Phong trào Đông Du và Phong trào Nghĩa Thục ở Nam Định

10:10, 04/10/2012

Sau cuộc cải cách Minh Trị năm 1868, nước Nhật đã tiến nhanh trên con đường hiện đại hoá, và trở thành một nước tư bản hùng mạnh ở Châu Á.  Ở Việt Nam, sau thất bại của phong trào Cần Vương, trong các các sĩ phu yêu nước xuất hiện xu hướng đi tìm ngoại viện. Nhật Bản trở thành nơi gửi gắm kỳ vọng cứu nước của nhiều sĩ phu.

Năm 1905 Phan Bội Châu sang Nhật. Kế sách xuất dương sang Nhật của Phan Bội Châu đã làm dấy lên phong trào Đông Du sôi nổi trong khoảng thời gian từ 1905 - 1908. Nhiều người đã quyên góp tiền của giúp đỡ các thanh niên sang Nhật du học.

Khi về nước, bản thân Phan Bội Châu cũng tích cực đi các nơi trong nước để trực tiếp vận động. Ông đã đến Nam Định 3 lần và gặp được ông Đàm Trí Trạch, người làng Địch Trạch, Vụ Bản  cùng nhiều sĩ phu yêu nước tiến bộ khác. Sau những lần gặp gỡ với cụ Phan, ông Trạch đã đứng ra tích cực vận động nhân dân trong tỉnh quyên góp tiền của giúp đỡ cho các học sinh sang Nhật du học, nhà ông cũng trở hành điểm gặp gỡ của những người có chung chí hướng. Một số thanh niên trí thức của tỉnh như Đặng Hữu Bằng, Đặng Tử Mẫn ...đã lên đường xuất dương.

 Ông Vũ Văn Thụy (tức Hàn Lĩnh) ở làng Thanh Cầu (xã Nam Tiến, huyện Nam Trực) là một trong những người hăng hái tham gia phong trào Đông Du. Năm 1907, ông tổ chức cho một nhóm thanh niên xuất dương do Đoàn Thám Hải (tức Tú Tuyết) dẫn đầu. Thật không may những việc này bị thực dân Pháp phát hiện, cả nhóm bị bắt, duy chỉ có ông Đinh Trọng Liên trốn thoát sang Xiêm hoạt động.

Ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự, thành phố Nam Định để gặp gỡ với các sĩ phu yêu nước, tiến bộ ở đây bàn về việc phát triển nghĩa thục trên đất Thành Nam
Ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự, thành phố Nam Định để gặp gỡ với các sĩ phu yêu nước, tiến bộ ở đây bàn về việc phát triển nghĩa thục trên đất Thành Nam

Trường Đông Kinh nghĩa thục (ĐKNT) theo mô hình Khánh Ứng Nghĩa Thục của Nhật, nghĩa là có cư xá, thư viện. Nội dung học tập chú trọng đến các môn khoa học tự nhiên và thực nghiệm như Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh vật, Địa lý, Kỹ thuật... Trường rất chú trọng đến dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp vì theo quan điểm của nhà trường thì có học ngoại ngữ mới có thể tiếp thu được những thành tựu từ bên ngoài. Bên cạnh đó, trường rất quan tâm đến việc dạy lịch sử nhằm thức tỉnh lòng tự hào dân tộc và chí khí đấu tranh của nhân dân. Trường cũng khuyến khích sáng tác thơ văn để  tuyên truyền cho nếp sống mới, chống lối học cũ, bài trừ hủ tục, kêu gọi dùng đồ nội hoá và khơi dậy lòng yêu nước...

Trào lưu cấp tiến thấm đẫm nội dung yêu nước của ĐKNT đã nhanh chóng tìm được cơ sở xã hội trong đông đảo các tầng lớp quần chúng. Ảnh hưởng của phong trào nghĩa thục lan đến Nam Định, một vùng đất có bề dày truyền thống hiếu học và đấu tranh bất khuất, được nhân dân ở đây hưởng ứng mạnh mẽ.

Ông Lương Văn Can, một lãnh tụ của phong trào ĐKNT, đã nhiều lần đến ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự, thành phố Nam Định để gặp gỡ với các sĩ phu yêu nước, tiến bộ ở đây bàn về việc phát triển nghĩa thục trên đất thành Nam, đồng thời cung cấp các tài liệu của ĐKNT để vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia. Ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự trở thành một điểm hẹn các sĩ phu yêu nước cấp tiến của Nam Định. Họ cùng nhau tụ họp về đây cùng bàn luận việc nước. Một  phong trào canh tân xã hội, thực hiện nếp sống mới, đổi mới cách học đã diễn ra sôi nổi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê. Nhiều sĩ phu đã đứng lên vận động và tổ chức nhân dân đào giếng, đắp đường, thực hiện nếp sống vệ sinh sạch sẽ, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong hội hè, đình đám, ma chay, cưới xin... lập nghĩa sương để giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn. Nhà giáo Bùi Trình Khiêm đã dùng những áng thơ văn của ĐKNT để dạy cho các học trò của mình, khơi gợi và kích thích lòng yêu nước chống Pháp. Tú tài Lương Văn Thăng ở Lũ Phong cũng mở trường dạy học, truyền bá thơ văn của ĐKNT để tuyên truyền và giáo dục lòng yêu nước cho các học sinh và thanh niên địa phương. Ông Phạm Cao Đàm ở Châu Bạc (nay thuộc xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản) đã thành lập hội Đồng Ích, tập hợp các sĩ phu yêu nước tiến bộ cùng bàn việc nước, bình thơ văn của ĐKNT.

Lo sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, thực dân Pháp đã tìm cách câu kết với Nhật Bản nhằm dập tắt phong trào. Pháp và Nhật đã ký với nhau một hiệp ước, theo đó Pháp đồng ý cho Nhật vào buôn bán ở Việt Nam, còn về phần mình Nhật cam kết không để cho các nhà yêu nước Việt Nam trú ngụ và hoạt động trên đất Nhật. Phan Bội Châu và các du học sinh bị trục xuất. Ở trong nước, Pháp ra lệnh đóng cửa các trường nghĩa thục. Phong trào Đông Du tan rã vào cuối năm 1908.

Mặc dù cuối cùng đều thất bại, nhưng cả hai phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân cả nước nói chung, Nam Định nói riêng, bước đầu tấn công vào ý thức hệ phong kiến, mở đường cho một luồng tư tưởng mới, tư tưởng dân chủ tư sản, trên cơ sở đó đã góp phần chuẩn bị về mặt tinh thần cho các phong trào đấu tranh rộng lớn sau đó.

Theo Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com