Giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật

05:10, 12/10/2012

Chùa Phổ Minh cùng với Đền Trần thuộc thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) đã tạo thành một khu di tích không những có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.

Tinh hoa di sản văn hoá Trần

Trong hệ thống các di tích thờ Vua và Thái Thượng hoàng nhà Trần tại tỉnh ta, cụm di tích Đền Trần, Chùa Phổ Minh có vị trí đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa tôn vinh triều đại nhà Trần. Đền Trần được xây dựng trên nền tảng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa, nơi nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng của các Thái Thượng hoàng nhà Trần và là nơi ngự của các vua đương triều mỗi khi về yết kiến các vua cha, bàn chính sự. Theo chính sử, mảnh đất “Đế vương” này vốn được tạo dựng từ năm 1239 với việc Vua Trần Thái Tông sai quan Phùng Tá Chu về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện. Đến năm 1262, Vua Trần đã thăng hương Tức Mặc thành Phủ Thiên Trường; cũng từ đây, Thiên Trường có vị thế như một kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt. Nhà thơ Phạm Sư Mạnh trong bài thơ “Hỗ giá Thiên Trường thư sự” đã gọi khu vực Thiên Trường là “Hành Đô”, nghĩa là đất kinh đô của nhà Trần sau kinh đô Thăng Long và ông ca ngợi cảnh trí với những áng thơ đi vào sử sách “Sóng xanh cầu ngọc miền sơn thủy. Cửa biếc cung vàng đất Đế vương”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng công nhận Đền Trần và Chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh và Thành phố Nam Định (ngày 5-10-2012). Ảnh: Xuân thu
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng công nhận Đền Trần và Chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh và Thành phố Nam Định (ngày 5-10-2012). Ảnh: Xuân Thu

Dựa trên nguồn sử liệu, vào đầu thế kỷ XV, nước Đại Việt bị đặt dưới sự đô hộ của giặc Minh. Những cung điện nguy nga, tráng lệ của hành cung Thiên Trường đã bị quân xâm lược tàn phá, hủy hoại. Đền Trần ngày nay được xây dựng từ khu Thái Miếu của nhà Trần xưa. Nguồn thư tịch cổ như văn bia, gia phả, sắc phong, câu đối… cùng truyền thuyết địa phương xác nhận, Đền Thiên Trường đã được dân làng Tức Mặc dựng lên để thờ phụng vua cha, lúc đó gọi là nhà thờ Đại tôn. Đến niên hiệu Chính Hòa 15 (1694) đời Vua Lê Hy Tông, nhà thờ mới được dựng bằng gỗ lim. Năm 1705, nơi này chính thức được gọi là Trần Miếu và hằng năm triều đình có ban quốc tế. Công trình kiến trúc Đền Thiên Trường hiện nay chủ yếu được trùng tu lớn vào thời Nguyễn; hiện nay di tích còn lưu giữ một số chân tảng đá hoa sen mang phong cách nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIII và bộ cánh cửa thời Hậu Lê, thế kỷ XVII. Đền Cố Trạch được xây dựng cạnh Đền Thiên Trường trên khu vực của cung Trùng Quang, Trùng Hoa trước đây. Năm 1852, trong một lần tu sửa Đền Thiên Trường (còn gọi là Đền Thượng), nhân dân đã đào được một tấm bia đá có ghi dòng chữ “Hưng Đạo thân vương Cố Trạch” (Nhà cũ của Hưng Đạo Vương), nên đã cho xây dựng ngôi đền thờ Người, với ý nghĩa tri ân, tỏ đạo “Uống nước nhớ nguồn” đối với bậc Anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Chùa Phổ Minh được xây dựng dưới thời Lý, được triều Trần mở rộng vào năm 1262. Chùa nằm phía tây cung điện Trùng Quang, nơi các Thái Thượng hoàng nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con về ở. Chùa Phổ Minh là nơi thờ và là nơi tu hành của nhiều sư tăng cao cấp dưới thời Trần, đặc biệt là Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ông là vị vua có công trong hai lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông (1285, 1288) và là vị Tổ thứ Nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trước khi ra Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành, vào năm 1299, Vua Trần Nhân Tông đã về Chùa Phổ Minh tu hành một thời gian. Sau khi sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, Vua Trần Nhân Tông đã sử dụng Chùa Phổ Minh làm cơ sở truyền đạo. Năm 1303, Vua Trần Nhân Tông đã cho mở hội Vô Lượng ở Chùa Phổ Minh, giảng kinh giới thí và ban phát tiền cho người nghèo.

