Tình hình xã hội và các cuộc khởi nghĩa nông dân Nam Định (đầu thế kỷ XIX)

07:09, 13/09/2012

Có một thực tế lịch sử dễ nhận thấy là xã hội ở Nam Định dưới thời Nguyễn luôn trong tình trạng bất ổn. Đó là hệ quả của hàng loạt các nhân tố - chính sách cai trị của nhà Nguyễn, thực trạng nền kinh tế - xã hội cho đến thời kỳ này và nhiều nguyên nhân khách quan khác.

Dưới thời Nguyễn các cuộc nổi dậy chống lại triều đình diễn ra liên tục, trên khắp các địa bàn. Trên thực tế không phải tất cả các cuộc nổi dậy đều là các phong trào đấu tranh xã hội hay khởi nghĩa nông dân. Tuy nhiên, trong số đó, hoạt động bao trùm vẫn là các cuộc khởi nghĩa nông dân chân chính.

Mặc dù Nguyễn Ánh đã đánh bại nhà Tây Sơn, nhưng chưa phải tình hình đất nước đã ổn định. Khắp mọi nơi phong trào phản kháng vẫn liên tục diễn ra. Theo thời gian, cũng với sự bất ổn của tình hình kinh tế - xã hội, các cuộc nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn ngày một nhiều hơn, quyết liệt hơn. Tại Nam Định, ngay đầu thời Nguyễn, vào năm 1807 sử sách đã nhắc đến cuộc nổi dậy của hàng trăm nông dân phủ Thiên Trường. Họ kéo đến bao vây phủ thành, giết chết viên tri phủ. Năm 1808, hào mục hai phủ Thiên Trường, Nghĩa Hưng sôi nổi hưởng ứng phong trào do Xiển Văn lãnh đạo. Hàng chục năm sau đó, vào cuối thời Gia Long và đầu thời Minh Mạng, vùng đất Nam Định là một trong những địa bàn của các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa của Vũ Đình Lục - Đặng Trần Siêu, Nguyễn Thế Chung. Cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở vùng Sơn Nam Hạ - cũng là một trong số các phong trào nông dân tiêu biểu nhất dưới triều Nguyễn là cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành.

Năm 1826 Phan Bá Vành chính thức phát động khởi nghĩa. Đông đảo nông dân vùng Sơn Nam Hạ nổi dậy hưởng ứng. Ngay từ đầu nghĩa quân đã đông đến trên năm nghìn người. Cùng với Phan Bá Vành, lãnh đạo khởi nghĩa còn có nhiều tướng lĩnh tài giỏi, trong đó có một số quê Nam Định, như các tướng Trần Bá Hựu, Hai Đáng, Ba Hầm đều người làng Trà Lũ, tổng Trà Lũ huyện Giao Thuỷ (nay là các xã Xuân Phương, Xuân Bắc, Xuân Trang huyện Xuân Trường).

Địa bàn hoạt động buổi đầu của nghĩa quân là vùng ven biển Giao Thuỷ rồi lan nhanh ra hầu hết các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ - Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tại Nam Định địa bàn hoạt động chủ yếu của nghĩa quân là huyện Giao Thuỷ (bấy giờ bao gồm cả hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ ngày nay). Nghĩa quân đã đánh nhiều trận lớn gây thiệt hại nặng cho quân triều đình. Mở đầu là các trận đánh đồn Trà Lý và Lân Hải (hai cửa biển quan trọng của trấn Nam Định) giết chết hai viên thủ ngự là Đặng Đình Miên và Nguyễn Trung Diễn. Tiếp đó nghĩa quân mở rộng địa bàn ra các huyện ven biển Thái Bình, thắng lớn ở trận Cồn Tiên (nay thuộc huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình), giết chết Trấn thủ Nam Định là Lê Mậu Cúc. Triều đình cử nhiều tướng giỏi như Trương Phúc Đặng, Trương Văn Minh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đức Nhuận..., huy động binh lực lớn đàn áp, nhưng đều thất bại. Nghĩa quân tiếp tục thắng lớn trong trận Phú Cốc (Vũ Tiên, nay là Vũ Thư - Thái Bình) giết chết phó Vệ uý Nguyễn Văn Truyền và Quản phủ Trần Văn Thạc, rồi kéo về bao vây phủ thành Kiến Xương; trận Cổ Trai (Nghi Dương, nay là Kiến Thuỵ - Hải Phòng). Triều đình tập trung một lực lượng quân tinh nhuệ đến đàn áp, nghĩa quân lại bí mật rút về hoạt động ở vùng phủ Kiến Xương (Thái Bình) và phủ Thiên Trường (Nam Định). Khoảng đầu năm 1827, trước sức ép của quân triều đình nghĩa quân lui về vùng Trà Lũ.

Vào đầu thế kỷ XIX Trà Lũ là một xã lớn gồm 3 thôn là Trà Bắc - nay là xã Xuân Bắc, Trà Đông - nay là xã Xuân Phương, và Trà Trung - nay là xã Xuân Trung, đều thuộc huyện Xuân Trường. Thôn Phú Nhai nằm giữa xã Trà Lũ. Trà Lũ là một vùng trũng, kênh mương dày đặc, nổi lên là một số cồn bãi. Ngay khi còn trong giai đoạn chuẩn bị và khi cuộc khởi nghĩa mới bùng nổ Trà Lũ đã đóng vai trò căn cứ địa buổi đầu của nghĩa quân. Đến đây nghĩa quân quyết định xây dựng căn cứ Trà Lũ thành pháo đài cố thủ chống lại quân triều đình. Một hệ thống phòng thủ khá kiên cố được gấp rút xây dựng, trong đó đại bản doanh được đặt tại thôn Phú Nhai.

Khi triều đình tập trung binh lực lớn bao vây căn cứ Trà Lũ, nghĩa quân bị đẩy vào thế bất lợi và mặc dù đã chiến đấu dũng cảm nhưng cuối cùng đã bị đàn áp.  Phan Bá Vành bị bắt nhưng trên đường giải về Bắc Thành ông đã tự tử. Một số tướng lĩnh khác cũng bị bắt, bị xử tử dã man. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Minh Mạng cho quân triệt hạ làng Trà Lũ.

Cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành cũng như toàn bộ phong trào nông dân khởi nghĩa dưới thời Nguyễn trước sau đều bị đàn áp. Tuy nhiên sự phát triển rầm rộ của phong trào nói chung, cũng như trên địa bàn Nam Định nói riêng, chính là sự phản ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trước các chính sách cai trị của nhà Nguyễn, phản ánh sự bất ổn của tình tình kinh tế - xã hội thời kỳ này. Mặc dù thất bại, các cuộc nổi dậy đó trong đó khởi nghĩa Phan Bá Vành là một trường hợp tiêu biểu, một lần nữa khẳng định tinh thần quật khởi và năng lực to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

        



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com