Căn cứ kháng chiến Bảo Long và An Hoà trong kháng chiến chống Pháp

08:09, 25/09/2012

Căn cứ kháng chiến Bảo Long bao gồm các làng Bảo Long, Châu Ninh, Vọc, cách phía Bắc thành Nam Định khoảng 10km. Cứ điểm chính được xây dựng trên làng Bảo Long (nay thuộc xã Mỹ Hoà, Mỹ Lộc). Bá hộ Trần Chí Thiện, người từng tham chiến tại thành Nam, chỉ huy căn cứ này. Sau khi thành Nam thất thủ, Trần Chí Thiện về quê vận động nhân dân và tổ chức lực lượng kháng chiến. Ông đã đem toàn bộ tài sản của gia đình để giúp đỡ cho nghĩa quân có điều kiện kháng chiến. Sau một thời gian ngắn, Bảo Long đã trở thành nơi tập hợp lực lượng chiến đấu của nhân dân vùng phía Bắc thành Nam Định, trực tiếp uy hiếp sự sống còn của quân Pháp ở trong thành. Nhận thức được mối nguy hiểm tiềm ẩn đó, Hác-măng, viên sĩ quan chỉ huy hơn 300 quân đồn trú của Pháp ở thành Nam Định, đã tập hợp lực lượng đánh vào khu căn cứ kháng chiến Bảo Long. Ngày 20 tháng 12 năm 1873 quân địch tấn công vào Bảo Long từ nhiều phía. Tại đây, Trần Chí Thiện đã trực tiếp chỉ huy quân sĩ chiến đấu với quân thù trong từng đường làng, ngõ xóm. Thật không may, ông bị trúng đạn và hi sinh. Bị mất người chỉ huy, nghĩa quân đã không giữ vững được đội hình chiến đấu, đành phải rút lui, phân tán về các làng xóm xung quanh.

Giống như Trần Chí Thiện, Phạm Nhân Lý, một trong những vị chỉ huy từng tham gia chiến đấu ở mặt trận thành Nam, sau khi thành thất thủ, đã trở về quê hương cùng với nhân dân xây dựng phong trào kháng chiến chống Pháp. Làng An Hoà quê ông (nay thuộc xã Yên Bình, Ý Yên) đã trở thành một căn cứ chống Pháp quan trọng ở Nam Định. An Hoà là một vùng có địa thế hiểm trở với nhiều cây cối, có núi Già án ngữ, có địa bàn rộng và cao thuận cho việc đóng quân. Tại đây, nghĩa quân đã đào hào, đắp luỹ chiến đấu kiên cố ở phía Nam, nơi địch dễ đánh vào. Chiến luỹ được xây dựng bằng những bức tường đất dày và được bao bọc bởi những luỹ tre. Hào được đào sâu từ 3 đến 4m. An Hoà cũng là nơi nghĩa quân tích trữ quân lương, chế tạo khí giới. Có tới hơn 50 lò rèn chế tạo gươm, giáo, và các loại vũ khí khác. Để tăng thêm thanh thế và lực lượng cho nghĩa quân, Phạm Nhân Lý đã mời Phạm Văn Nghị lên An Hoà cùng tham gia kháng chiến chống Pháp. Đinh Công Tráng đang lãnh đạo nghĩa quân ở Thanh Liêm cũng hăng hái kéo quân về tụ họp. An Hoà nhanh chóng trở thành nơi tập trung lực lượng kháng chiến của cả một vùng rộng lớn, đông dân cư. Lực lượng nghĩa quân có lúc lên tới 7.000 người.

Trường THCS xã Yên Bình (Ý Yên) hôm nay.
Trường THCS xã Yên Bình (Ý Yên) hôm nay.

Không chịu ngồi khoanh tay đợi giặc đến, nghĩa quân An Hoà dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Nghị, Phạm Nhân Lý, Đinh Công Tráng, đã chủ động tổ chức nhiều trận đánh trên địa bàn hai huyện Ý Yên và Vụ Bản, tiêu biểu là những trận đánh vào An Lộc, sào huyệt của bọn phản động, tay sai của thực dân, tại Mụa (Ý Yên), Dần (Vụ Bản)… Sau những đòn tấn công mạnh của nghĩa quân, địch đã nhận thấy cần phải tập trung binh lực triệt phá căn cứ nguy hiểm này. Khi quân giặc tới, nghĩa quân đã chiến đấu vô cùng anh dũng, họ dựa vào hệ thống chiến luỹ để đánh trả quyết liệt những đợt tiến công của địch. Song cuối cùng do bất lợi về tương quan về hoả lực và phương tiện chiến đấu nên nghĩa quân đã buộc phải rút lui để bảo toàn lực lượng và chuyển sang những vùng khác tiếp tục chiến đấu.

Trong khi phong trào chiến đấu của nhân dân Bắc Kỳ nói chung, nhân dân Nam Định nói riêng đang diễn ra quyết liệt, gây cho quân Pháp nhiều khó khăn thì triều Nguyễn lại ký với Pháp Hiệp ước ngày 15-3-1874, cắt hẳn cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ, mở cửa sông Hồng và một số cảng để cho người Pháp vào buôn bán. Tiếp đến, vào tháng 8 năm 1874, Tự Đức lại ký thêm Hiệp ước thương mại, công nhận độc quyền thương mại của Pháp ở Việt Nam. Như vậy, một lần nữa, triều Nguyễn đã tự tách ra khỏi phong trào đấu tranh của dân tộc, đi ngược lại với nguyện vọng và ý chí quyết chiến của nhân dân. Nguy hại hơn, triều đình còn ra lệnh giải giáp các đội nghĩa binh ở Nam kỳ và cấm đoán việc thành lập các đội dân binh ở Bắc và Trung kỳ. Thái độ đầu hàng đó của vua tôi nhà Nguyễn không thể nào làm lay chuyển ý chí sắt đá của sĩ dân Nam Định quyết hy sinh bảo vệ quê hương.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com