Sau khi quân Pháp chiếm được thành, lực lượng kháng chiến gồm quân binh và dân binh ở Nam Định đã rút về các vùng Mỹ Trọng, Cầu Gia, Tiểu Cốc, xây dựng tuyến phòng thủ bao vây quân địch. Lực lượng kháng chiến ở đây ngày đêm quấy nhiễu quân Pháp ở trong thành, khiến cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên, luôn lo sợ vì có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.
Sau mấy tháng trời bị uy hiếp, quân Pháp quyết định tập trung lực lượng để phá vỡ tuyến bao vây của quân ta. Ngày 19-7-1983, địch đã huy động một binh lực lớn gồm 450 tên, với sự yểm trợ của tàu chiến nống ra càn quét ở Tiểu Cốc. Sau những trận giao chiến kịch liệt giữa hai bên, quân ta đã phải rút lui khỏi Tiểu Cốc, Cầu Gia và Mai Xá để bảo toàn lực lượng kháng chiến.
Trong khi quân dân Bắc Kỳ nói chung, quân dân Nam Định nói riêng đang sục sôi khí thế đánh Pháp, vua tôi triều Nguyễn lại do dự và cuối cùng đã đi tới quyết định ký hoà ước Hácmăng (Harmand) ngày 25-8-1883 và điều ước Patơnốt (Patenôtre) ngày 6-6-1884.
Công phẫn trước sự phản bội trắng trợn lợi ích dân tộc của nhà Nguyễn, cùng với nhân dân cả nước nhân dân Nam Định bất chấp lệnh bãi binh của triều đình vẫn tiếp tục đứng lên cầm vũ khí chiến đấu với quân thù. Nhiều đội dân binh vẫn tiếp tục hình thành. Dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu và nhân dân vùng Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên và Hải Dương vẫn tích cực chuẩn bị cho những trận sống mái với quân "bạch quỷ".
Tháng 7 năm 1885 vua Hàm Nghi khởi nghĩa ở kinh thành Huế và sau đó ban chiếu "Cần Vương". Sĩ dân Nam Định đã lập tức đứng lên đáp lời kêu gọi của vị vua yêu nước. Tiêu biểu cho phong trào Cần Vương ở xứ thành Nam là các cuộc khởi nghĩa của Phạm Nhân Lý, Tạ Hiện, Phạm Trung Thứ…
Căn cứ An Hoà lừng danh trong kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất (1873) nay lại được dựng lên đánh Pháp. Chỉ huy nghĩa quân ở đây là Phạm Nhân Lý và Đinh Công Tráng. Cùng thời gian An Hoà kháng chiến thì Nguyễn Xuân Giá cũng tổ chức nghĩa quân đánh Pháp tại vùng Đề Cốc. Sau một thời gian chiến đấu với nhiều lần tấn công ác liệt, quân Pháp mới phá vỡ hai căn cứ này. Nguyễn Xuân Giá bị địch bắt và xử tử vào ngày 6-5-1884. Phạm Nhân Lý và Đinh Công Tráng kéo quân rút vào vùng Thanh Hoá, phối hợp cùng nhân dân ở đây xây dựng căn cứ Ba Đình tiếp tục đánh Pháp.
Trong khoảng thời gian từ năm 1886 đến năm 1891, đề đốc Tạ Hiện nhiều lần tổ chức và chỉ huy quân sĩ đánh tập kích vào các đồn bốt, phục kích các cánh quân tuần tiễu của địch. Trận tập kích vào Vĩnh Trụ năm 1887, nghĩa quân đã bắt sống và xử tử tên phản quốc Vũ Văn Báo. Trong trận phục kích tại đền Trần (năm 1888) nghĩa quân Tạ Hiện đã tiêu diệt được nhiều tên địch. Tạ Hiện còn cho nghĩa quân của mình phá kỳ thi Hương ở Nam Định, vận động các sĩ tử bỏ thi chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa của Tạ Hiện đã thực sự gây cho quân Pháp nhiều phen kinh hoàng, khiếp vía.
Cuộc khởi nghĩa do Phạm Trung Thứ lãnh đạo cũng là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn đáng chú ý ở Nam Định. Phạm Trung Thứ từng tham gia nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Nhưng sau khi nghĩa quân Bãi Sậy gặp nhiều khó khăn và chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật bỏ sang Trung Quốc, ông đã về quê tổ chức kháng chiến. Căn cứ kháng chiến của ông được đặt tại làng Thượng Đồng (xã Yên Tiến, Ý Yên). Tại đây ông cùng với Đỗ Công Thiềm, Phạm Văn Sắt, Phạm Văn Thi, Nguyễn Thế Thị, Phạm Kim Thảo…chiêu mộ nghĩa quân, tích trữ lương thực, sắm sửa vũ khí, tổ chức đội ngũ chiến đấu. Nhân dân nhiều nơi đã tìm đến Thượng Đồng để tham gia chiến đấu. Sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 12 năm 1889 Phạm Trung Thứ trực tiếp chỉ huy nghĩa quân đánh trận mở đầu vào Phong Doanh, bắt sống được tri huyện Nguyễn Quỹ đem về đình làng Thượng Đồng xử tử.
Trước tinh thần hăng hái chiến đấu của quân sĩ, Phạm Trung Thứ tổ chức lực lượng đi đánh chiếm tỉnh lỵ Ninh Bình. Thực dân Pháp đã phát hiện cuộc hành binh của nghĩa quân nên đã đem quân chặn đánh. Nghĩa quân vừa chiến đấu, vừa rút về khu căn cứ để bảo toàn lực lượng. Ngày 10 tháng 12 năm 1889, quân Pháp tấn công làng Thượng Đồng, hai bên đã giao tranh kịch liệt. Nghĩa quân đã biết lợi dụng địa hình để phản công quân địch, khiến quân Pháp buộc phải phá vây tháo chạy. Thiếu uý Sôrơđông đã bị nghĩa quân giết tại trận.
Sau trận đánh này, đoán biết thế nào quân Pháp cũng sẽ quay lại tấn công căn cứ. Phạm Trung Thứ đã quyết định rút quân về vùng núi Nê (xã Yên Lợi, Ý Yên) xây dựng căn cứ mới. Sau đó, quân Pháp liên tục đánh phá vào căn cứ của nghĩa quân. Trong thế so sánh tương quan lực lượng chênh lệch không có lợi cho nghĩa quân, Phạm Trung Thứ đã buộc phải phân tán lực lượng của mình về các địa phương. Làng Thượng Đồng của ông đã bị quân địch triệt hạ.
Nhìn chung lại, ngay từ buổi đầu thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Nam Định đã cùng với nhân dân cả nước tích cực tham gia kháng chiến chống quân xâm lược. Nam Định thực sự thành một trung tâm kháng chiến chống Pháp trên đất Bắc. Dưới ngọn cờ của các văn thân sĩ phu yêu nước, bằng máu xương của mình, nhân dân Nam Định đã viết tiếp những trang sử đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của quê hương.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]