Trong 175 năm tồn tại của vương triều Trần (1225-1400) đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng tiết tháo, lập nhiều chiến công, làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và bất khuất của dân tộc.
Yết Kiêu và Dã Tượng vốn là gia nô rất được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn yêu mến. Theo sử sách chép lại, cả hai đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung thành. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi: Trong một trận đánh đầy khó khăn của quân dân nhà Trần vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai (1285), quân ta bị thua ở Bãi Tân (một địa điểm trên sông Lục Nam). Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, còn Dã Tượng thì đi theo hầu Hưng Đạo Vương. Tình thế hiểm nghèo, Hưng Đạo Vương định theo đường núi để rút lui. Dã Tượng liền nói: Yết Kiêu mà chưa thấy Đại Vương thì nhất định không chịu dời thuyền. Hưng Đạo Vương nghe vậy liền trở lại Bãi Tân thì thấy chỉ còn mình Yết Kiêu vẫn cắm thuyền chờ ở đó. Ông vui mừng mà nói rằng: Ôi! Chim Hồng, chim Hộc sở dĩ có thể bay cao, bay xa là nhờ ở sáu trụ xương cánh. Nếu như không có sáu trụ xương cánh ấy thì chim Hồng, chim Hộc cũng chỉ như chim thường thôi. Nói xong, bèn hạ lệnh cho chèo thuyền đi, kỵ binh giặc đuổi theo mà không kịp.
Lễ hội đền Trần. Ảnh: Thu Hà |
Một gia nô tiêu biểu khác của Trần Hưng Đạo cũng được sử sách lưu gương là Nguyễn Địa Lô, người đã có công cùng với các đội dân binh ở vùng biên giới phía Bắc đón đánh tơi bời quân của Toa Đô khi định đưa Trần Kiện (con của Tĩnh Vương Trần Quốc Khang) là tướng chỉ huy tại Nghệ An đã hèn nhát đầu hàng giặc về Yên Kinh. Kẻ phản nghịch đã bị Nguyễn Địa Lô bắn chết tại trận, ngăn chặn những tổn thất lớn cho cuộc kháng chiến. Ngoài ra còn có thể kể đến các nhân vật khác như Hà Bổng, Hà Đặc và Hà Chương.
Không chỉ có các tấm gương tướng lĩnh, quân sĩ nam giới dưới thời Trần sử sách còn ghi nhận đóng góp của nhiều gương phụ nữ. Trước hết là công chúa An Tư, con út của vua Trần Thái Tông, em út của vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông. Năm 1285, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Giặc có quân số áp đảo, lại đã tạo được thế tấn công từ hai phía Nam và Bắc, nên rất hung hăng. Trước vận nước ngàn cân treo sợi tóc, vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã phải có một quyết định khó khăn là gả công chúa An Tư cho Thoát Hoan để tạm giữ hoà khí với giặc. Là công chúa lá ngọc cành vàng nhưng trước vận nước nguy nan, An Tư công chúa đã sẵn sàng hy sinh vì nước. Một người phụ nữ đặc biệt khác là Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung. Sử cũ chép, bà có công lao không nhỏ trong cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ nhà Lý sang nhà Trần. Bắt đầu từ khi nhà Trần nắm quyền, với vai trò quốc mẫu dù trải qua không ít thăng trầm, thua thiệt nhưng với sự khiêm nhường và lòng trung thành tuyệt đối, bà luôn hy sinh cho sự hưng thịnh của nhà Trần. Bà đặc biệt có công lớn trong việc đảm bảo hậu cần cho triều đình, quan quân khi thực hiện kế sách “thanh dã” (vườn không, nhà trống) tạm rút khỏi Thăng Long trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Quân Nguyên - Mông vào thành không có lương thực, sau đó đã bị đánh úp, trở tay không kịp, thua đau; kinh thành Thăng Long được giải phóng. Chính vì vậy bà được mệnh danh là “nữ tướng hậu cần” của nhà Trần. Với uy tín của mình, bà còn góp phần hóa giải thành công mối bất hòa trong nội tộc, giữ vững tình nghĩa huynh đệ, sự đoàn kết trong gia tộc được thắt chặt hơn làm cho sức mạnh của hàng ngũ lãnh đạo nhà Trần được phát huy tối đa trước họa ngoại xâm. Một phụ nữ quý tộc tiêu biểu nữa của nhà Trần được các sử gia ghi chép ngợi ca là công chúa Phụng Dương, con gái của Thái sư Trần Thủ Độ, được vua Thái Tông Trần Cảnh nhận làm con nuôi, sau gả cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Nhân cách của bà được chính Thái sư Trần Quang Khải đánh giá: Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử. Theo sách sử, bà là người có công lớn trong việc xây dựng cứ điểm (thái ấp) độc lập, giúp chồng có thể thực hiện tốt chính sách “ngụ binh ư nông”. Vừa đảm đang chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái... bà vừa quán xuyến mọi công việc trong thái ấp như trồng cấy, chăn nuôi, dệt vải, may quần áo cho binh sĩ... để Thái sư chuyên tâm lo việc nước. Khi tuổi đã cao, công chúa Phụng Dương đem hết tài sản của mình chia cho anh em nội tộc, nhiều gia nô được cấp ruộng đất cày cấy...
PV