Từ giữa năm 1926 đến đầu năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phát triển mạnh về Nam Định thông qua 3 nguồn chính: Nguồn thứ nhất là những học sinh của trường Thành Chung, sau khi sang Quảng Châu tham dự các khoá huấn luyện và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã về Nam Định, Thái Bình và các tỉnh lân cận để gây dựng phong trào. Nguồn thứ hai gồm các nhà Nho, nhà giáo hoạt động trong nhóm "Tập Kinh khách sạn" ở Nam Định có quan hệ với các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội, đã tích cực vận động xây dựng phong trào ở địa phương. Nguồn thứ ba là các hội viên ở tỉnh ngoài được Hội cử về hoạt động tại Nam Định như Đào Đình Mẫn (Thái Bình), Đỗ Quang Nhân, Lê Thiều Hưng (Thanh Hoá), Nguyễn Tường Thuý (Nghệ An).
Tuy chỉ có ít hội viên ban đầu, nhưng với sự năng động, tích cực hoạt động xây dựng phong trào nên đến cuối năm 1927 ở Nam Định đã có đến 8 chi hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đó là các chi hội đường phố, chi hội giáo dục, chi hội ghép của các công nhân, chi hội học sinh của trường Thành Chung, chi hội học sinh trường Cửa Bắc và chi hội công nhân nhà máy sợi Nam Định, với hàng chục các hội viên. Thành phần tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ yếu là học sinh, giáo viên, công nhân và những người yêu nước khác.
Tháng 9 năm 1927, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã cử Nguyễn Danh Đới đại diện cho Kỳ bộ về Nam Định tổ chức họp mặt với 3 cán bộ chủ chốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định là Nguyễn Văn Hoan, Vũ Huy Hào và Trần Trung Tín. Cuộc họp đã diễn ra tại khu nghĩa địa Hoa kiều (Mỹ Xá, Thành phố Nam Định). Tại cuộc họp này, các thành viên đã cùng nhau đánh giá lại tình hình hoạt động, bàn bạc phương hướng thống nhất bước đầu về tổ chức của Hội ở Nam Định, đưa phong trào tranh đấu của công nhân và nhân dân lao động tiếp tục tiến lên. Một Ban Chấp hành tỉnh bộ lâm thời gồm ba người do Nguyễn Văn Hoan làm bí thư đã được thành lập.
Ngay sau khi thành lập, Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Để giúp đỡ phong trào cách mạng ở tỉnh bạn, Tỉnh bộ đã quyết định cử các đồng chí Vũ Khế Bật, Đào Gia Lựu và Nguyễn Hữu Tiến sang Hà Nam để phát triển các cơ sở Hội.
Trong thời kỳ này, nhiều sách báo, tài liệu cách mạng, đặc biệt là cuốn Đường Kách mệnh đã được bí mật chuyển về Nam Định. Đây là cuốn sách tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện tại Quảng Châu, là một tác phẩm lý luận sắc bén, gợi mở những phương pháp cách mạng và được xem như cẩm nang đối với các nhà hoạt động cách mạng ở Nam Định. Việc thành lập Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và sự tiếp nhận cuốn Đường Kách mệnh đã có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong phạm vi toàn tỉnh và sự chuyển hướng đấu tranh cứu nước theo khuynh hướng vô sản. Đến cuối năm 1928, các chi hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lan rộng đều trên phạm vi toàn tỉnh, từ thành phố xuống nông thôn. Tại thành phố Nam Định, nhiều chi hội mới được thành lập trong các nhà máy, trường học, hãng buôn... Tại các huyện Ý Yên, Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu... đều có các chi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và phát triển mạnh.
Sự phát triển nhanh, mạnh của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định đã thu hút sự quan tâm và giúp đỡ của Kỳ bộ Bắc kỳ. Tháng 4 năm 1928 Kỳ Bộ đã cử Trịnh Đình Cửu về Nam Định mở lớp huấn luyện thêm cho các cán bộ của tỉnh. Tại lớp học, các học viên có dịp được hiểu biết thêm về lý luận cách mạng, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, cách mạng tháng tháng Mười, chế độ Xô viết, các tổ chức cách mạng, và các bước công tác cách mạng...
Không chỉ tổ chức các chi hội bí mật, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định đã biết lợi dụng các tổ chức công khai như Hội bóng đá, Hội hiếu, phường họ để tuyên truyền, vận động quần chúng. Với sự hoạt động tích cực của mình, đến cuối năm 1928, một số nhà máy, xí nghiệp ở Nam Định đã thành lập được các tiểu tổ công hội. Còn nông dân cũng lập được tổ chức nông hội ở một vài nơi. Sự lớn mạnh của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định đã có tác động đến sự phân hoá trong tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng, một số hội viên của tổ chức này đã chuyển sang hàng ngũ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên như Nghiêm Tử Trình, Phạm Tuân.
Tháng 9 năm 1928, Tỉnh bộ lâm thời đã triệu tập hội nghị đại biểu Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định. Tham dự Hội nghị có 6 đại biểu là Trần Văn Lan, Trần Quang Tặng, Đào Gia Lựu, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Văn Hoan, Vũ Huy Hào. Tại cuộc họp, các đại biểu cùng nhau tiến hành kiểm điểm đánh giá kết quả sau hơn một năm hoạt động, đồng thời đề ra các nội dung công tác trong thời kỳ tới, cử đại diện đi tham dự Hội nghị Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã quyết định bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ chính thức, gồm 3 người là Nguyễn Văn Hoan (bí thư), Đào Gia Lựu và Vũ Huy Hào. Bước sang năm 1929, Nguyễn Văn Hoan nhận trách nhiệm của Kỳ bộ Bắc kỳ đã chuyển sang Ninh Bình để phát triển cơ sở Hội tại đây. Tỉnh bộ mới được thành lập với gồm có ba người là Nguyễn Văn Phúc (bí thư), Phạm Gia và Đào Gia Lựu.
Như vậy chỉ trong khoảng gần 3 năm hoạt động, từ các hội viên đầu tiên, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định đã không ngừng lớn mạnh với nhiều các chi hội ở thành phố và địa phương. Công tác tổ chức cũng không ngừng được củng cố và kiện toàn để đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tuy trong khoảng thời gian này, hoạt động chủ yếu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định nặng về xây dựng cơ sở trong quần chúng nhân dân, nhưng Hội cũng đã chú trọng đến việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và tham gia vào các cuộc đấu tranh của công nhân.
Các hội viên rất tích cực tham gia vào hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các lớp huấn luyện cấp tốc được mở ra khắp nơi, từ tập trung đến phân tán, thậm chí có lớp chỉ có vài ba người. Tài liệu sách báo cách mạng từ nước ngoài gửi về được các hội viên truyền tay nhau đọc và phổ biến cho quần chúng. Nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp cũng đã được chi hội trường học dịch ra tiếng Việt để phục vụ công tác bồi dưỡng và phát triển tổ chức.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]