Dưới tác động của các trào lưu tư tưởng cách mạng, phong trào dân tộc ở Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất phát triển sôi nổi và nhanh chóng chuyển mình sang một giai đoạn mới.
Phong trào đòi tự do dân chủ được dấy lên từ năm 1923, rồi phát triển tới đỉnh cao vào những năm 1925 - 1926, với hai cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh.
Vào tháng 6 năm 1925, để ngăn chặn các hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu, mật thám Pháp đã bắt cóc Cụ ở Trung Quốc, rồi đưa về giam giữ tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), dự định bí mật thủ tiêu. Tin cụ Phan Bội Châu - một nhà yêu nước lớn được nhân dân kính trọng - bị bắt nhanh chóng được lan truyền rộng rãi, tạo ra một xúc cảm mạnh mẽ trong các tầng lớp dân chúng cả nước. Một làn sóng đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu nhanh chóng được dấy lên. Nhân dân Nam Định cũng tích cực tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thả nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Trước áp lực đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, thực dân Pháp buộc phải đem cụ Phan ra xét xử công khai. Ngày 23 tháng 11 năm 1925, nhiều thanh niên, trí thức yêu nước ở Nam Định đã lên Hà Nội, vừa để bày tỏ lòng tôn kính, ái mộ cụ Phan, vừa để gây áp lực với toà án thực dân.
Tại phiên toà, trước Hội đồng xử án cùng đông đảo quần chúng nhân dân, tú tài Nguyễn Khắc Doanh người làng Dầm, xã Nam Bình, huyện Nam Trực đã can đảm tự nguyện xin chết thay cho cụ Phan. Nghĩa cử này của ông đã được nhiều báo đưa tin và bình luận, thực sự gây xúc động lòng người, kích thích tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới học sinh và trí thức trong cả nước.
Cũng giống như các nơi khác, tại Nam Định, công nhân, thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức... đã làm đơn, lấy chữ ký gửi Toàn quyền Varenne đòi thả cụ Phan.
Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, thực dân Pháp buộc phải huỷ bỏ bản án chung thân khổ sai, ân xá cho Phan Bội Châu, và đưa cụ về an trí tại Huế.
Trong khi thắng lợi của cuộc đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu còn để lại những dư âm tốt đẹp trong lòng người dân Nam Định thì ngày 16-3-1926 cụ Phan Châu Trinh - một trong những lãnh tụ được mến mộ nhất của phong trào yêu nước Việt Nam từ trần. Tin cụ mất đã thực sự gây xúc động lớn trong mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh ở Sài Gòn đã lan rộng trên phạm vi cả nước.
Hoảng sợ trước sự phát triển rầm rộ của phong trào, thực dân Pháp đã ra lệnh cấm tổ chức truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Hành động này không những không cấm được mà càng làm cho phong trào phát triển mạnh hơn, trong đó học sinh và sinh viên là lực lượng hăng hái nhất.
Tại Nam Định, một số trí thức tiến bộ như Tú Du, Tú Khắc, Cử Bình đứng ra xin phép nhà cầm quyền tổ chức lễ truy điệu cụ Phan, nhưng đã không được chấp thuận. Lập tức học sinh trong trong các trường học ở Thành phố Nam Định mà nòng cốt là học sinh trường Thành Chung đã bãi khoá để biểu thị sự phản đối quyết định trên của chính quyền thực dân. Đồng thời các học sinh đã toả ra các đường phố, khu lao động vận động nhân dân cùng phối hợp đấu tranh. Cuộc đấu tranh của các học sinh đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Để đối phó lại, chính quyền thực dân ở Nam Định đã bắt khoảng 200 học sinh mà chúng nghi là cầm đầu về giam tại Sở Cẩm tra xét. Hành động đàn áp của chính quyền càng làm cho quần chúng thêm phẫn nộ, cương quyết đấu tranh mạnh mẽ hơn. Cuối cùng thực dân Pháp đã phải nhượng bộ, cho phép nhân dân được tổ chức lễ truy điệu cụ Phan.
Lễ truy điệu cụ Phan được nhân dân Nam Định tổ chức trọng thể tại nghĩa trang Bắc Tế (Mỹ Trọng, Mỹ Xá, ngoại thành Nam Định). Hôm tổ chức tang lễ, có hàng nghìn người đến nghĩa trang dự lễ truy điệu. Tham dự buổi lễ trọng thể này không chỉ có người dân Nam Định mà còn có nhiều người đến từ Hà Nam, Thái Bình. Trước bàn thờ, người dân Nam Định trang trọng treo ảnh cụ Phan và đôi câu đối:
" Truy điệu Tây Hồ nhật
Hoán tỉnh quốc dân hồn."
(Ngày truy điệu Tây Hồ
Thức tỉnh hồn dân nước).
Lễ truy điệu thể hiện sự tiếc thương vô hạn của người dân Nam Định đối với một nhà yêu nước lớn của dân tộc, thức tỉnh lòng yêu nước trong nhân dân. Đồng thời đây cũng là dịp người dân Nam Định biểu dương lực lượng, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ.
Sau lễ truy điệu, chính quyền thực dân Pháp đã tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của phong trào. Chúng sa thải một số công nhân, đuổi học nhiều học sinh đã tham gia phong trào đấu tranh đòi truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Chỉ tính riêng trường Thành Chung, 54 học sinh bị đuổi hẳn, trong đó có những người sau này trở thyành những lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam như Đặng Xuân Khu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tường Loan... và 63 học sinh khác bị đình chỉ có thời hạn, nhiều học sinh khác bị cấm thi và lưu ban. Một số thầy giáo cũng bị thuyên chuyển.
Hành động trấn áp của chính quyền thực dân đã không làm nhụt được ý chí của tầng lớp thanh niên, học sinh và trí thức Nam Định. Một số học sinh bị đuổi học và tự thôi học đã quyết chí ra đi tìm con đường mới để cứu nước. Có những người vượt biên giới sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham dự các khoá huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc, được kết nạp vào Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam, sau này trở về nước đã trở thành những hạt nhân trong các phong trào đấu tranh yêu nước theo khuynh hướng vô sản.
Theo Địa chí Nam Định
[links()]