Ngày 9-3-1945 Nhật làm đảo chính quân sự, lật đổ chính quyền thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Tại Nam Định, sau cuộc đảo chính phát xít Nhật ra sức ổn định tình hình, củng cố địa vị, lừa bịp về chính trị, khủng bố phong trào cách mạng đồng thời vơ vét tài lực phục vụ chiến tranh. Ngoài việc chiếm đóng các vị trí cũ của người của Pháp, chúng tăng cường lực lượng ở nơi xung yếu, điều thêm một trung đội lính xuống đóng ở Văn Lý (Hải Hậu) để kiểm soát bờ biển. Bảo an đoàn được xây dựng ở khắp các thôn xóm khu phố. Những hành động theo dõi, bắt bớ cán bộ và cơ sở cách mạng liên tiếp diễn ra nhất là ở thành phố. Cùng với chính sách quân sự phát xít, chính sách vơ vét kiệt quệ lương thực, thực phẩm của Nhật đã khiến cho 212.218 người dân Nam Định gục chết thê thảm trong nạn đói đầu năm 1945... Hành động áp bức, bóc lột của phát xít Nhật đã làm trào dâng ngọn sóng căm phẫn trong các tầng lớp nhân dân.
Mặc dù phát xít Nhật dùng mọi thủ đoạn để khống chế phong trào cách mạng nhưng ở nhiều nơi quần chúng đã phẫn uất tiến hành phá tài sản của Nhật, tự vệ thành phố đốt kho xăng dầu của Nhật ở bên đò Chè (Thành phố Nam Định), đốt kho đay ở làng Gạo (Vụ Bản).
Cuộc nổi dậy phá kho thóc đã mở đầu cho cao trào tổng khởi nghĩa tháng Tám. Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet) |
Tháng 4-1945, cơ quan lãnh đạo của Tỉnh uỷ được Xứ uỷ bổ sung thêm một số cán bộ nên kiện toàn được tổ chức. Ban cán sự đã họp bàn phân công cán bộ phụ trách phong trào từng địa bàn để tìm cách chắp nối phục hồi cơ sở, nhất là phong trào ở các huyện phía Nam tỉnh. Lúc này, Xứ uỷ cũng phân công Hà Kế Tấn trực tiếp phục trách phong trào cách mạng Nam Định và Hà Nam. Tháng 5-1945 Hà Kế Tấn về Nam Định triệu tập Hội nghị Ban cán sự tại Quần Liêu. Tại Hội nghị này, Ban cán sự tỉnh được Xứ uỷ chính thức công nhận do Phạm Ngọc Hồ làm trưởng ban.
Hội nghị đã nghiên cứu Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng thời thống nhất đánh giá tình hình phong trào cách mạng địa phương lúc này có nhiều điều kiện khách quan thuận lợi; kẻ thù đang trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc; nhân dân, nhất là quần chúng lao động đang sôi sục căm thù phát xít Nhật và chờ mong cách mạng. Hội nghị cũng thảo luận khắc phục tư tưởng hữu khuynh, không dám phát động phong trào quần chúng mạnh mẽ, sợ địch khủng bố và tư tưởng thiếu tin vào nghị lực cách mạng của quần chúng đang trong cơn đói kém. Hội nghị đã đi đến quyết định phát động Cao trào chống Nhật cứu nước, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa và đề ra một số việc cụ thể cần kíp.
Giữa lúc tình thế xoay chuyển nhanh chóng, có lợi cho cách mạng thì phong trào cách mạng Nam Định lại được tăng cường thêm lực lượng. Nhiều cán bộ, Đảng viên vừa thoát khỏi nhà tù đế quốc trở về đã kịp thời nắm bắt tình hình và chủ trường của Đảng và lao ngay vào hoạt động bất chấp sự theo dõi, khống chế của kẻ thù.
Sau khi Nghị quyết Hội nghị Quần Liêu được truyền đạt xuống cơ sở, phong trào cách mạng ở địa phương trỗi dậy mạnh mẽ. Bất chấp sự rình rập kiểm toả của phát xít Nhật, sách báo cách mạng vẫn lưu hành rộng rãi trong quần chúng. Ban cán sự đặc biệt coi trọng các hình thức phát tán truyền đơn, tuyên truyền xung phong, mít tinh vạch tội ác của phát xít Nhật và tay sai, kêu gọi mọi người tham gia Mặt trận Việt Minh đánh đổ phát xít. Truyền đơn của Việt Minh đã bí mật lọt vào các công sở, trại lính, ngay cả phòng làm việc của chỉ huy Nhật, bảo an binh, nơi công đường của tỉnh trưởng, huyện đường. Đặc biệt, đội tuyên truyền xung phong của tỉnh hoạt động rất tích cực, có bắn súng, đốt pháo và diễn thuyết phát tán truyền đơn liên tiếp diễn ra ở các chợ Cát Xuyên, Trà Trung (Xuân Trường); Cổ Lễ, Ninh Cường, Chợ Giá (Trực Ninh), đình làng Hưng Lễ (Nam Trực). Noi gương đội tuyên truyền xung phong các huyện Xuân Trường, Ý Yên cũng tranh thủ các buổi họp chợ để tổ chức diễn thuyết ở cá chợ Thành Cách, Khoái, Nghè, Chanh, Nhuộng để nói rõ nỗi thống khổ của nhân dân và nạn đói là do Nhật gây ra, kêu gọi nhân dân tham gia và ủng hộ Việt Minh cứu nước. Những cuộc diễn thuyết trên thu hút hàng trăm, hàng ngàn người đến dự. Tin Việt Minh diễn thuyết có cờ đỏ sao vàng, có bắn súng lan đi rất nhanh, gây hưng phấn trong nhiều quần chúng. Một số Thanh niên cứu quốc ở Hoành Nha cũng tổ chức diễn thuyết xung phong tại chợ Bể (Giao Thuỷ). Bà con bàn tán sôi nổi về Việt Minh, coi Việt Minh là vị cứu tinh của nhân dân trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng này. Những hoạt động đó khiến cho thanh thế của Mặt trận Việt Minh lên cao chưa từng thấy.
Theo: Địa chí Nam Định