Gia phả, truyền thuyết ở các làng Tương Loát (Ý Yên), Bách Cốc (Vụ Bản), Vân Chàng (Nam Trực) phản ánh phần nào việc tham gia của nhân dân Nam Định vào công cuộc kháng chiến chống Minh dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Lê Lợi - Nguyễn Trãi những năm 1417-1427.
Truyền thuyết vùng Vân Chàng kể rằng những người thợ rèn ở đây đã cung cấp dao, giáo mác, thiết lệnh, phi lao cho nghĩa quân Lam Sơn.
Các trai tráng Giáp Nhất (Nam Trực) đã theo chàng trai cùng làng họ Đoàn mang theo gậy gộc, những vũ khí tự chế tạo, truy kích quân Minh khi chúng chạy qua vùng này.
Tại làng Tương Loát có hai anh em họ Ngô là Ngô Quý Dật, Ngô Ái Thường cùng nổi dậy chống Minh.
Tại Mai Xá có người phụ nữ họ Đào tham gia nghĩa quân Lam Sơn, được giữ chức Quân trung điều hộ, bà cũng giúp đỡ nhân dân tiền gạo, thuốc men chữa bệnh. Sau khi mất, bà được nhân dân lập đền thờ, tôn là Thánh Mẫu.
Bùi Ư Đài, người làng Bách Cốc, vào thời kỳ vây thành Đông Quan, chuẩn bị diệt viện binh năm 1427, được Lê Lợi phong làm Thượng thự bộ Lễ.
Trong suốt 20 năm gian khổ của cuộc kháng chiến chống Minh, trên mảnh đất Nam Định, thành Cổ Lộng là dinh luỹ của Giao Châu hậu vệ, một trung tâm trọng yếu để thống trị và đàn áp khu vực phía nam châu thổ sông Hồng. Vào giai đoạn 1426 - 1427, khi nghĩa quân Lam Sơn từ Nghệ An tiến công ra Bắc, đã nhanh chóng bao vây, cô lập thành Cổ Lộng, biến nó trở thành ốc đảo giưã vùng giải phóng rộng lớn của nghĩa quân.
Lam Sơn thực lục viết: “Năm Bính Ngọ (1426) tháng 10, sai các tướng đi đánh các thành. Quốc Hưng đem quân đánh hai thành Điêu Diêu, Thị Cầu đều bắt hàng cả. Bọn Khả, Đại đánh thành Tam Giang hơn một tháng, thành ấy hàng. Bọn Lê Triện, Lê Sát, Lê Lý, Lê Thụ, Lê Lĩnh, Lê Hốt đánh thành Xương Giang. Bọn Lê Lựu, Lê Bôi đánh thành Khâu Ôn. Trong một thời gian ngắn, mấy thành ấy đều vỡ. Chỉ có Đông Đô, Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh, bốn thành là chưa hạ được mà thôi…”
Đại Việt sử ký toàn thư chép 4 đoạn có liên quan đến thành Cổ Lộng như sau: “Năm Đinh Mão, Minh Tuyên Đức thứ hai (1427), mùa xuân, tháng giêng, sai Tư Mã Cao Ngự tổng đốc trấn Thiên Quan bao vây thành Cổ Lộng. Cho phép ai có tội thì trị trước rồi tấu lên sau”; “Mùa đông, tháng 11, sai Đồng tri Nguyễn Mãn và đội trưởng mang thư đến hai thành Tây Đô và Cổ Lộng bảo bỏ vây vì cớ hai thành đó chưa hạ được”; “Tháng 12, ngày 17, Vương Thông đem quân bộ đi sau. Thông cùng vua từ biệt suốt đêm rồi đi. Vua sai đưa trâu, rượu, cờ thêu, trướng vẽ, các lễ vật tiễn chân rất hậu. Quân thuỷ bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cũng lục tục ra đi. Từ đấy việc binh yên hết, thiên hạ thái bình…”. Sau Toàn Thư, các sách như Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt thông sử cũng chép tương tự.
Những đoạn ghi chép trên cho thấy đầu năm 1426, khi mới tiến công ra Bắc, nghĩa quân Lam Sơn chủ trương tiến công tiêu diệt hàng loạt các thành trì của giặc Minh, trong đó có Cổ Lộng. Công cuộc bao vây dụ hàng thành Cổ Lộng là vô cùng gian khổ, quyết liệt. Quân Minh trong thành đã cố thủ đến cùng. Nhưng theo các nguồn tài liệu khác như thần tích, truyền thuyết dân gian thì thành Cổ Lộng đã bị tiêu diệt trước hết do công lao, đóng góp của nhân dân vùng Nam Định, trong đó tiêu biểu là nữ anh hùng họ Lương.
