Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo

07:08, 10/08/2012

Với 175 năm trị vì, nhà Trần là một trong những triều đại phong kiến nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam trên các lĩnh vực quân sự, văn hóa, kinh tế, đối ngoại, giáo dục… Dưới triều đại nhà Trần, đã xuất hiện nhiều nhân vật xuất chúng trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quân sự, các nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa… Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ sau tiếp tục phát huy trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Lễ khánh thành Tượng đài Trần Hưng Đạo, tại Quảng trường 3-2 Thành phố Nam Định (ngày 17-9-2000)
Lễ khánh thành Tượng đài Trần Hưng Đạo, tại Quảng trường 3-2 Thành phố Nam Định (ngày 17-9-2000)

Trần Hưng Đạo là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, gọi vua Trần Thái Tông là chú ruột. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư mô tả: từ nhỏ, ông là người có “dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người”, được cha sớm nhìn ra những tư chất của con nên đã mời các thầy giỏi về dạy dỗ nên ông sớm trở thành người “đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ”. Lịch sử quân sự nhà Trần ghi dấu ấn đặc biệt với 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, một đế quốc nổi tiếng hùng mạnh mà vó ngựa của chúng đã tung hoành khắp các lục địa Âu-Á, nhưng cuối cùng đã phải chùn bước và thất bại thảm hại tại lãnh thổ Đại Việt với những con người kiệt xuất. Cả ba chiến thắng lẫy lừng đó đều có sự đóng góp của Trần Hưng Đạo với tài trí quân sự tuyệt vời. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất, tháng 9 năm Đinh Tỵ (1257) Trần Quốc Tuấn được vua Trần Thái Tông phong giữ quyền “Tiết chế”. Đến tháng 10-1283 chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông phong ông làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh các lực lượng quân sự. Cũng trong cuộc kháng chiến này, ông viết “Hịch tướng sỹ” và đã làm nức lòng quân dân, khẳng định tài trí “văn, võ song toàn”. Dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, quân đội nhà Trần đã vượt qua vô vàn khó khăn và hiểm nguy, làm nên những chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng… lẫy lừng, khiến quân giặc thua trong sự khiếp đảm, “tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên”. Công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng thiên tài quân sự có tầm chiến lược và là anh hùng dân tộc của nhà Trần. Là một Tiết chế đầy tài năng, khi “dụng binh biết đợi thời, biết thừa thế tiến thoái”, đặc biệt là có một lòng tin sắt đá vào sức mạnh và ý chí của nhân dân, của tướng sĩ, Trần Hưng Đạo đã đề ra một đường lối kháng chiến ưu việt. Đánh giá về con người và công lao của Trần Hưng Đạo, sử sách và các nhà nghiên cứu đều khẳng định: Tư tưởng quán xuyến suốt đời của Trần Hưng Đạo là một tấm lòng tận tụy đối với đất nước, là ý muốn đoàn kết mọi tầng lớp trong dân tộc thành một lực lượng thống nhất, là tinh thần yêu thương dân, thể hiện rất rõ ở câu trả lời vua Trần Anh Tông về kế sách giữ nước trước khi ông mất rằng: “Phải nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà. Chính sử và các giai thoại đều ghi lại những sự kiện, câu chuyện khẳng định tài đức vẹn toàn xứng bậc anh hùng dân tộc của Trần Hưng Đạo, con người khéo tiến cử người tài giỏi, kính cẩn giữ tiết làm tôi, không tham quyền chức, biết gạt bỏ hiềm khích riêng, một danh nhân quân sự thiên tài trong lịch sử cổ kim không chỉ của nước Đại Việt mà mang tầm thế giới… Trong đời mình, ông đã trải qua một lần gia biến, ba lần nạn nước, nhưng ông lại càng tỏ ra là người hiền tài, một vị anh hùng cứu nước, luôn đặt lợi nước lên trên thù nhà, vun trồng cho khối đoàn kết trong tông tộc họ Trần, tạo cho thế nước ở đỉnh cao muôn trượng đủ sức đè bẹp quân thù. Những sách lược, chiến thuật quân sự của ông như đường lối chiến tranh nhân dân, kế “thanh dã” (vườn không, nhà trống), đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc vì đại cục… đã được hậu thế kế thừa và phát triển trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông là tướng nhân, tướng nghĩa, tướng trí, tướng dũng, và tướng tín, nên quân đội nhà Trần do ông thống lĩnh đã bách chiến, bách thắng, góp công quan trọng dệt nên những trang sử vàng hiển hách trong lịch sử dân tộc, để lại niềm vinh dự, tự hào lớn lao cho hậu thế của đất Thiên Trường - Nam Định.

Ông mất ngày 20-8 âm lịch năm Canh Tý (1300). Khi Trần Hưng Đạo mất, triều đình nhà Trần phong tặng ông là "Thái sư Thượng Phụ Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương". Ông được nhân dân cả nước tôn vinh là "Đức Thánh Trần" và lập đền thờ ở nhiều nơi. Trong đó nổi tiếng hơn cả là đền thờ ông trong Khu Di tích lịch sử văn hóa Trần tại phường Lộc Vượng (TP Nam Định) và tại Kiếp Bạc (Hải Dương) là những địa chỉ du lịch tâm linh đặc biệt được nhân dân cả nước kính cẩn hành hương về hằng năm. Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Quảng trường 3-2 Thành phố Nam Định hiện là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu được du khách đến tham quan và chụp hình lưu niệm mỗi khi đến Thành Nam. Ngoài ra, ông còn được lập đền thờ, dựng tượng ở nhiều nơi trên khắp đất nước, thể hiện sự tôn vinh, tri ân của hậu thế đối với tài đức, công lao của ông. Mới đây nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã xây dựng tượng đài ông trên quần đảo Trường Sa./.

PV (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com