Tuy phải thoả hiệp với đấu tranh của công nhân, nhưng ngay sau đó chính quyền thực dân phong kiến tiến hành vây bắt các cán bộ lãnh đạo cách mạng. Ngày 6-5-1930, chúng vây ráp cơ quan Tỉnh uỷ ở ngõ Hàng Kẹo, bắt được Nguyễn Hới đang bàn giao phong trào cho Trần Văn Sửu- bí thư Tỉnh uỷ mới do Trung ương đề cử về cùng với hai cán bộ khác. Trước tình hình đó, các cán bộ chủ chốt ở Nam Định đã chủ động lập lại Ban Tỉnh uỷ. Ban Tỉnh uỷ mới do Khuất Duy Tiến làm bí thư.
Là một trong ba trung tâm lớn ở Bắc Kỳ nơi có phong trào đấu tranh rầm rộ của giai cấp công nhân, Nam Định đã được Thường vụ Trung ương Đảng chọn để khảo sát thực tế, trên cơ sở đó xây dựng luận cương chính trị của Đảng. Tháng 7-1930, được Trung ương giao nhiệm vụ, Trần Văn Lan đã đưa Trần Phú về Nam Định để khảo sát phong trào và đời sống của công nhân. Trần Phú đã dành nhiều thời gian để khảo sát phong trào công nhân, xuống họp trực tiếp với các chi bộ công nhân nhà máy sợi để nắm tình hình cơ sở, làm việc với Ban Tỉnh uỷ Nam Định.
Sau khi được củng cố, Tỉnh uỷ quyết định trên cơ sở thắng lợi của cuộc đấu tranh ngày 25-3 kêu gọi công nhân tiếp tục đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, nông dân đòi giảm sưu, thuế, bãi bỏ hội đồng cải lương và sổ chi thu. Phong trào có tiến triển rõ rệt và lan ra chiều rộng. Từ ngày 25-7 đến ngày 25-9 liên tiếp nổ ra 6 cuộc bãi công, biểu tình của công nhân xưởng dệt nhà máy Sợi và nhà máy Tơ.
Lúc này phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh lên mạnh, chính quyền thực dân đang khủng bố dữ dội các cuộc đấu tranh của quần chúng. Thực hiện chủ trương của Trung ương "ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ" và "chống khủng bố trắng", đảng bộ đã lãnh đạo công nhân toàn thành phố tổ chức mít tinh truy điệu 8 nông dân Tiền Hải (Thái Bình) bị địch bắn chết trong cuộc biểu tình ngày 14-10-1930. Theo dự định cuộc mit tinh sẽ diễn ra vào ngày 22-10. Kế hoạch bị lộ, nhà cầm quyền tung lực lượng mật thám, lính khố xanh chống phá ngăn chặn quần chúng, song cuộc mít tinh vẫn được tổ chức. Tuy cuộc mít tinh diễn ra không trọn vẹn như kế hoạch, nhưng máu của công nhân Nam Định đã đổ vì những người bạn nông dân lao khổ. Thái độ bất khuất của những chiến sĩ cách mạng bị bắt như Ngô Huy Ngụ, Trần Đình Quỳ...trước quần chúng cách mạng đã để lại niềm xúc động sâu sắc và là những tấm gương sáng ngời cho quần chúng cách mạng noi theo, ngay kẻ thù cũng phải kính phục.
Phối hợp với phong trào công nhân, nông dân các địa phương cũng tích cực tham gia đấu tranh. Ở Ý Yên, các chi bộ Đảng vận động quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực. Phụ nữ thôn Xuất Cốc không đi cấy thuê cho bọn địa chủ để phản đối địa chủ hạ công. Nhân dân nhiều làng ký đơn kiện lý trưởng lạm bổ trong thu thuế khiến tri huyện Ý Yên phải lệnh cho lý trưởng thu đúng thuế quy định.
Đến cuối năm 1930 phong trào cả nước đã dâng thành cao trào đòi hỏi Đảng phải có cương lĩnh hoàn chỉnh để lãnh đạo cách mạng toàn quốc. Tháng 10-1930 Trung ương đã họp hội nghị lần thứ nhất thông qua Luận cương Chính trị và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương. Nhờ Luận cương của Đảng, Tỉnh uỷ Nam Định đã khắc phục được thiếu sót trước đó trong đấu tranh xây dựng Đảng, tăng cường công tác tư tưởng, quan tâm đúng mức tới công tác nông vận, tăng cường cán bộ cho nông thôn đi sâu phát động quần chúng nhân dân đấu tranh. Tỉnh uỷ còn cử Nguyễn Doãn Chấp - Tỉnh uỷ viên chắp mối lại toàn bộ cơ sở nông thôn trong tỉnh và cả Ninh Bình, tạo đà cho phong trào nông thôn phát triển.
Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga năm 1930, đảng bộ lại phát động một đợt hoạt động mạnh mẽ để đẩy phong trào cách mạng địa phương lên một bước. Ở nông thôn nhiều nơi tổ chức treo cờ, rải truyền đơn để kỷ niệm. Ở thành phố học sinh tổ chức rải truyền đơn trên các đường phố, tối 6-11 thành phố rung lên trong 6 tiếng nổ lớn, sáng 7-11 pháo nổ trước cổng máy sợi, công nhân hò reo vang dậy. Đến tối, thợ máy đèn làm chập điện ở nhiều nơi trong thành phố.
Những hoạt động đó khiến cho chính quyền thực dân địa phương hoảng hốt, liền ra lệnh vây ráp bắt đi 54 đảng viên và quần chúng cách mạng giam tại Đề lao Nam Định. Đến cuối năm 1930 hầu hết các Tỉnh uỷ viên bị bắt hoặc chuyển công tác. Ban Tỉnh uỷ mới được kiện toàn do Bùi Xuân Mẫn làm bí thư. Tỉnh uỷ mới tập trung chỉ đạo những việc cần kíp, trong đó chú trọng phục hồi củng cố cơ sở ở thành phố sau khủng bố. Thời gian này, cơ quan chỉ đạo của xứ uỷ cũng đặt tại phố Hàng Đồng. Nam Định trở thành đầu mối giao thông liên lạc của xứ uỷ với các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình.
Nhằm thống nhất sự chỉ đạo phong trào nông thôn, tháng 2-1931, tỉnh uỷ tổ chức hội nghị "thôn bộ" tại Phúc Chỉ, huyện Ý Yên. Sau hội nghị thôn bộ, cùng với tờ báo Tiền Phong, tỉnh uỷ còn xuất bản thêm tờ báo "Nông dân" (sau đổi tên là Hưởng ứng) để tuyên truyền đường lối cách mạng cho đảng viên và quần chúng nông thôn. Nhờ công tác tuyên truyền không mệt mỏi, phong trào đấu tranh của nông dân ở bước phát triển rõ rệt. Trong nửa đầu năm 1930, đấu tranh của nông dân đã nổ ra ở Xuân Trường, Ý Yên, Giao Thuỷ. Mục tiêu đấu tranh lúc đầu là chống địa chủ cường hào, vì quyền lợi kinh tế sau đã tiến lên biểu tình có vũ trang tự vệ. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh khất sưu thuế vào giữa năm 1931 ở Phong Doanh, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Xuân Trường.
Phong trào của công nhân, nông dân đã thúc đẩy thanh niên học sinh đấu tranh. Tại Thành phố Nam Định học sinh trường Thành Chung đấu tranh chống lại một số giáo sư người Pháp có hành động xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc của học sinh Việt Nam v.v...
Được thử thách qua thực tế đấu tranh, phong trào cách mạng và đội ngũ cán bộ, đảng viên lớn mạnh không ngừng. Tháng 3-1931, số đảng viên toàn tỉnh mặc dù bị địch khủng bố vẫn có tới 150 đảng viên thuộc 16 trường học, đường phố, nhà máy, và 30 thôn, xã. Có 295 đoàn viên công hội; 200 hội viên nông hội; 22 đoàn viên Đoàn thanh niên phản đế. Tổ chức phụ nữ cũng hình thành ở một số nơi thuộc huyện Ý Yên, Giao Thuỷ. Các tổ chức quần chúng biến tướng như hội hiếu, hội cấp, hội góp ống... cũng hình thành ở các vùng nông thôn thu hút nhiều quần chúng tham gia. Từ đó Đảng có điều kiện từng bước giáo dục, giác ngộ quần chúng.
Từ thực tế nỗi đau khổ nước mất, nhà tan, lại được Đảng tuyên truyền, giáo dục, nhân dân Nam Định đã sôi sục đấu tranh đòi các quyền lợi kinh tế và chính trị. Suốt quá trình đó (1930-1931), không lúc nào kẻ thù ngừng tấn công phá hoại phong trào cách mạng với chính sách hai mặt: Mua chuộc và khủng bố trắng gây những tổn thất không nhỏ cho phong trào cách mạng địa phương. Trong 2 năm 1930-1931, địch đã bắt trên 200 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng, hầu hết các tỉnh uỷ viên, đảng viên cốt cán trong tỉnh, đảng viên ở thành phố đều bị bắt. Chúng đưa ra toà Nam án xử thật nặng bằng hình luật Gia Long để răn đe quần chúng. Sau nhiều đợt địch khủng bố ở thành phố, nông thôn, phá vỡ cơ quan Tỉnh uỷ, Xứ uỷ, đến tháng 1-1932, Ban Tỉnh uỷ cuối cùng của Nam Định bị bắt. Từ đây phong trào cách mạng địa phương bước vào thời kỳ thoái trào.
Cao trào cách mạng 1930-1931 đã ghi lại một trang sử vẻ vang trong lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân Nam Định. Đây là cuộc vận động cách mạng sâu rộng của Đảng và quần chúng nhân dân, bước đầu xây dựng được khối công nông liên minh trên thực tế và góp phần mở đầu một cao trào đấu tranh mới trong cả nước.
Theo Địa chí Nam Định
[links()]