Bảo tồn ngôi nhà nơi nhà thơ Tú Xương từng sinh sống

05:09, 15/09/2012
Ngôi nhà số 280 Hàng Nâu (nay là 280 Minh Khai) nơi nhà thơ Tú Xương từng sinh sống.
Ngôi nhà số 280 Hàng Nâu (nay là 280 Minh Khai) nơi nhà thơ Tú Xương từng sinh sống.

Nhà thơ Tú Xương - Trần Tế Xương (1870-1907) tên thật là Trần Duy Uyên, quê làng Vỵ Xuyên, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), sau là phố Hàng Nâu (phố Minh Khai ngày nay), phường Vỵ Hoàng (TP Nam Định). Ông là người có tài thơ nhưng lại lận đận về đường thi cử, ông tham dự tới 8 khoa thi nhưng đều không đỗ. Tuy nhiên, sự nghiệp thơ văn của ông đã được đánh giá cao trong nền văn học sử Việt Nam - là cầu nối giữa văn học cổ cận và văn học hiện thực phê phán. Trên mảnh đất Thành Nam văn hiến, tên ông được gắn với con đường sát hồ Vỵ Xuyên, trường tiểu học, tên đơn vị hành chính (phường) của thành phố; mộ chí của ông được đặt trang trọng trong khuôn viên Công viên Vỵ Xuyên. Ngôi nhà số 280 phố Hàng Nâu xưa, nay là phố Minh Khai, phường Vỵ Hoàng (TP Nam Định) nơi nhà thơ đã từng sống từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc của đông đảo văn nghệ sỹ, người yêu thơ trong và ngoài nước đến tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ. Theo các nhân chứng và tài liệu lịch sử, nhà thơ Tú Xương cùng vợ, con sống tại ngôi nhà số 247 Hàng Nâu. Tuy nhiên, do ngôi nhà này phải gán nợ, nên ông và vợ con phải chuyển sang ngôi nhà số 280 Hàng Nâu. Mặc dù nơi đây nhà thơ Tú Xương chỉ sinh sống trong 7 năm (từ năm 1900 đến năm 1907) nhưng đánh dấu giai đoạn đỉnh cao sáng tác của ông với nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Đầu tháng 9-2012, chúng tôi tới thăm ngôi nhà xưa của nhà thơ và được ông Trần Ngọc Thành chủ nhà tiếp đón niềm nở. Ông Thành say sưa kể về cuộc đời, sự nghiệp cụ Tú. Mấy chục năm qua, dù bận nhiều việc nhưng gia đình ông Thành vẫn sẵn sàng tiếp đón khách tới thăm. Ông Thành bộc bạch: “Gia đình tôi tự hào được sống trên đất nhà cụ Tú xưa nên bao năm qua vẫn luôn giữ gìn, bảo quản cẩn trọng ngôi nhà của cụ để lại”. Theo ông Thành, ngôi nhà được xây dựng năm 1875 theo kiểu hình ống, lòng nhà rộng chưa tới 4m. Nhà có hai tầng, nhưng thực ra là gác trên và nhà dưới để tiện cho ông Tú yên tĩnh đọc sách, làm thơ. Mái trên, mái ô văng và hiên dưới đều lợp bằng ngói mũi, sát hàng dân có một hàng ngói tây cho chắc chắn. Dưới nhà có hai chùm cửa quay, mỗi chùm có hai cánh đặt trên bạo gỗ, có then cài, kẻ bẩy... Trải qua gần 140 năm tồn tại, trong đó có 70 năm gắn bó với gia đình ông Thành, ngôi nhà đã bị hư hại nhiều do thời gian, nhất là 2 lần (năm 1965, 1967) bị bom Mỹ gây hư hỏng nặng. Hiện nay, ngôi nhà vẫn giữ được hình dáng, cấu trúc, vật liệu nguyên bản ban đầu nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng. Gác sàn lát gỗ tầng 2 đã quá ọp ẹp không đủ sức chứa nổi người lên. Toàn bộ các đầu đòn tay, xà gồ, quá giang đều đã mục nát, phải gá kèo giả. Tường tầng 1 của ngôi nhà đã được thay thế bằng tường gạch, trước nhà là khoảng sân nhỏ chỉ đủ chỗ treo vài giò phong lan. Trần tầng 1 được chủ nhà ốp nhựa chống bụi, các mái hiên đều được gá thêm mái tôn cho chắc chắn. Ngôi nhà hiện không lưu giữ được đồ vật gì của gia đình nhà thơ.

Được biết, từ năm 1961 đến nay, tỉnh đã nhiều lần có chủ trương trùng tu ngôi nhà nhưng do có nhiều vướng mắc nên chưa triển khai được. Hướng tới lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, kỷ niệm 106 năm ngày mất của nhà thơ (1907-2013), từ đầu năm 2012, Sở VH, TT và DL, Thành ủy, UBND Thành phố Nam Định đã cùng gia đình ông Trần Ngọc Thành tìm phương án bảo tồn, tu sửa ngôi nhà của nhà thơ. Tháng 8-2012, UBND Thành phố Nam Định chỉ đạo Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp khảo sát, tìm hướng tu sửa hợp lý. Cán bộ Ban quản lý đã trực tiếp xuống hiện trường khảo sát, phối hợp với gia đình ông Thành tìm biện pháp giải quyết. Trước mắt lớp trần nhựa tầng 1 ngôi nhà sẽ được bóc để phục chế lại bảo đảm phù hợp với ngôi nhà, sau đó Ban quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện phương án bảo tồn lâu dài. Ông Trần Ngọc Hồ, 86 tuổi, là cháu nội nhà thơ Trần Tế Xương hiện đang sinh sống tại ngõ 177 đường Hưng Yên (TP Nam Định) cho biết: Lâu nay, gia đình chúng tôi vẫn luôn biết ơn gia đình ông Trần Ngọc Thành đã có công nâng niu, giữ gìn ngôi nhà. Vào ngày giỗ, hay ngày lễ Tết, chúng tôi vẫn qua lại thắp nén hương tưởng nhớ cụ. Hy vọng với sự quyết tâm của tỉnh, Thành phố Nam Định và tấm lòng của gia đình nhà giáo Trần Ngọc Thành, trong thời gian tới ngôi nhà của nhà thơ Trần Tế Xương sẽ được sửa chữa, bảo tồn trở thành điểm thu hút du khách đến tham quan./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com