng, chĩa thẳng mũi nhọn vào phát xít Nhật. Chiều ngày 19-8, hàng ngàn quần chúng công nhân, nông dân, tiểu thương, học sinh biểu tình tuần hành dưới cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ "Ủng hộ Việt Minh!", "Giải phóng chính trị phạm!" kéo đến Sở Hiến binh Nhật. Trước khí thế mãnh liệt của quần chúng, Nhật đã phải thả hầu hết các chính trị phạm bị giam ở đó. Thắng lợi của cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị đã tăng lực lượng cho cách mạng, làm hoang mang tinh thần hàng ngũ của địch và làm tê liệt ý chí chống đối của chúng.

Ngay đêm 19-8, các đảng viên mới ra tù đã cấp tốc họp tại hiệu Uyên Thái - cơ sở cách mạng của Việt Minh, phân công nhau cùng với một số anh em đảng Dân chủ cùng đi huy động quần chúng may cờ và biểu ngữ để khởi nghĩa. Lúc này lực lượng tiểu đoàn bảo an binh gồm 500 lính ở Nam Định đã bị phân hoá. Nhiều người đã phải ngả về phía cách mạng.

Ngày 20-8-1945, giữa lúc các cán bộ, đảng viên đang xúc tiến gấp mọi mặt để khởi nghĩa thì Hà Kế Tấn (Xứ uỷ viên phụ trách Nam Định) về đến Thành phố. Đồng chí đã họp với đảng viên và các lực lượng cốt cán để chỉ đạo và thống nhất kế hoạch khởi nghĩa. Ngay đêm đó, Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập gồm Hà Kế Tấn, Trần Văn Mạc, Vũ Đức Oong, Nguyễn Danh Địch, Đỗ Nguyên Tân, Đặng Châu Tuệ,... do Hà Kế Tấn làm chủ tịch. Cùng ngày 20-8, Đội tuyên truyền vũ trang của Bắc Bộ phủ được Nguyễn Khang (thường vụ Xứ uỷ) giao nhiệm vụ về Nam Định phối hợp với địa phương khởi nghĩa. Về tới Nam Định, thấy không khí khởi nghĩa đã sôi sục, đội đã vào thẳng dinh tỉnh trưởng thuyết phục Tỉnh trưởng Nguyễn Huy Xương đầu hàng; đồng thời yêu cầu nhà in Trương Phát phải cho in gấp 3 vạn tờ truyền đơn kêu gọi nhân dân đi mít tinh vào chiều ngày 21-8.

Để tập trung, Uỷ ban khởi nghĩa đã cử đại diện đến trao đổi, thoả thuận với Nhật những vấn đề quan trọng. Đại diện của Bộ tư lệnh Nhật hứa không can thiệp vào công việc của ta; để cho ta bắt những tên tay sai còn lẩn trốn trong doanh trại Nhật; bí mật chuyển cho ta một số vũ khí mà chúng phải bàn giao cho quân Đồng minh. Về phía ta sẽ đảm bảo tính mạng và tài sản của Nhật, tạo điều kiện cho công dân Nhật muốn ở lại Việt Nam sinh sống theo nguyện vọng của họ.

Nắm chắc tình hình mọi mặt, Uỷ ban khởi nghĩa quyết định gấp rút huy động quần chúng nội, ngoại thành tổ chức một cuộc mít tinh biểu dương lực lượng thật lớn vào chiều ngày 21-8 tại dốc Lò Trâu.

Trong đêm 20 và sáng ngày 21-8, truyền đơn kêu gọi nhân dân mít tinh được rải khắp thành phố và các cùng lân cận. Chiều hôm đó, cả thành phố là một rừng cờ đỏ sao vàng. Quần chúng nội, ngoại thành và các huyện lân cận, gồm đủ các giai cấp, các tầng lớp rầm rộ đổ về dốc Lò Trâu tập trung trước lễ đài uy nghi. Đến 3 giờ chiều, cuộc mít tinh khai mạc. Nhạc bài Tiến quân ca vang lên. Cờ đỏ sao vàng tung bay. Gần ba vạn quần chúng hân hoan hưởng những giờ phút độc lập đầu tiên trong đời, lắng nghe lời hiệu triệu của Việt Minh kêu gọi nhân dân nổi dậy giành chính quyền và thực hiện 10 chính sách của Mặt trận Việt minh. Uỷ ban khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định được thành lập, gồm 7 người do Đặng Châu Tuệ làm Chủ tịch. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Nam Định do Nguyễn Văn Hoan làm chủ tịch ra mắt nhân dân. Kết thúc cuộc mít tinh là tiếng hô khẩu hiệu của mọi người vang động khắp thành phố.

Ngay sau đó, lực lượng cách mạng phân công nhau khẩn trương kéo đi chiếm Dinh tỉnh trưởng, Trại bảo an binh, Sở Liêm phóng cùng các công sở khác. Chỉ còn Ngân hàng là nơi Nhật ngoan cố chiếm giữ với lý do phải bàn giao cho Đồng minh. Việc không chiếm được ngân hàng đã gây nhiều khó khăn về vấn đề tài chính cho chính quyền mới sau này.

Cách mạng tháng Tám ở Nam Định diễn ra nhanh gọn. Chỉ trong vòng sáu ngày (từ ngày 17-8 đến 22-8), toàn bộ chính quyền địch từ tỉnh đến huyện, đã sụp đổ hoàn toàn. Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công đã mở ra cho toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng một bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người dân.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Nam Định là đỉnh cao của cuộc vận động cứu nước hơn 80 năm ròng, là kết quả sự vận dụng đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng để giải quyết những yêu cầu cấp thiết mà phong trào cách mạng đặt ra trong tình hình mới. Đó cũng là kết quả của sức vùng lên quật khởi của hàng vạn nhân dân Nam Định theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!". Với cuộc Cách mạng tháng Tám, lịch sử Nam Định bước sang một trang mới.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com