Theo Tự điển Kiến Quốc công Lương phu nhân do Lê Tung, người làng Yên Cừ, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), đậu Hoàng giáp năm 1451 (nghĩa là chỉ cách thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn trên dưới 30 năm) soạn vào đầu thế kỷ XVI, thì Kiến Quốc phu nhân họ Lương, người thôn Ngọc Chuế, tên là Minh Nguyệt. Chồng bà là Đinh Tuấn người cùng thôn. Thuở giặc Minh đóng quân ở thành Cổ Lộng, bà mở quán bán hàng ở ven thành. Hàng ngày bà vẫn thường xuyên theo dõi hoạt động của giặc. Khi biết tin Lê Lợi khởi nghĩa, bà đã tìm đường vào Lam Sơn báo cho nghĩa quân mọi tình hình của giặc Minh ở Cổ Lộng. Sau khi kiểm tra thực tế tình hình, Lê Lợi đã cử Lê Lễ, Lê Thạch dẫn 5000 quân ra bao vây, tấn công thành Cổ Lộng. Minh Nguyệt bày mưu đưa các thanh nữ vào chuốc rượu cho lũ quân, tướng Minh ở trong thành say rồi báo hiệu cho nghĩa quân tấn công. Đinh Tuấn đi tiên phong, phá cổng thành cho nghĩa quân xông vào tiêu diệt giặc. Xác giặc Minh nhiều đến tắc nghẽn cả sông, nhân dân trong vùng phải khơi thêm con sông nữa để kéo xác giặc đi. Sau chiến thắng này, Lê Lợi đã giao Minh Nguyệt giữ thành. Ngày khải hoàn, bình công, Lê Thái Tổ đã đánh giá công lao của bà: “Trẫm… sở dĩ ở lâu Thanh Hoá, chưa thể tiến công thành Đông Quan vì có thành Cổ Lộng chắn đường. Có phu nhân lập mưu thực hiện, vì trẫm mà phá được Cổ Lộng, thật là kỳ công vậy…”. Vua phong cho Đinh Tuấn là Kiến Quốc trung dũng đại thần, bà là Kiến Quốc công trinh liệt phu nhân, cấp cho 100 mẫu ruộng…
Sắc phong năm Hồng Đức nguyên niên thời Lê Thánh Tông có ghi: “Tuấn công vĩ liệt trang đoan tĩnh nhất Kiến Quốc công nhị vị phúc thần”. Có bài thơ ban:
Vĩ đại thay người phụ nữ giỏi
Chí khí mạnh ngang vạn quân
Giặc Ngô chiếm giữ ở thành Cổ Lộng
Vua ta khởi nghĩa
(Bà) dốc chí theo về
Quân thiết kỵ đánh mạnh
Thành công như thắt nút túi
Cầm bút chép sử nước Việt
Bà ngang tiếng với vua Trưng Vương
Miếu đền hưởng tế
Tiếng tăm truyền lại ngàn đời.
Vùng chung quanh Chuế Cầu, Bình Cách còn lưu truyền những câu chuyện về bà Lương đánh giặc, một loạt những sự tích các địa danh như “đồng Nang”, “kênh Ma”, “ruộng cô Vô Vọng” có liên quan đến hoạt động của bà và nhân dân trong vùng thuở chống Minh.
Kênh Ma: Là con kênh nằm trong địa phận làng Kinh Thanh, xã Yên Thọ chảy ra sông Đáy. Khi xác giặc Minh chồng chất lên nhau làm tắc nghẽn dòng sông, nhân dân trong vùng đã phải khơi một dòng mới để kéo những xác ma này đi, vì thế dòng sông mới này có tên là Kênh Ma, cống Kênh Ma (hay Thây Ma).
Cánh đồng Nang: rộng khoảng 200 mẫu Bắc bộ, ở địa phận xã Yên Thành, cách phía Đông thành Cổ Lộng khoảng 1 km, phía Tây làng Chuế Cầu khoảng 2,5 km. Số ruộng này vua Lê ban thưởng cho Bà vì công lao đánh giặc. Thuở bán hàng ở ven thành Cổ Lộng, cô hàng nước họ Lương với rượu ngon và sắc đẹp, vẫn ra vào doanh trại trong thành, đã mê hoặc được quân, tướng Minh. Hằng tối khi chui vào ngủ trong các bao (hay màn vây?) để tránh lạnh, tránh muỗi, chúng vẫn thường nhờ cô buộc dùm miệng túi. Lợi dụng cơ hội này, sau khi chờ chúng ngủ say, cô đã cho người khiêng vứt dần các túi này xuống sông ! Cứ dần dà như vậy cô đã góp phần tiêu hao sinh lực giặc Minh ở thành Cổ Lộng tạo điều kiện cho nghĩa quân sau này tiêu diệt. Cánh ruộng được Vua ban thưởng cho cô vì có công tiêu diệt giặc được dân gian gọi là cánh đồng Nang như là một cách kỷ niệm, gợi nhớ về cách đánh giặc của cô hàng nước họ Lương là thắt nút các bao, các túi (tiếng Hán – Việt là nang).
Ruộng bà Kiến Quốc: Theo nhân dân địa phương, trước thời Pháp thuộc có khoảng 1224 mẫu ruộng mang tên này. Loại ruộng này ở nhiều nơi như đồng Trầm xã Yên Phú, đồng Cổ Đam ở xã Yên Phương, đồng Báng ở xã Yên Trung…
Ruộng cô Vô Vọng: Ruộng khoảng 6 sào, nằm trong cánh đồng Nang thuộc xã Yên Thành. Tương truyền đó là thửa ruộng bà Minh Nguyệt đã thưởng cho cô gái xinh đẹp, con nuôi của bà, vốn là người làng Vô Vọng vì đã góp sức cùng bà lập mưu diệt dần lũ giặc Minh ở thành Cổ Lộng.
Văn tế nhị vị phúc thần là bài văn vần truyền lại cho nhiều thế hệ cư dân thuộc lòng :
Lê triều phát tích
Đế mệnh báo sinh
Lộng thành nang toán
Bắc khấu trừ thanh…
(… Triều Lê phát tích
Mệnh vua ban ra
Thành Cổ Lộng thắt túi
Diệt trừ giặc Bắc…)./.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]