Sau khi tình hình chiến sự ở Nam Kỳ tạm ổn định, thực dân Pháp mong muốn chiếm luôn cả vùng Bắc Kỳ. Chủ trương của tư bản Pháp lúc này là muốn lợi dụng sự yếu hèn của triều đình Huế để dùng lực lượng quân sự làm áp lực, buộc triều đình phải công nhận nền bảo hộ của Pháp trong cả nước.
Để thực hiện âm mưu nói trên, thống đốc Nam Kỳ Lơ Mia đờ Vile (Le Myre de Villers) giao quyền chỉ huy đánh chiếm Bắc Kỳ cho đại tá hải quân Rivie (Henri Rivière). Ngày 20-4-1882, Rivie gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu, Tổng đốc thành Hà Nội, buộc trong 3 tiếng đồng hồ, quân đội triều đình phải hạ vũ khí đầu hàng. Hạn trả lời chưa hết, quân Pháp đồng loạt nổ súng công phá thành. Chỉ sau vài giờ giao chiến, chúng đã chiếm được thành Hà Nội.
Rút kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến lần trước, quân dân Nam Định đã tích cực chuẩn bị chiến đấu như đào đắp công sự, dựng chướng ngại vật trên sông để cản tầu chiến địch. Các đội nghĩa binh được thành lập ở nhiều nơi. Tinh thần chiến đấu của nhân dân Nam Định khiến quân Pháp hết sức dè chừng, ngay tên chỉ huy Rivie cũng phải thừa nhận: "Cái nghiêm trọng hơn cả, đó là Nam Định. Ngay từ khi quân đội ta đến, ông Tổng đốc già lại cho tăng cường hơn nữa việc phòng thủ (ông ta nói làm việc này từ một năm nay). Ông ta đã tập hợp được nhiều binh lính, đã chiêu mộ được những người Tàu. Ngoài những sự kiện mà chúng tôi thấy cực kỳ nghiêm trọng ấy, ông ta còn chuẩn bị làm những chướng ngại vật … Cái thành ấy có thái độ rất thù nghịch."
Tin quân Pháp đánh chiếm Hòn Gai vào tháng 3 năm 1883 càng làm cho nhân dân Nam Định chú ý đề phòng quân địch và đẩy mạnh công việc chuẩn bị kháng chiến hơn nữa. Chính Rivie cũng biết rõ điều này: "Tôi đã chiếm Hòn Gai, việc này càng làm cho thái độ của họ thêm thù nghịch. Trong những điều kiện ấy, tôi tính phải hạ thành Nam Định. Đó là một trung tâm kháng chiến ".
Ngày 23-3-1883, đại tá Rivie đích thân chỉ huy quân Pháp đi đánh Nam Định với một lực lượng khá mạnh gồm 10 tầu chiến và 4 thuyền vận tải. Chúng xuất quân từ Hà Nội, xuôi theo dòng sông Hồng tiến vào sông Châu. Sau khi chiếm xong Phủ Lý (23-3-1883), ngay ngày hôm sau quân địch đi theo sông Đáy, qua Ninh Bình và tiến vào vùng đất Nam Định. Trên đường đi, chúng hội với hai cánh quân nữa ở Vĩnh Trị và Độc Bộ. Sáng ngày 25-3-1883, quân Pháp tiến gần tới thành Nam Định và đổ bộ lên bờ, chiếm cứ Đồn Thuỷ. Sau đó, Rivie gửi tối hậu thư cho tổng đốc Vũ Trọng Bình yêu cầu quan quân phải hạ vũ khí và giao nộp thành. Đòi hỏi ngạo mạn đó của Rivie đã bị quan quân bác bỏ.
Không nhận được thư trả lời của quan quân trong thành, 6 giờ sáng ngày 26-3-1883, Rivie ra lệnh cho quân lính nổ súng phá thành. Nhưng ngày hôm đó thời tiết xấu, nên quân Pháp chỉ nổ súng giả tấn công để thăm dò chứ chưa thể tổ chức đánh lớn ngay được.
Ngày hôm sau, Rivie lại ra lệnh tấn công thành Nam Định. 7 giờ sáng lính Pháp đổ bộ lên bờ, đến 10 giờ chúng đồng loạt pháo kích vào thành Nam Định. Đáp trả những đợt tiến công của quân Pháp, Đề đốc Lê Văn Điếm và Án sát Hồ Bá Ôn trực tiếp chỉ huy quân đội triều đình phối hợp cùng với đội dân binh gần 300 người của Nguyễn Hữu Bản chiến đấu giữ thành. Quân địch đã phải đương đầu với sức kháng cự mạnh mẽ của nhân dân thành Nam. Hàng trăm khẩu thần công từ trong thành nã đạn vào chiến thuyền của địch. Dân chúng trong thành tự đốt cháy những khu nhà lá suốt một dải dài 500m từ phố Hàng Thao tới Đò Quan tạo thành hàng rào lửa và dựng các chướng ngại vật ngăn bước tiến công của địch. Quân Pháp phải hết sức vất vả mới tiến tới được cổng thành. Trung tá Carô (Carreau) bị thương gãy một chân. Thấy tình thế trở nên nguy ngập, Rivie cùng đại uý công binh Đuypơmiê (Dupommier) tập trung quân công phá cửa Đông (là cửa thành chính) rất dữ dội. Đuypơmiê đã cho quân nổ mìn phá vỡ cổng thành rồi đánh tràn vào. Tại Cửa Đông, quân dân Nam Định đã chiến đấu hết sức ngoan cường. Đề đốc Lê Văn Điếm xông pha giữa vòng lửa đạn để chỉ huy quân sĩ đánh địch. Mặc dù bị thương rất nặng nhưng ông vẫn tiếp tục chỉ huy quân sĩ đánh trả quân Pháp cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Án sát Hồ Bá Ôn cũng bị thương nặng. Mặc dù có tinh thần chiến đấu cao, sẵn sàng xả thân vì sự tồn vong của thành, song quân và dân trong tỉnh vẫn không cản nổi quân địch. Với ưu thế vũ khí và hoả lực mạnh, quân địch đã chiếm được cửa Đông và dồn quân ta sang phía cửa Tây. Sau nhiều giờ giao chiến ác liệt giữa hai bên, vào khoảng 1 giờ chiều quân Pháp đã chiếm được thành Nam Định.
Thành Nam một lần nữa rơi vào tay giặc. Thành mất nhưng không vì thế mà phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Định bị dập tắt, trái lại, nó càng diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và quyết liệt hơn bao giờ hết.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]