Đứng trước cuộc tấn công xâm lược của giặc Pháp triều đình Huế tỏ ra hết sức lúng túng, không biết và không dám dựa vào dân, lại bị phân hoá thành năm bè bảy cánh. Phái chủ chiến và chủ hoà tranh biện gay gắt với nhau về kế sách chống giặc, cuối cùng phái chủ hoà thắng thế và triều đình đã quyết định ký hiệp ước Nhâm Tuất (1862), cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà) cùng với quần đảo Côn Lôn cho Pháp. Một phần máu thịt của Tổ quốc ta lọt vào tay thực dân Pháp. Dân chúng cả nước hết sức phẫn uất và bất bình; đặc biệt là các nho sỹ, những người luôn trăn trở với vận mệnh đất nước. Tháng 11 năm 1864, sĩ tử trường thi Nam Định không hẹn mà gặp đã cùng với sĩ tử trường thi Hà Nội và Thừa Thiên phản đối triều đình ký Hiệp ước Nhâm Tuất bằng cách không chịu vào trường thi, hò la đòi hoãn kỳ thi Hương, viết những lời phản đối lên tường và cửa trường thi. Lần đó, những người khởi xướng đã bị bắt giam. Ở Nam Định hai sỹ tử Đỗ Văn Định và Nguyễn Huy Đạt đã bị phạt đòn vì những hành động yêu nước nói trên.
Cuộc đấu tranh của sĩ tử trường Nam và các trường thi khác là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt. Đối với nho sĩ thì trung quân là đức lớn, đứng đầu trong cương thường Nho giáo. Việc các sĩ tử tẩy chay trường thi rất có thể bị khép vào tội khi quân và bị phạt rất nặng, nhưng thông qua hành động của mình, họ đã chứng tỏ ý thức sẵn sàng đặt lòng yêu nước và ý thức trước dân tộc lên trên chữ trung quân thiển cận và mù quáng.
Năm 1867, sau khi miền Lục tỉnh giàu có lọt vào tay quân Pháp, nhân dân Nam Định dưới sự khởi xướng của các thân hào, sĩ phu đã tự tổ chức các đội dân binh, sẵn sàng đánh Pháp nếu chúng tấn công ra Bắc kỳ.
Sau khi thực dân Pháp tạm thời củng cố được bộ máy cai trị trên đất Nam kỳ, chúng liền mở “cuộc viễn chinh Bắc kỳ lần thứ nhất” (năm 1873) mà mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm Hà Nội và Nam Định. Nếu chiếm được hai vùng này chúng coi như đã làm chủ toàn bộ vùng châu thổ sông Hồng vốn đông dân, nhiều của. Với chiến dịch này, Pháp muốn bắn một mũi tên trúng hai đích: buộc triều đình Huế ký một hiệp ước thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Nam kỳ và thăm dò sự phản ứng của nhà Thanh (Trung Quốc).
Sau khi chiếm được Hà Nội (20-11-1873), Gácniê (Fransis Garnier) mở rộng vùng chiếm đóng bằng cách tiến đánh các tỉnh phía Đông và Nam Hà Nội. Chúng chiếm Hưng Yên (23- 11), Phủ Lý (26-11), Ninh Bình (5-12). Ngày 17 tháng 12 năm 1873, Gácniê hội quân chiếm đánh thành Nam Định theo hai hướng Tây và Nam với một lực lượng hỗn hợp gồm 111 tên.
Trước khi quân Pháp đặt chân đến quê hương mình, nhân dân Nam Định đã chủ động tổ chức kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Phạm Văn Nghị và một số quan lại yêu nước, nhân dân đã xây dựng một phòng tuyến chặn giặc tại ngã ba sông Độc Bộ (nơi sông Đào đổ vào sông Đáy), cửa ngõ từ Ninh Bình vào Nam Định. Binh lính ở đồn Phù Sa (xã Hoàng Nam, Nghĩa Hưng) do Nguyễn Văn Lợi chỉ huy cũng hợp sức với cánh quân ở Độc Bộ cùng đánh giặc. Lực lượng nghĩa quân được bố trí, dàn thành thế trận ở hai bên bờ sông để đánh địch. Để hỗ trợ cho nghĩa quân, Phạm Văn Nghị đã vận động nhân dân đóng góp tre, gỗ làm thành một kè lớn chặn ngang dòng sông Đáy nhằm ngăn chặn bước tiến công của địch.
