Năm 1928, thực hiện chủ trương "vô sản hoá" của Kỳ bộ Bắc kỳ, các cán bộ, hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hăng hái đi vào các nhà máy, xí nghiệp lao động. Một số hội viên của các tỉnh bạn, chẳng hạn như Khuất Duy Tiến, Ngô Huy Ngụ, Mai Thị Vũ Trang, Trịnh Thị Uyển... đã về Nam Định cùng tham gia phong trào vô sản hoá. Trong quá trình cùng sống và lao động với công nhân, các hội viên, nhất là học sinh, trí thức, tiểu tư sản đã có điều kiện hiểu hơn về giai cấp công nhân, tự rèn luyện và nâng cao ý thức cách mạng cho chính bản thân mình. Qua phong trào vô sản hoá, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được truyền bá sâu rộng vào giai cấp công nhân Nam Định, từ đó giai cấp công nhân Nam Định đã tiến bộ hơn về nhận thức tư tưởng và trình độ tổ chức. Do đó đã tạo nên sự chuyển biến về chất trong phong trào đấu tranh của công nhân Nam Định những năm 1928 - 1929.
Từ khi có tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra quyết liệt, tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân nhà máy sợi Nam Định (ngày 23 tháng 11 năm 1928), cuộc đình công của toàn bộ phu kéo xe Nam Định (ngày 4 tháng 10 năm 1929), đặc biệt là cuộc bãi công của công nhân nhà máy sợi (tháng 3 năm 1929) đã gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh cả nước. Các cuộc đấu tranh đó không chỉ dừng lại ở việc đòi các quyền lợi kinh tế mà đã thể hiện rõ ý thức giai cấp, ý thức trong chính trị.
Trong quá trình lãnh đạo phong trào công nhân Nam Định, các cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã nhận thấy sự cần thiết của việc thành lập Đảng Cộng sản , bởi Hội không đủ năng lực để lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân. Cuối năm 1928, tại cuộc họp của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Từ Sơn, Bắc Ninh), Nguyễn Văn Hoan, đại biểu Tỉnh bộ Nam Định đã nêu rõ vấn đề này. Cũng trong kỳ họp của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (từ ngày 23 đến ngày 29 tháng 3 năm 1929) tại Sơn Tây, Trần Văn Lan đã đề xuất yêu cầu bức thiết của các hội viên về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để đáp ứng yêu cầu về lãnh đạo của quần chúng.
Đến đầu tháng 5 năm 1929, tại Đại hội thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc kỳ đã đưa ra đề nghị giải tán tổ chức đó và thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị này đã bị bác bỏ nên đoàn đại biểu Bắc kỳ bỏ Đại hội ra về. Đến ngày 17 tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản đảng (ĐDCSĐ) được thành lập, công bố tuyên ngôn và điều lệ của đảng và phát hành báo Búa liềm làm cơ quan tuyên truyền. Sự kiện này đã có tác động mạnh mẽ đến sự chuyển biến phong trào cách mạng ở Nam Định. Ngày 19 tháng 6 năm 1929 (chỉ 2 ngày sau khi thành lập ĐDCSĐ), Ban Tỉnh uỷ lâm thời ĐDCSĐ Nam Định được thành lập, bao gồm Nguyễn Hới (bí thư), Nguyễn Văn Ngọ và Lê Ngọc Rư. Trụ sở của Ban Tỉnh uỷ được đặt tại ngôi nhà số 12 phố Mỹ Tình và một số ngôi nhà khác ở Mỹ Xã (Mỹ Trọng). Ngay sau khi ra đời, Ban Tỉnh uỷ đã đề ra một chương trình hành động mới:
Xúc tiến xây dựng các chi bộ ĐDCSĐ, kết nạp các đảng viên mới từ các hội viên tiên tiến trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Nhanh chóng tổ chức huấn luyện và đào tạo cán bộ cho phong trào.
Phát triển các tổ chức và các cuộc đấu tranh của quần chúng.
Thực hiện chủ trương trên, Tỉnh uỷ Nam Định đã nhanh chóng bắt tay vào việc.