Chùa Phổ Minh có quy mô bề thế, kiến trúc chính của chùa bao gồm chín gian tiền đường, ba gian thiêu hương và tòa thượng điện, xếp theo hình chữ “công”. Gian giữa nhà tiền đường có bộ cửa bốn cánh bằng gỗ lim, chạm rồng, sóng nước, hoa lá và hoa văn hình học, hai cánh giữa chạm đôi rồng lớn chầu mặt trời. Tam quan chùa gồm ba gian bằng gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói cổ, trên cửa có bốn chữ “Đại Hùng Bảo Điện”. Hai bên bậc tam cấp dẫn lên chính điện có đôi rồng chầu. Phía trước là bức bình phong và sân chùa. Hai bên có hai nhà bia: bia đá bên phải đề dòng chữ “Phổ Minh Thiền Tự” khắc năm Mậu Thân 1668, bia đá bên trái có dòng chữ “Phổ Minh Bảo Tháp Từ Bi” khắc năm Bính Thìn 1916. Trong chùa, ngoài tượng Phật, Bồ Tát… được thờ ở chính điện, còn có tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tượng Thiền sư Pháp Hoa, Thiền sư Huyền Quang ở hậu điện. Chuông lớn của chùa có khắc văn bản “Phổ Minh Đỉnh Tự” đúc năm Cảnh Thịnh thứ tư (1796). Xưa kia chùa có một vạc lớn được xem là một trong "tứ đại khí" của nước ta thế kỷ XIII-XIV, nay vạc này không còn. Sau thượng điện, cách một khoảng sân hẹp là tòa nhà mười một gian kéo dài theo hình chữ “nhất”, giữa là năm gian nhà tổ, bên trái là ba gian nhà tăng, bên phải là ba gian điện thờ. Trong nhà tổ có pho tượng Bà Chúa Mạc, người từng tu ở chùa, tạc bằng đá trắng, ngồi trên tòa sen, dựa lưng vào bức nền có trang trí vòng ánh sáng với ba chữ “Thường tịch quang”. Hai dãy hành lang nối liền nhà tiền đường và tòa nhà 11 gian tạo thành vòng ngoài của chữ “Quốc”. Phía sau nhà tổ là vườn tháp, có tượng Bà Chúa Mạc bằng đất nung.

Chùa Phổ Minh (TP Nam Định) - Di tích quốc gia đặc biệt.
Chùa Phổ Minh (TP Nam Định) - Di tích quốc gia đặc biệt.

Công trình có giá trị nhất, giữ vai trò chủ đạo của chùa và được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là Tháp Phổ Minh. Do công trình này mà Chùa Phổ Minh còn được gọi là Chùa Tháp. Tháp Phổ Minh được xây dựng vào năm 1305, dưới thời Vua Trần Anh Tông, cao 19,51m, có 14 tầng, càng lên cao, tháp càng thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm nhọn hình bầu rượu có nhiều cạnh. Các tầng trên đều trổ cửa cuốn tò vò ra bốn phía. Bệ thờ bằng đá được đặt trong lòng tầng tháp thứ nhất, cách điệu bằng những cánh hoa sen. Tháp được trang trí giản dị nhưng vẫn rất đẹp với hoa văn dây uốn lượn, hình rồng gấp khúc vờn mây ngoạn mục. Trông xa, Tháp Phổ Minh như một bông sen lớn trổ thẳng lên bầu trời trong xanh.