Tiếp nối phòng tuyến Độc Bộ, trên khúc sông Vị Hoàng (đoạn chảy sát thành Nam Định), lực lượng dân binh do Đặng Huy Trinh, cha con Nguyễn Văn Hộ và bá hộ Trần Chí Thiện chỉ huy cũng đã bố trí một trận địa đánh giặc. Thế trận chiến tranh nhân dân được giăng sẵn, nhân dân Nam Định trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với quân xâm lược để bảo vệ xóm làng, quê hương. Ngày 10-12-1873, tàu chiến Xcóocpiông (Scorpion), sau khi tham chiến tại Hà Nội và Ninh Bình, đã xuôi theo dòng sông Đáy xuống Vĩnh Trị. Tại Vĩnh Trị, chúng đã bị đạo dân binh do Phạm Đăng Hài (con Phạm Văn Nghị) chỉ huy chặn đánh. Tuy nhiên, tàu chiến địch vẫn vượt qua chiến tuyến này và đi tới vùng Độc Bộ. Khi đến ngã ba Độc Bộ, quân địch lọt vào trận địa mai phục sẵn của quân ta. Chúng đã bị quân của Phạm Văn Nghị và Nguyễn Văn Lợi tấn công dữ dội. Tàu Xcoócpiông bị mắc kẹt bởi các kè chặn trên sông và trở thành mục tiêu khai hoả cho các loại súng của nghĩa quân được bố trí sẵn ở hai bên bờ sông. Hai bên giao chiến kịch liệt từ khoảng 2 giờ đến 5 giờ chiều. Mặc dù đã bắn bị thương tàu Xcoócpiông, tiêu diệt một số tên địch, nhưng cuối cùng, do chênh lệch về hoả lực, quân ta đã phải rút lui, còn quân địch đã phá được rào cản trên sông Đào, tiến về thành Nam Định.
9 giờ sáng ngày 11 - 12 - 1873, tàu Xcoócpiông đã tiến gần đến thành Nam Định. Trước khi đến được thành, chúng đã bị chặn đánh quyết liệt tại Tiểu Cốc. Quan binh cùng với nhóm dân binh do Ngô Lý Diện chỉ huy đã nã súng vào tàu giặc, bắn gãy cột buồm và cột thu lôi của địch. Tuy bị chặn đánh và thiệt hại, nhưng quân Pháp vẫn vượt qua chiến tuyến, chia quân thành 3 mũi tiến lên bờ. Đón đợi chúng ở bờ sông có các toán quân của hào mục Đặng Huy Trinh, Nguyễn Văn Hộ và Trần Chí Thiện. Phải vất vả lắm quân địch mới lên đến bờ. Gácniê quyết định tập trung binh lực công phá dữ dội mặt Đông và Nam thành. Hiệp quân Trần Vĩnh Cát, suất đội Ngô Lý Diện trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên tường thành và đã anh dũng hy sinh. Tiền binh Đặng Huy Trinh bị địch bắt và giết hại vì ông quyết không cam chịu đầu hàng. Sau vài giờ chiến đấu giữ thành, đến 1 giờ trưa ngày 11 tháng 12 năm 1873 thành Nam rơi vào tay quân Pháp lần thứ nhất.
Tại trận chiến kịch liệt này đã ghi nhận nhiều tấm gương hi sinh anh dũng của những người con ưu tú của thành Nam, như Nguyễn Văn Hộ, Trần Vĩnh Cát, Ngô Lý Diện, Đặng Huy Trinh cùng hơn 100 binh sĩ khác. Họ đã tô hồng lên trang sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, của mảnh đất Nam Định nói riêng.
Thành mất, nhưng ý chí chiến đấu của người Nam Định không mất. Tiếng súng kháng Pháp vẫn vang lên khắp nơi.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]