Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải

10:08, 20/08/2012

Trần Quang Khải (1241-1294), sinh vào tháng 10 âm lịch năm Tân Sửu (1241), là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông với Thuận Thiên hoàng hậu Lý Ngọc Oanh, em ruột Thái tử Trần Hoảng. Từ nhỏ ông đã được vua cha phong tước Chiêu Minh Vương, được vua cha cho thụ giáo với Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu, Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Sử chép ông là người có học thức, hiểu tiếng nói của các bộ tộc ít người. Năm 1258, ông được vua cha gả Công chúa Phụng Dương, ban cho thái ấp Độc Lập, Phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc). Đây là vùng đất trũng, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa chiêm, có nhiều sông ngòi nhỏ, rất thuận tiện trong giao thông đường thủy, lại có bến Đình có thể neo đậu được nhiều thuyền lớn... Trần Quang Khải đã cho lập khu phủ Đệ, xây dựng các công trình lớn có tường cao, hào sâu bảo vệ. Quanh các gò đống là nhà ở của binh lính, gia nô cùng các xưởng rèn, xưởng mộc, làm gốm, nung gạch, nung vôi... Trên cánh đồng người dân trồng bông, nuôi tằm, dệt vải, xây dựng Thái ấp trở thành một trong số các căn cứ chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt trong Phủ Thiên Trường, thuận lợi cho việc thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”. Sau khi Trần Thánh Tông lên ngôi, ông được phong tước Chiêu Minh Đại vương. Năm 1261, ông được phong làm Thái úy, chính thức tham gia công việc triều chính khi vừa 20 tuổi. Năm 1265, ông được phong làm Thượng tướng, vào trấn thủ Nghệ An, và đến đầu năm 1271, ông làm Tướng quốc Thái úy, trở thành đại thần đầu triều nắm giữ việc nước.

Sử cũ ghi lại, đều là những bậc danh nhân, võ tướng tiêu biểu của triều đình nhà Trần, Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn còn có mối quan hệ thân tộc, nhưng ban đầu giữa hai người lại có những mối bất hòa khá sâu sắc. Song với cách ứng xử khéo léo của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn,  đặc biệt là sự kiện Trần Quốc Tuấn tắm cho Trần Quang Khải, chủ động hóa giải mối bất hòa, mối quan hệ của hai ông trở nên sâu sắc, cùng đồng tâm phò vua giúp nước. Sự nghiệp của Trần Quang Khải đặc biệt ghi dấu với các chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương Độ, giải phóng kinh thành Thăng Long. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, triều đình luận công ban thưởng, Trần Quốc Tuấn có công lớn nhất, được phong tước Đại vương. Trần Quang Khải cũng được xếp công thần hạng nhất.

Trần Quang Khải là người học rộng và có viết văn, làm thơ. Ông viết Lạc đạo tập và tác phẩm của ông nay còn lại 5 bài thơ: “Tòng giá hoàn kinh sư”, “Phúc hưng viên”, “Lưu gia độ”, “Dã thự” và “Xuân nhật hữu cảm”. Là một vị tướng cầm quân xông pha khắp trận mạc đánh giặc, song thơ ông lại “thanh thoát, nhàn nhã”, “sâu xa, lý thú” (GS. Phan Huy Chú), ấy cũng là cốt cách phong thái của các vua Trần, của người Việt Nam ngàn đời nay. Ông có người con trai là Trần Đạo Tái, được triều đình phong tước Văn túc Vương, cũng là người nổi tiếng thông minh, lại có tài văn chương, đậu bảng nhãn lúc mới mười bốn tuổi, tuy nhiên đã mất sớm. Trần Quang Khải tiếp tục phụng sự triều đình đến khi mất ngày 3 tháng 7 âm lịch năm Giáp Ngọ (tức 26 tháng 7 năm 1294). Ông và vợ là công chúa Phụng Dương được chôn cất tại thái ấp của mình, được thờ làm Thành hoàng làng Cao Đài. Tại đây còn có đình Cao Đài (khu di tích - lịch sử được Nhà nước xếp hạng) thờ Thái sư Trần Quang Khải, công chúa Phụng Dương và năm vị thần khác. Tại khu di tích đến nay còn lưu giữ tấm bia, lập từ năm 1293, ghi công đức của công chúa Phụng Dương. Lời trong văn bia do chính Thái sư Trần Quang Khải và Thái bảo Lê Củng Viên biên soạn. Hằng năm, cứ vào ngày giỗ công chúa Phụng Dương (22 tháng 3 âm lịch) và ngày giỗ của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (3 tháng 7 âm lịch) nhân dân khắp nơi nô nức về khu di tích Cao Đài thắp hương tưởng nhớ người xưa có công với nước, với dân./.

PV (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com