Xứng tầm lễ hội quốc gia đặc biệt

Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với lễ Khai ấn đầu xuân, Lễ hội Trần đã trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Đó cũng là nghĩa cử tỏ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của nhân dân và dân tộc Việt Nam tự bao đời nay. Nhân dịp về dự Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; công bố và đón nhận Quyết định công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần - Chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dâng hương tại Đền Thiên Trường và Đền Cố Trạch, phường Lộc Vượng (TP Nam Định). Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân dân và du khách thập phương, Chủ tịch nước bày tỏ: Mảnh đất Thiên Trường đã nuôi dưỡng, hun đúc nên những con người kiệt xuất mà tên tuổi đã làm rạng danh cho quê hương, đất nước như: Đức Vua Trần Nhân Tông, Người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Người được nhân dân ta suy tôn là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi trên đất nước; Tướng quân Trần Bình Trọng, Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh và nhiều bậc hiền tài khác. Ở thời nào, triều đại nào thì vùng đất này đều sinh ra những anh hùng hào kiệt, danh nhân của đất nước. Tại lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần - Chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt, trong lời phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần, Chùa Phổ Minh là tài sản vô giá, không chỉ của Nam Định mà là của cả nước. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt với Đền Trần, Chùa Phổ Minh là sự ghi nhận xứng đáng cho một công trình chứa đựng những giá trị mang đậm dấu ấn của nhà Trần - triều đại hưng thịnh bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân Nam Định bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá khu vực Đền Trần, Chùa Phổ Minh theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nam Định cũng cần có kế hoạch quảng bá rộng rãi về di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật của Đền Trần, Chùa Phổ Minh, về hành cung Thiên Trường. Đồng thời, quản lý khai thác hiệu quả khu di tích để nơi đây thực sự là một bảo tàng lịch sử, kiến trúc, là nơi thờ tự trang nghiêm, nơi hội tụ những tình cảm tâm linh của người dân trên mọi vùng đất nước.

Về Thành Nam dự lễ hội “Tháng Tám giỗ Cha”, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc, bên cạnh đó, còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của quần thể Khu Di tích Lịch sử - Văn hoá Trần. Đó là những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể từ công trình kiến trúc, di vật, hệ thống chân tảng đá, đồ gạch ngói, gốm sứ hay nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa dần phát lộ qua những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học, là những luận chứng khoa học xác tín tái hiện về một thời đại huy hoàng đầy oanh liệt về “Võ công, văn trị” của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc. PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam (Bộ VH, TT và DL) cho biết: Những năm qua, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở VH, TT và DL Nam Định tiến hành thám sát, khai quật thăm dò nhiều vị trí trong khu di tích Tức Mặc - Thiên Trường (Nam Định). Các di tích ở khu di tích Tức Mặc thời Trần có ý nghĩa khoa học rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa dân tộc nói chung, lịch sử - văn hóa thời Trần nói riêng. Từ năm 2005, quần thể khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần tại Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đến năm 2015 (Quyết định 252/2005/QĐ-TTg ngày 12-10-2005). Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng đối với việc bảo vệ di sản văn hóa thời Trần ở Nam Định. Ở đó, chúng ta nhận thấy đã có những mục tiêu chiến lược có tầm quốc gia và hội nhập với quốc tế; những nhiệm vụ hết sức rõ ràng và những biện pháp khoa học và có tính khả thi. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và những tập quán, nghi lễ và lễ hội có liên quan là những di sản - văn hóa có sức sống mãnh liệt, có giá trị đặc biệt với cộng đồng. Chính vì vậy, trong tương lai, cần nghiên cứu, quy hoạch để tiến tới bảo vệ khu di tích lịch sử - văn hóa Trần ở cấp độ quốc tế. Một trong những mục tiêu của quy hoạch đó là: “Bảo vệ, phát hiện, làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị văn hóa vật thể của khu vực di tích, tạo tiền đề đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định là di sản văn hóa thế giới”./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com