Tượng vua Trần Thuận Tông tại Đền Trần (Nam Định). |
Vua Trần Thuận Tông sinh năm 1377, thọ 22 tuổi, làm vua 10 năm, xuất gia 1 năm rồi bị Hồ Quý Ly bức hại. Đây là thời điểm lịch sử đầy biến động trong cung đình nhà Trần vì các thế lực ngoại bang: Chiêm Thành (phía Nam), nhà Minh (phía Bắc) luôn luôn quấy rối, xâm lấn. Nhà vua phải cử Hồ Quý Ly vào kháng cự với quân Chiêm ở Thanh Hóa, hoặc sư tăng Phạm Sư Ôn chống lại triều đình ở vùng Quốc Oai thượng, lăm le đánh chiếm Kinh Sư, nhà vua cùng Thượng hoàng và tướng Hoàng Phụng Thế đi đánh dẹp… Năm 1390, Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều, giết được vua Chế Bồng Nga. Cùng năm ấy vua ngự đến Long Hưng, Kiến Xương, Yên Sinh làm lễ bái yết Chiêu Lăng. Ngày 14 tháng 11 năm 1390, Chương túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán từ trần. Trần Nguyên Đán (cháu nội Trần Quang Khải) là người nhân từ, phúc hậu và nho nhã. Có lần Thượng hoàng hỏi về mọi việc, ông nói: “Xin bệ hạ kính nước mình như cha, yêu Chiêm Thành như con, thì nhà nước được vô sự…”.
Hồ Quý Ly tự là Lý Nguyên. Đời Trần Nghệ Tông, Hồ Quý Ly từ chức Chi hậu tứ cục Chánh chưởng dần dần thăng lên Phụ chính Thái sư nhiếp chính. Chính vì vậy, Hồ Quý Ly đã từng bước tham gia triều Trần và thực sự là người có tài, được Thượng hoàng Nghệ Tông rất tin dùng. Vua Thuận Tông còn nhỏ. Thượng hoàng thì già cả nhưng đây cũng là giai đoạn nhà Trần cố gắng thực hiện những truyền thống của tiên liệt như tổ chức thi Thái học sinh tuyển chọn nhân tài cho xã tắc. Năm 1396, vua Thuận Tông xuống chiếu định cách thi cử, dùng thể văn bốn kỳ, bãi bỏ phép viết ám tả cổ văn. Kỳ đệ nhất thi một bài kinh nghĩa, có các đoạn phá đề, đại giảng, kết luận từ 500 chữ trở lên. Kỳ thi thứ ba thi một bài chiếu dùng thể Hán, một bài chế, một bài biểu dùng thể tứ lục đời Đường. Kỳ thi thứ tư thi một bài văn sách, lấy kinh sử hay ra đề từ 1.000 chữ trở lên. Cứ năm trước thi hương, thì năm sau thi hội, ai đỗ thì vua cho thi một bài văn sách để định cao thấp.
Cũng cùng năm ấy, vua hạ lệnh phát hành tiền giấy Thông Bảo hội sao, ai làm giả phải tội chết, tịch thu điền sản, cấm hẳn tiền đồng, không được chứa và tiêu riêng. Đồng thời, quy định lại các thể thức mũ áo các quan văn võ. Nhất phẩm thì sắc tía, nhị phẩm thì sắc đại hồng, tam phẩm sắc đỏ hoa đào, tứ phẩm sắc lục…
Vua còn nhỏ tuổi, việc nước lại hệ trọng, nên Thượng hoàng Nghệ Tông đã gọi Hồ Quý Ly lại và giao công việc trong nước cho họ Hồ. Rõ ràng vị vua Thuận Tông lúc này quả là còn non yếu không đủ sức gánh vác nổi giang sơn xã tắc, cũng vì vậy mà tháng 11 năm 1397, Hồ Quý Ly bức vua dời đô đến phủ Thanh Hóa. Hồ Quý Ly ép vua nhường ngôi cho Hoàng Thái tử Án và khuyên vua nên tu hành, gia nhập đạo tiên./.
PV
(Theo “Mười bốn vị Hoàng đế thời Trần”)