Về công tác tuyên truyền, Tỉnh uỷ đã thiết lập được một cơ sở in thạch đặt tại phố Hải Phòng, đường 110 (nay là đường Nguyễn Du) để in các tài liệu bí mật, truyền đơn, báo chí của Trung ương như Vô sản, Búa liềm, tờ Tiền Phong của tỉnh... Các tài liệu in ấn được phân phát tuyên truyền đến quần chúng.
Về kết nạp Đảng viên, công tác tiến hành chọn lựa và kết nạp đảng viên được tiến hành rất chặt chẽ. Đối tượng chính là những hội viên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tán thành chủ nghĩa cộng sản, tán thành chính cương của ĐDCSĐ đang hoạt động tích cực. Nếu thuộc thành phần công nhân, hoặc đã tham gia vô sản hoá sẽ được kết nạp ngay, còn nếu thuộc thành phần khác và chưa vô sản hoá thì phải trải qua thêm 6 tháng dự bị nữa. Đây thực chất là một quá trình sáng lọc về tổ chức, nâng cao ý thức giác ngộ cho các đảng viên. Đa số các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định tình nguyện tham gia vào Đảng và mong muốn được kết nạp vào Đảng. Ngay từ đợt đầu tiên, ở Nam Định đã có 250 hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được kết nạp vào Đảng. Thành phần đảng viên gồm : tiểu tư sản (18%), nông dân (35%), công nhân (40%), các thành phần khác (7%). Như vậy, lực lượng đảng viên là công - nông chiếm đa số.
Vừa mới được thành lập, Đảng bộ Nam Định đã bắt tay vào lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân. Sáng ngày 12 tháng 1 năm 1929, nhân việc đốc công Giôly (Joly) đánh một công nhân tại nhà máy đèn, chi bộ Đảng đã lập tức vận động hơn 100 công nhân bãi công, đưa các yêu sách đòi bọn chủ không được đánh thợ, phải tăng lương, không được bắt người đình công. Trước áp lực đấu tranh của công nhân, bọn chủ đã chấp nhận các yêu sách. Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng giành được thắng lợi, có tác dụng cổ vũ tinh thần đấu tranh của công nhân Nam Định.
Cũng trong năm 1929, nhiều hình thức đấu tranh liên tiếp nổ ra ở các địa phương. Nhân ngày chống đế quốc chiến tranh 1 - 8, hầu hết những nơi có cơ sở Đảng ở Thành phố Nam Định, các huyện Ý Yên, Xuân Trường, Trực Ninh đều treo cờ búa liềm, rải truyền đơn...
Nhằm đưa quần chúng ở Nam Định vào các tổ chức công hội và nông hội, Trung ương ĐDCSĐ đã cử Trần Văn Sửu về Nam Định xây dựng Công hội đỏ. Đến giữa tháng 7 năm 1929, Tổng Công hội đỏ Nam Định được thành lập, với nhiều cơ sở trong các nhà máy, xí nghiệp.
Việc thành lập Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước chuyển biến về chất của phong trào cách mạng địa phương. Từ đây, phong trào cách mạng địa phương đã có Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo và phát triển với quy mô ngày càng lớn. Tuy vậy, Đông Dương Cộng sản Đảng cũng chưa có Cương lĩnh hoàn chỉnh, chưa chỉ đạo việc chuyển đảng một cách chặt chẽ, làm cho nhiều đảng viên chưa được giáo dục, rèn luyện kỹ về lập trường quan điểm. Tình hình đó đã ảnh hưởng tới tinh thần đấu tranh của Đảng bộ sau này.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng bộ Cộng sản Nam Định đã tỏ rõ tính chiến đấu và khả năng tổ chức của mình bằng việc phát động nhiều cuộc đấu tranh sôi nổi ở các nhà máy. Chỉ trong vòng hơn một tháng đã nổ ra 4 cuộc bãi công của thợ Máy Đèn (19-6), thợ nề (4-7) và từ ngày 7 đến ngày 18-7-1929 thợ Nhuộm, thợ guồng nhà máy Sợi bãi công. Từ ngày 20 đến ngày 21/7/1929 nữ công nhân Máy Lờ tiếp tục bãi công. Tất cả các cuộc bãi công đều thu được thắng lợi.
Theo Địa chí Nam Định
[links()]