Đà Nẵng bị tấn công, điều đó có nghĩa rằng nền độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước bị đe doạ. Cả nước đã dồn sức cho mặt trận Đà Nẵng. Triều đình Huế đã tăng viện và điều Nguyễn Tri Phương từ Nam bộ ra xây thành, đắp luỹ để ngăn cản bước tiến quân của địch, không cho chúng tràn vào đất liền. Các cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp ở Đà Nẵng biểu hiện rõ hình ảnh đoàn kết dân tộc, vua tôi, quân dân trước giờ phút đất nước lâm nguy.
Đền thờ Phạm Văn Nghị tại làng Tam Đăng, nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. |
Tiếng súng kháng Pháp ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng đã vọng ra đất Bắc, đến với nhân dân Nam Định. Mùa thu năm 1859, Hoàng giáp Tiến sĩ Phạm Văn Nghị, đốc học Nam Định đã gửi “Trà Sơn kháng sớ” đến vua Tự Đức để bày tỏ nguyện vọng càng quyết tâm kháng chiến của sĩ dân Nam Định và đề nghị cho phép ông lập một đội nghĩa binh vào chiến trường đánh giặc. Mặc dù “Trà Sơn kháng sớ” của ông không được Tự Đức chính thức phê chuẩn, nhưng với tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của một kẻ sĩ trước vận mệnh dân tộc, Phạm Văn Nghị vẫn đứng ra giương cao cờ nghĩa, chiêu binh vào Nam đánh Pháp. Trước đây, dựa vào bài thơ “Quân hành đồ gian tự thuật” người ta mới chỉ có thể đoán định quân số của đội nghĩa binh ấy vào khoảng hơn 300 người.
“Tam bách tinh binh, nhất tướng kỳ
Thiên thanh đáo xứ hiểm thành di.”
(Quân giỏi ba trăm một ngọn cờ
Oai trời hiểm mấy cũng băng qua).
Đội nghĩa binh của Phạm Văn Nghị có tất cả 365 người. Thành phần tham dự đội nghĩa binh là những văn thân, sỹ phu, có người từng đỗ đạt cao (trong đó có 5 cử nhân và 8 tú tài), học trò, nông dân ở Nam Định và các tỉnh phụ cận như Hà Nam, Ninh Bình. Đoàn nghĩa binh của ông được chia thành 3 đạo, 7 đội. Đích thân Phạm Văn Nghị chỉ huy đạo trung quân. Tiền đạo do Án sát Phạm Văn Xường và hậu quân do Phó bảng Đặng Ngọc Cầu chỉ huy. Nhân dân Nam Định đã đóng góp hàng vạn quan tiền để mua sắm vũ khí, lương thực cho nghĩa quân.
Được sự ủng hộ to lớn về vật chất và tinh thần của nhân dân, đội nghĩa binh đã hăng hái luyện tập, ngày đêm chuẩn bị chiến đấu sống còn với quân thù.
Ngày 22 tháng 2 năm 1860 đoàn nghĩa binh làm lễ xuất quân tại nhà Học chính Nam Định. Đông đảo nhân dân và sỹ phu thành Nam đã đến tiễn đưa họ, gửi gắm vào đoàn nghĩa binh quyết tâm chống giặc và niềm tin chiến thắng. Sau một tháng hành binh, ngày 21 tháng 3 năm 1860, đoàn nghĩa binh tới Huế. Lúc đó tình hình chiến sự đã thay đổi. Quân Pháp đã rút khỏi Đà Nẵng, chuyển hướng vào phía Nam tấn công thành Gia Định. Chiến trường đã lùi xa vào phía Nam đến 800 km. Nhưng với lòng yêu nước, không ngại gian khó, Phạm Văn Nghị cùng đoàn nghĩa binh vẫn xin triều đình cho vào Nam đánh giặc. Tuy nhiên, nguyện vọng chính đáng ấy của đoàn nghĩa binh đã không được vua Tự Đức chấp thuận. Sự kiện này đã bước đầu bộc lộ mâu thuẫn giữa tinh thần kiên quyết kháng chiến của nhân dân với thái độ bạc nhược, cầu hoà của triều Nguyễn, đứng đầu là vua Tự Đức.
Mặc dù nguyện vọng được vào Nam chiến đấu không thành và bị buộc trở về quê, nhưng hành động nghĩa cử của đoàn quân Nam tiến đó đã biểu thị tấm lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết dân tộc chống giặc ngoại xâm của nhân dân Nam Định nói riêng và sỹ dân Bắc Hà nói chung. Hình động và ý chí kiên quyết chống giặc của Phạm Văn Nghị và sỹ dân thành Nam đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]